Tốt nghiệp đại học năm 2004, tôi dạy hợp đồng cho một trường trung học cơ sở, tuần dạy 19 tiết và nhận về mức lương 539.400 đồng/tháng.
Sau 17 năm dạy học, trong đó có 14 năm đóng bảo hiểm xã hội - tương đương thâm niên 14%, tôi nhận được hơn 10 triệu đồng/tháng - bao gồm 0,25% hệ số phụ cấp chức vụ cho tổ trưởng chuyên môn.
Tôi nhận thấy, áp lực khối lượng công việc của tổ trưởng chuyên môn nói riêng và giáo viên bộ môn nói chung hiện nay đã tăng thêm gấp 2-3 lần so với trước đây, nhưng tiền lương vẫn ở mức cũ.
Ảnh minh hoạ. |
Áp lực lớn nhất đối với tôi và các đồng nghiệp là khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc trung học phổ thông.
Từ mùa hè năm học 2021-2022, giáo viên chúng tôi hầu như không được nghỉ hè theo quy định mà phải dành thời gian tập huấn (cả trực tuyến lẫn trực tiếp) thay sách giáo khoa để dạy chương trình mới lớp 10 năm học 2022-2023.
Tôi quản lí tổ bộ môn nên bên cạnh việc tập huấn thay sách giáo khoa theo quy định chung của địa phương thì còn phải tham dự các cuộc họp chuyên môn từ cấp Sở Giáo dục và Đào tạo đến cấp cụm, cấp trường để về triển khai cho giáo viên trong tổ.
Cũng trong thời gian nghỉ hè, chúng tôi phải đọc hết 3 bộ sách (Chân trời sáng tạo, Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống) cùng với các cụm chuyên đề học tập nhằm giúp tổ chuyên môn làm cơ sở trong việc lựa chọn sách giáo khoa.
Việc đọc hết các bộ sách và cụm chuyên đề học tập chỉ mất vài ba ngày nhưng để ghi lại những ưu điểm và hạn chế của từng bộ sách thì quả là mất rất nhiều thời gian.
Tôi mất hơn 2 tuần để nhận xét sách giáo khoa theo quan điểm của bản thân nhưng trong quá trình dạy học, tôi còn phát hiện ra nhiều hạn chế, thiếu sót, bất cập của bộ sách.
Mỗi bộ sách sách khoa đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, kể cả "sạn", cho nên các giáo viên phải cân đo đong đếm, từ đó mới có thể chọn ra một bộ sách phù hợp với đặc điểm của học sinh trên địa bàn.
Mặc dù đã chọn được bộ sách giáo khoa tương đối phù hợp nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn không thể bám vào 100% nội dung trong sách để dạy cho học sinh.
Bởi lẽ, một bộ sách giáo khoa tốt, theo tôi phải đáp ứng các tiêu chí: khoa học, sư phạm và phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh - nhưng không có một bộ sách nào đáp ứng được 100% tiêu chí này.
Và thế là, tôi và các đồng nghiệp vừa dạy học, vừa chia nhau biên soạn khoảng 30% nội dung giáo trình để thay thế các bài học trong sách giáo khoa (Ngữ văn) chưa phù hợp.
Quy trình biên soạn giáo trình như sau: Tổ trưởng chuyên môn họp tổ, căn cứ vào chương trình để lựa chọn các văn bản thay thế cho các khối lớp. Sau đó, giáo viên thiết kế các câu hỏi đọc hiểu, kiểm tra đánh giá... sao cho phù hợp với đối tượng học sinh.
Cuối cùng, tổ trưởng, tổ phó bộ môn họp cùng với hội đồng chuyên môn nhà trường để thẩm định, chỉnh sửa giáo trình và khi hiệu trưởng đồng ý thông qua thì giáo viên mới được phép đưa tài liệu này vào giảng dạy.
Tôi dạy chương trình cũ (lớp 12) hiện hành thì hầu như không phải soạn giáo án. Tôi thuộc lòng từng bài học, từng trang sách mà không cần phải sử dụng sách giáo khoa trong các tiết dạy học.
Nhưng khi dạy Chương trình mới, tôi phải soạn giáo án từng bài một, cả phần word (chữ) và PowerPoint (phần mềm trình chiếu).
Cùng với đó, giáo viên phải thiết kế nhiều phiếu học tập ghi nội dung câu hỏi thảo luận và chừa chỗ trống cho học sinh ghi bài nên chiếm hết thời gian của chúng tôi sau giờ lên lớp.
Giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần nhưng thời gian soạn giáo án của tôi tăng lên gấp 3 lần. Giáo viên nào không rành công nghệ thông tin thì mất nhiều thời gian hơn thế nữa.
Ngoài ra, giáo viên chúng tôi còn phải bồi dưỡng thường xuyên các modul, cũng tốn không ít thời gian. Trong quá trình học, chúng tôi phải làm các sản phẩm nộp lên hệ thống, nếu bài tập chấm không đạt thì phải làm lại.
Đáng nói, tôi dạy học ở trường công lập được hơn 10 năm và đạt được nhiều thành tích từ cấp tỉnh đến cấp trường. Tuy vậy, tôi chỉ được tăng lương trước thời hạn 01 năm, được thêm vài trăm ngàn đồng/tháng.
Để nuôi nghề "tay phải" giáo viên chúng tôi phải làm thêm nghề "tay trái" nên không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Nhiều giáo viên cảm thấy áy náy khi phải làm việc chân trong chân ngoài nhưng vì mưu sinh, thầy cô không có lựa chọn nào khác.
Cá nhân tôi nhận thấy, việc cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của viên chức giáo viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Liên quan đến lương giáo viên, ngày 7/11/2023, tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết:
"Khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương tới đây, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết số 27 và đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là "lương nhà giáo được ưu tiên xét trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp".
Thông tin này khiến hơn 1,4 triệu giáo viên trên cả nước đang trông chờ tăng tiền lương, nhất là vào thời điểm năm 2024. Hi vọng việc tăng lương của giáo viên sẽ sớm trở thành hiện thực để thầy cô yên tâm dạy học.
Tài liệu tham khảo:
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tien-luong-giao-vien-se-nhu-the-nao-khi-cai-cach-tien-luong-750392
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.