ĐBQH: Nên cho rút BHXH 1 lần với phần NLĐ đóng, phần còn lại được bảo lưu

24/11/2023 08:45
Huệ Phương
GDVN-Theo ĐBQH, trường hợp khi hưởng BHXH một lần thì NLĐ chỉ được rút phần mình đóng, còn phần NSDLĐ đóng thì được bảo lưu đến khi hết tuổi lao động.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vào ngày 23/11, vấn đề 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần đã nhận được nhiều ý kiến.

Đề xuất lập quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc

Nêu ý kiến thảo luận về nội dung này, Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho hay, dự thảo luật đưa ra 2 phương án với mục đích chung để hạn chế người lao động rút.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên theo nữ đại biểu, phương án 1 chỉ cho những người tham gia bảo hiểm xã hội trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, đủ điều kiện được rút. Với những người tham gia sau thời gian luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025) lại không được, như vậy chưa đầy đủ.

Với phương án 2 cho tất cả người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng chỉ được 50%. Song, vấn đề đặt ra là nhiều người lao động có lương thấp, mức đóng thấp nên khi rút bảo hiểm xã hội một lần số tiền ít sẽ không giải quyết được khó khăn.

Do đó, theo Đại biểu Phạm Thị Kiều, cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn đảm bảo để họ có thể ổn định đời sống sau khi ngừng việc.

Nữ đại biểu đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập quỹ cho vay với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn. Vì thế cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và không muốn rút.

Dự luật đề xuất 2 phương án, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, việc chia thành 2 nhóm trước và sau khi luật sửa đổi có hiệu lực có thể dẫn đến tình trạng người lao động gia tăng rút trước khi luật có hiệu lực, ảnh hưởng bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Nữ đại biểu nhấn mạnh, phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút, tuy nhiên, phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút.

Theo đó, luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.

Trong đó, lựa chọn thứ nhất nếu người lao động bảo lưu bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm với thông thường. Các chế độ tăng thêm được thiết kế trong dự thảo luật là cần thiết, phù hợp, cụ thể giảm điều kiện thời gian đóng hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm...

Lựa chọn thứ hai, nếu người lao động rút sẽ không được hưởng quyền lợi tăng thêm và đáp ứng các quy định khắt khe.

Lựa chọn thứ ba, người lao động được rút 50% và để lại 50%. Phương án này giúp giải quyết một phần khó khăn và tái tham gia khi có điều kiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Được rút nhưng chỉ hưởng phần mình đóng, bảo lưu phần doanh nghiệp đóng?

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết: “Tôi tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội. Ở đây là thảo luận lần đầu tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tôi cơ bản tán thành các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 3. Tuy nhiên, tôi thấy có 2 vấn đề cần chú ý.

Một, tại điểm l khoản 1 quy định chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Quy định này là một bước mới so với luật hiện hành, luật hiện hành không quy định đối tượng này nhưng đã thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết 28 hay chưa cần phải làm rõ?

Yêu cầu Nghị quyết 28 là rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh. Như vậy, Nghị quyết 28 không đặt ra yêu cầu phân chia các nhóm chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh hay không phải đăng ký kinh doanh. Dự thảo luật mới quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Trong tờ trình có đề cập đối tượng này là do nhỏ lẻ,... tôi thấy cũng chưa rõ. Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở quy định này.

Hai, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như tại điểm a khoản 1 là khá bao trùm các đối tượng, rất rộng. Tuy nhiên, cần có những quy định để đảm bảo tính khả thi của quy định này như các đại biểu trước đã băn khoăn. Thực tế lao động này rất rộng, họ làm được tất cả các lĩnh vực, họ thường xuyên di chuyển, một vài tháng có thể họ di chuyển.

Hiện nay, chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động cho nên chúng ta chưa thể nắm hết được đối tượng này, tính khả thi chưa có. Sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta có hỗ trợ cho người lao động và rất lúng túng khi xác định những đối tượng được hỗ trợ bởi vì chưa có cơ sở dữ liệu về lao động này. Cho nên tính khả thi của quy định này cũng cần phải được tính toán, cần phải có quy định. Có thể quy định thêm chế tài cho đối tượng này để việc thực hiện được bảo đảm khả thi.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: quochoi.vn.

Về bảo hiểm xã hội một lần ở Điều 70, dự Thảo quy định có 2 phương án.

Phương án 1. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm.

Như vậy theo phương án này sau ngày 01/7/2025 dự kiến luật có hiệu lực người lao động sẽ không được rút bảo hiểm xã hội một lần nữa. Khi chúng ta sửa đổi, bổ sung luật này vào năm 2014, Quốc hội khóa XIII thảo luận rất nhiều về vấn đề này.

Chúng tôi nhớ có rất nhiều đại biểu đề nghị cho họ lựa chọn giữa 2 phương án. Vì mục tiêu của ta rất nhân văn ở chỗ chúng ta bảo lưu lại, không cho người lao động rút là để cho họ khi hết tuổi lao động, khi về già thì có một khoản tiền để trang trải cuộc sống. Quy định đó rất nhân văn, chính vì nhân văn như vậy nên Quốc hội khóa XIII đã quyết định bảo lưu. Khi Quốc hội quyết định như vậy thì người lao động lại không đồng tình, họ đã có phản ứng. Trước phản ứng người lao động, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu hay rút bảo hiểm xã hội một lần.

Vấn đề ở đây là tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình, đó là vấn đề cần được tiếp tục làm rõ, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn; về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống. Nếu áp dụng phương án 1, tôi e rằng người lao động không đồng tình và cũng e rằng khả năng họ cũng phản ứng như ở khóa XIII, đề nghị hết sức lưu ý vấn đề này.

Ở phương án 2. Chúng ta cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng số thời gian đóng. Vấn đề sẽ đặt ra một câu hỏi là tại sao lại là 50% mà không phải là một tỉ lệ khác. Tôi thấy cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng bảo hiểm xã hội khi họ không còn điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội nữa, khi đó họ không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy, trong tham gia đóng bảo hiểm xã hội có phần người lao động đóng và một phần người sử dụng lao động đóng. Cho nên, theo tôi nên quy định theo hướng người lao động được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Những trường hợp khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động chỉ được rút phần mình đóng, còn phần người sử dụng lao động đóng thì được nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc họ hưởng khi hết tuổi lao động.

Thứ ba, về trợ cấp hưu trí. Chúng tôi tán thành từ Điều 20 đến Điều 24. Nhưng về việc hạ độ tuổi từ 80 xuống 75 là nguyện vọng của Nhân dân. Đi tiếp xúc cử tri thì lâu nay cử tri đều kiến nghị hạ xuống. Khi đó chúng tôi trả lời là cứ tiếp thu, khi nào sửa Luật Bảo hiểm xã hội thì đưa ra. Bây giờ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đáp ứng việc này rồi, chúng tôi tán thành rất cao.

Ở đây còn một vấn đề dự thảo luật đã quy định Chính phủ quy định mức trợ cấp cụ thể theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tôi tán thành. Nhưng khi Chính phủ quy định nên quy định mức nào đó để có ý nghĩa thực tiễn. Hiện nay quy định mới nâng lên được 360.000 đồng/1 tháng là rất thấp. Tôi cho rằng, khi Chính phủ quy định cụ thể thì cũng nên chú ý này để phần trợ cấp này cao hơn, có thêm ý nghĩa trong cuộc sống”.

Huệ Phương