Vụ án Vạn Thịnh Phát: Để "lọt" báo cáo không trung thực, cần làm rõ trách nhiệm

22/11/2023 09:31
Thành An
GDVN- Tại sao lại có việc “lọt lưới” báo cáo thanh tra không trung thực liên quan Ngân hàng SCB khiến các sai phạm không bị ngăn chặn kịp thời.

Số tiền một người nhận hối lộ trong một vụ án lớn nhất

Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ rõ, hàng loạt cựu cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước đã có những sai phạm nên bị đề nghị truy tố với những tội danh khác nhau.

Cụ thể, theo Kết luận điều tra vụ án, trong số 86 bị can của vụ án có 13 bị can từng là cán bộ và lãnh đạo đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố. Trong đó bị can Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Thiết kế: Thành An.

Thiết kế: Thành An.

Theo bản kết luận điều tra, Đỗ Thị Nhàn với vai trò Trưởng đoàn Thanh tra đã nhiều lần gặp gỡ Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các lãnh đạo Ngân hàng SCB và nhận 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng). Đỗ Thị Nhàn đã bao che, “bưng bít” sai phạm cho Ngân hàng SCB thông qua việc báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, khiến Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tương tự, bị can Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB với tổng cộng 390.000 USD (tương đương hơn 8,7 tỷ đồng). [1]

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi đều được điều tra, xử lý rất quyết liệt. Điều này tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán xử lý vi phạm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Người dân rất ủng hộ sự quyết liệt này và vững tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng".

Ông Sửu cho rằng: "Trước đây, những vụ án tham nhũng không phải là ít, nhưng vụ án Vạn Thịnh Phát đặc biệt nghiêm trọng. Nhất là với vai trò của cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước - Đỗ Thị Nhàn, cá nhân nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD thời điểm ấy là lớn lắm. Có thể nói, đây là số tiền một người nhận hối lộ trong một vụ án lớn nhất từ trước đến nay.

Ở đây, vì đồng tiền mà dựng báo cáo ảo, làm báo cáo láo, để “chạy chọt”, “làm mờ”, “tẩy trắng” cho đơn vị có sai phạm, đó là quá trình làm giả mạo rất nhiều thứ để hợp thức hóa. Trong quá khứ, cũng có đã có những vụ án tham nhũng với thủ đoạn tinh vi, dùng đủ cách nhằm che đậy, luồn lách để kiếm chác, chứ không là một cách lộ liễu, thô thiển. Vì vậy, đội ngũ kiểm tra, giám sát hoạt động thanh, kiểm tra phải có chuyên môn về lĩnh vực này cũng như phải thật tinh tường về nghiệp vụ mới có thể phát hiện được.

Trong trường hợp này, bị can Đỗ Thị Nhàn một khi đã nhận hối lộ, thì đương nhiên phải xử lý nghiêm minh.

Như kinh nghiệm trước đây làm công tác kiểm tra, tôi có thể chia sẻ rằng, có những vụ việc rất phức tạp, dây dợ móc nối với nhau, cần làm thật cẩn trọng, kỹ lưỡng để phơi bày rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan để "lọt" báo cáo này”.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Sửu cũng nhấn mạnh, thời gian qua, vấn đề hiện tượng tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng cũng đã được nhắc đến nhiều. Sai phạm trong hoạt động thanh tra nguy hiểm hơn rất nhiều so với sai phạm trong các hoạt động khác của Nhà nước. Trách nhiệm giám sát, kiểm tra hoạt động của đoàn thanh tra trong vụ án Vạn Thịnh Phát này đến đâu cũng là câu hỏi lớn cần làm rõ.

Làm rõ vì sao có sự “lọt lưới” sai phạm?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Vấn đề tiền tệ luôn luôn rất quan trọng đối với sự điều hành nền kinh tế của một đất nước. Để xảy ra sai phạm như trong trường hợp này, phải gọi là có sự “buông lỏng” quản lý”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, để những người làm công tác thanh tra “nhúng chàm”, cả đoàn thanh tra bị “mua chuộc” để “bưng bít” cho sai phạm, là một việc vô cùng đáng tiếc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

“Đáng nói hơn, một sự việc nghiêm trọng như thế mà thời gian xảy ra cũng không phải là ngắn. Tôi đề nghị, phải rà soát lại thật kỹ xem khâu nào là khâu còn lỏng lẻo. Đầu tiên, phải trả lời được cho dư luận một cách minh bạch, rõ ràng: Vấn đề ở khâu nào?

Chưa hết, về nguyên tắc, báo cáo Chính phủ phải là người đứng đầu, đại diện Ngân hàng Nhà nước. Vậy tại sao lại có việc “lọt lưới” báo cáo này khiến các sai phạm không bị ngăn chặn kịp thời.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai? Chúng ta phải làm rõ những “lỗ hổng” ở đâu đã để “lọt” sai phạm như vậy, thì mới có thể ngăn chặn được những tiêu cực tương tự. Bởi, ai cũng thấy sai phạm trong vụ án này gây thất thoát số tiền lớn như thế nào”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.anninhthudo.vn/vu-van-thinh-phat-can-bo-ngan-hang-nha-nuoc-nhan-qua-de-bung-bit-cho-scb-post558616.antd

Thành An