Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2023; kỉ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023).
Trong buổi lễ này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ đội ngũ nhà giáo Thủ đô không chỉ là những người chuẩn mực mà phải phấn đấu trở thành mẫu mực, là khuôn mẫu cho nhà giáo cả nước.
Đối với trường học, ông mong muốn giữ được 3 chữ “an”. Đó là, học trò đến trường phải được an toàn, thầy cô giáo làm việc phải được an lòng, phụ huynh đưa con đến trường được an tâm.
Những lời nhắn gửi, mong muốn của Bộ trưởng cũng là điều mong muốn chung của đội ngũ nhà giáo, của học sinh và phụ huynh đang có con theo học ở các nhà trường hiện nay. Song, muốn giữ được 3 chữ “an” trong trường học phải cần sự chung tay của nhiều người, nhiều đoàn thể khác nhau.
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ |
Chữ “an” có nhiều nghĩa khác nhau, tùy vào từng ngữ cảnh nhưng nghĩa thông thường vẫn được hiểu là an, yên. Vì thế, ai cũng mong muốn chữ an đến với mình. Đối với trường học, chữ an cũng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Theo Bộ trưởng, đối với học sinh đến trường phải được an toàn. Đặt trong bối cảnh hiện nay, học sinh được an toàn là điều ai cũng mong muốn, nhất là đối với phụ huynh đang có con theo học tại các nhà trường.
Sự an toàn của học trò rất quan trọng ở trong từng nhà trường. Muốn được an toàn, học sinh phải được bảo vệ, che chở từ tình cảm yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia của thầy cô, bạn bè. Học sinh cần được an toàn cả về thể chất, tinh thần và tất nhiên học sinh phải biết chủ động xử lí trong mọi tình huống để bảo vệ mình.
Thời nay có nhiều cái mới, nhiều cái hiện đại nhưng cũng đang tạo nhiều cạm bẫy khác nhau. Bên cạnh những ưu điểm, lợi thế từ mạng internet thì chúng ta cũng thấy được mặt trái của nó và có cả những tệ nạn xã hội cũng đang luồn lách đi vào chốn học đường.
Sự ích kỷ lên ngôi, bạo lực học đường ngày một gia tăng, một bộ phận học sinh trở thành nạn nhân của bạo lực học đường bởi bạn bè, thầy cô trong lớp, trong trường và cả ngoài nhà trường.
Trong khi đó, một bộ phận học sinh cũng đang thiếu đi những kĩ năng cần thiết khi ứng xử, xử lí tình huống cũng là một thách thức không nhỏ cho học trò. Vì thế, nhà trường phải thực sự là ngôi nhà thứ 2 cho các em. Ngoài việc dạy cho học sinh tri thức, thầy cô còn phải dạy cho các em tình yêu thương, sự tôn trọng mọi người xung quanh, biết sẻ chia, đồng cảm với nhau trong mọi tình huống.
Chữ an đối với thầy cô giáo là thầy cô giáo làm việc phải được an lòng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Sự an lòng của thầy cô phải bắt đầu từ những chính sách vĩ mô đối với đội ngũ nhà giáo và hạnh phúc trong quá trình làm việc, công tác.
Làm sao để một bộ phận thầy cô giáo, nhất là thầy cô giáo trẻ, những thầy cô dạy các môn học được xem là “môn phụ” an lòng về chế độ tiền lương, thu nhập hàng tháng không phải canh cánh về chuyện cơm áo gạo tiền.
Môi trường giáo dục ở cơ sở phải thực sự đoàn kết, chia sẻ, hợp tác cùng phát triển để giáo viên hòa nhập, cống hiến và phát huy khả năng, tâm huyết của mình cho đơn vị.
Làm sao để thầy cô giáo thấy yêu thích, an lòng với công việc, mái trường mà mình đang gắn bó vẫn là điều băn khoăn đối với nhiều giáo viên hiện nay.
Bởi lẽ, chỉ khi nào giáo viên cảm thấy thích đến trường sớm, thích sau mỗi giờ dạy có thể ngồi hàn huyên, tâm sự cùng đồng nghiệp của mình một cách vô tư, không phải dè chừng, không phải rào trước, đón sau.
Trong công việc, những chỉ tiêu, những hội thi, phong trào, hội họp, hồ sơ sổ sách…vơi bớt áp lực thì giáo viên mới thực sự an lòng. Bên cạnh đó, xã hội cũng bớt hà khắc, phụ huynh học sinh cũng cần có cái nhìn, cách ứng xử cảm thông chia sẻ, học sinh tôn trọng thầy cô của mình.
Chứ không phải cái gì phụ huynh cũng đưa lên mạng xã hội để “đánh hội đồng” nhà giáo. Trong khi, nhiều học sinh bây giờ ngỗ ngược, ương bướng cần sự nghiêm khắc của thầy cô mới có thể thay đổi được hành vi, thái độ với thầy cô của mình.
Bên cạnh sự an toàn của học trò, sự an lòng lòng của thầy cô giáo thì phụ huynh đưa con đến trường cũng rất muốn được an tâm.
Phụ huynh muốn an tâm về môi trường học tập của con em mình. Nơi đó, tạo được môi trường cho con em họ yên tâm học tập, phấn đấu, trau dồi nhân cách, đạo đức. Phụ huynh chỉ an tâm khi con mình được học tập ở một môi trường tốt, có thầy cô thực sự yêu thương, dẫn dắt và định hướng tốt.
Con em họ không lo bị bạo lực học đường, không bị đánh, không bị bạn bè cô lập trong chính lớp học của mình. Nơi đó, con em họ được yêu thương, tôn trọng, được đối xử công bằng. Đặc biệt, hết giờ học ở trường, học sinh không phải tất bật chạy đi học thêm hết ca này đến ca khác.
Muốn giữ được 3 chữ “an” trong trường học như mong muốn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ đội ngũ nhà giáo Thủ đô không phải là điều quá khó nhưng cũng không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Nếu như tất cả cùng chung tay kiến tạo, thực hiện và lan tỏa sự yêu thương, tôn trọng, sẻ chia với nhau. Những chính sách, chủ trương trong chỉ đạo, điều hành phải phù hợp. Trong mỗi đơn vị thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đội ngũ cốt cán phải thực sự là "đầu tàu", làm gương trong đơn vị.
Trên lớp học, thầy cô phải làm gương trước học trò. Ở nhà, cha mẹ làm gương cho con. Tất nhiên, học sinh cũng phải có trách nhiệm với nhà trường với gia đình mình và ý thực được trách nhiệm bản thân với chính cuộc đời của các em.
Một khi có chính sách đúng, nhà trường- gia đình- xã hội cùng thấu hiểu, sẻ chia làm hết trách nhiệm của mình để hướng tới những điều tốt đẹp trong từng nhà trường thì chúng ta sẽ giữ được 3 chữ “an”. Nếu không, mọi thứ vẫn khó khăn, thách thức.
Tài liệu tham khảo:
https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-truong-bo-giao-duc-mong-giu-ba-chu-an-trong-truong-hoc-20231115164915212.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.