Theo nội dung trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 71/QĐ-ĐHTĐHN ngày 25 tháng 01 năm 2016), nhà trường đặt mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020: "Đến năm 2020: Tổng số cán bộ, giảng viên, giáo viên là 450, trong đó số lượng giảng viên cơ hữu là 350; 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên; có ít nhất 10 GS, PGS; 20-25% cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có thâm niên công tác từ 15 năm trở lên có học vị tiến sĩ (khoảng 100 – 120 người); tỷ lệ sinh viên chính quy, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh trên cán bộ giảng dạy là 20:1. Đội ngũ giáo viên, nhân viên tại các Trường thực hành: 30 người. Số lượng cán bộ nghiên cứu làm việc tại các phòng thí nghiệm, trung tâm là 50. Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa, Trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học, Trưởng bộ môn phải có trình độ tiến sĩ".
Tuy nhiên, với các số liệu phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu ở báo cáo ba công khai năm học 2020-2021 tại bảng thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm học 2020-2021 thì số lượng giảng viên cơ hữu khó đạt được theo mục tiêu đề ra. Theo đó, thời điểm này, nhà trường kê có 6 phó giáo sư; 61 tiến sĩ; 168 thạc sĩ và 7 giảng viên trình độ đại học.
Nguồn thu hợp pháp giảm gần 30 tỷ đồng là do tách riêng khoản học phí
Theo như lí giải của nhà trường, nguồn thu từ nguồn khác năm 2020 với 72,3 tỷ đồng bao gồm cả phần học phí, lệ phí. |
Về công khai tài chính của Trường Đại học Thủ đô trong năm 2020, nhà trường có thu từ nguồn khác là 72,3 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách là trên 33 tỷ đồng; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được 322 triệu đồng và không có thu từ học phí, lệ phí.
Sang năm 2021, nhà trường có nguồn chi từ ngân sách là 22,8 tỷ đồng; nguồn thu từ học phí là 34,3 tỷ đồng và nguồn thu hợp pháp khác là 44,1 tỷ đồng (riêng khoản thu này giảm gần 30 tỷ đồng). Đồng thời, bên cạnh đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường không có thông tin.
Tổng thu của năm 2021 bị giảm tại nguồn hợp pháp khác. Nhà trường lý giải nguyên nhân là tại năm học 2020 nguồn thu hợp pháp khác được gộp với khoản học phí, còn tại năm 2021 nguồn thu hợp pháp khác được tách riêng với học phí. (Ảnh: cắt màn hình) |
Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi nội dung câu hỏi đến lãnh đạo trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Sau đó, Hiệu trưởng nhà trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền đã gửi văn bản trả lời các câu hỏi liên quan cũng như giải thích về số liệu trên.
Về nội dung bị cắt giảm thu từ nguồn ngân sách, nhà trường cho hay, đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên (chưa tự chủ tài chính), năm 2021 nhà trường được cấp 22,8 tỷ đồng.
Lý giải về việc nguồn thu hợp pháp khác bị giảm gần 30 tỷ đồng trong năm 2021, lãnh đạo nhà trường giải thích, năm 2020, trên báo cáo ba công khai có nêu tổng nguồn thu hợp pháp khác là 72,3 tỷ đồng, con số này bao gồm cả khoản thu học phí.
Còn đến năm 2021, nguồn thu hợp pháp khác chỉ có tổng 44,1 tỷ đồng là đã tách riêng với nguồn thu học phí 34,3 tỷ đồng.
"Do vậy, không có việc giảm gần 30 tỷ đồng so với năm trước", Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo ba công khai của trường Đại học Thủ đô Hà Nội tại năm học 2020-2021 không thông tin về mức học phí của các bậc học như tiến sĩ, thạc sĩ, đại học chính quy.
Trả lời về nội dung trên, văn bản trả lời của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, năm 2020, công khai theo biểu mẫu năm trước nên nhà trường chưa có thông tin về mức học phí của các bậc học như thạc sĩ, tiến sĩ, đại học chính quy. Tuy nhiên, trong Đề án tuyển sinh của nhà trường đã công khai về các nội dung này.
Cũng theo báo cáo ba công khai, đến năm học 2022-2023, mức học phí của các bậc đào tạo trong một năm học không có nhiều sự thay đổi, tuy nhiên đối với bậc đào tạo tiến sĩ có phần tăng tại mức dự kiến học phí của cả khoá học/người học.
Đó là mức học phí đào tạo tiến sĩ năm học 2022-2023 dự kiến 131,5 triệu đồng tăng 82,5 triệu đồng (tăng 59%) so với năm học 2021-2022.
Trả lời về câu hỏi trên, lãnh đạo nhà trường thông tin, nhà trường thực hiện việc tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Vì vậy, mức học phí từ năm học 2022-2023 đã được điều chỉnh tăng theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Học phí cao đẳng 710 triệu đồng/năm học là do bị nhầm
Học phí khối cao đẳng theo báo cáo ba công khai năm học 2020-2021 có con số lớn với 710 triệu đồng/năm học/ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm thủy sản và 850 triệu đồng/năm học/ngành Khoa học tự nhiên; kĩ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch. (Ảnh: cắt màn hình) |
Số liệu về học phí khối cao đẳng của năm học 2020-2021 có điểm bất thường khi mức tiền lớn với 710.000 triệu đồng/sinh viên/tháng và đồng/năm học/ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm thủy sản và 850 triệu đồng/sinh viên/tháng tùy ngành học Khoa học tự nhiên, kĩ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn và du lịch.
Về điều này, lãnh đạo nhà trường cho hay, học phí năm học 2020-2021 của khối cao đẳng là 710.000 đồng/sinh viên/tháng và 850.000 đồng/sinh viên/tháng tùy ngành học (Quyết định mức học phí số 442, 443/QĐ-ĐHTĐHN ngày 02/6/2020).
"Do thông tin đơn vị tính tại cột học phí là triệu đồng/sinh viên/năm nên gây nhầm lẫn về mức học phí giữa tháng và năm, xin được đính chính lại mức học phí theo năm là 7.100.000 đồng/sinh viên/năm hoặc 8.500.000 đồng/sinh viên/năm tùy ngành học", lãnh đạo nhà trường thông tin.