Cao đẳng Công thương Việt Nam cần rà soát lại các phần TS "rởm" đã giảng dạy

26/11/2023 07:29
Thi Thi
GDVN- Ông Nguyễn Trường Hải - Nguyên Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam có bằng tiến sĩ "rởm".

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11 đã đăng tải bài viết "Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương VN dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng" phản ánh về trường hợp bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đối với ông Nguyễn Trường Hải vào ngày 18/9.

Theo văn bản trả lời về việc xác minh bằng cấp ngày 13/10 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ ghi trên bằng tiến sĩ của ông Hải) thì văn bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính của ông Hải là không đúng với dữ liệu lưu trữ tại trường này. Trường đại học này cũng khẳng định, ông Hải chưa từng là học viên cao học tại đây.

Tại cuộc làm việc với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Trưởng phòng Truyền thông của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cho biết: "Việc bổ nhiệm ông Hải khi đó mới chỉ là thử việc, chứ chưa phải chính thức bổ nhiệm ông ở vị trí này". Sau khi tiến hành bổ nhiệm ông Hải, nhà trường mới tiến hành quy trình làm việc của mình, trong đó có việc là đi xác minh các văn bằng mà ông Hải đã khai báo với nhà trường.

Được biết, sau hơn 4 tháng làm việc tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, hiện ông Hải đã gửi đơn xin nghỉ việc với lý do bận việc gia đình.

Cũng theo thông tin từ phía nhà trường, trong quá trình làm việc tại trường, với vai trò là trưởng khoa thì ông Hải cũng có đứng lớp giảng dạy cho sinh viên một số tiết.

Tuy nhiên, theo đại diện truyền thông của trường, qua thông tin do các em sinh viên kể lại, thì "ông Hải dạy các em không hiểu bài gì cả".

Trường nên rà soát tiết dạy không đảm bảo chất lượng để giảng dạy lại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội khẳng định, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với vị trí trưởng khoa tại các trường cao đẳng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội. Ảnh: Website Nhà trường.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội. Ảnh: Website Nhà trường.

“Theo điểm 4, điều 22, Thông tư số 15/2021/TT-BLĐTBXH quy định về điều lệ trường Cao đẳng, trưởng khoa, trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất, đạo đức tốt; Có ít nhất 02 năm làm công tác quản lý đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và có năng lực quản lý; Trưởng khoa, trưởng bộ môn có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, nghề đào tạo tại khoa, bộ môn; Có đủ tiêu chuẩn nhà giáo giảng dạy trình độ cao đẳng; Có đủ sức khỏe; Trưởng khoa, trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn của trường cao đẳng công lập bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức.

Về nguyên tắc, trước khi bổ nhiệm một vị trí nào đó thì đơn vị phải xác minh hồ sơ một cách chặt chẽ. Việc xác minh này phải làm đầu tiên chứ không phải tuyển dụng xong rồi mới tiến hành xác minh, nếu như thế là quy trình ngược”, Tiến sĩ Sang nhận định.

Trước băn khoăn của phóng viên: “Trưởng khoa giảng dạy nhưng sinh viên vẫn than không hiểu bài”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang cho rằng: “Nhà trường nên giao cho khoa chuyên môn và bộ phận đào tạo rà soát lại xem các học phần giảng dạy không đảm bảo chất lượng thì lại giảng dạy lại cho các em.

Để lọt hồ sơ không có sự thẩm định chặt chẽ thì do công tác cán bộ tham mưu cho lãnh đạo trong quá trình thẩm định đội ngũ nguồn nhân lực cũng như công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ giảng viên đầu vào. Sau khi các ứng viên nộp hồ sơ vào vị trí tuyển dụng thì phải có trách nhiệm thẩm định lại hồ sơ, đáp ứng đủ các điều kiện thì mới có thể trở thành cán bộ của trường.

Đối với trường cao đẳng công lập hay tư thục cũng đều phải đảm bảo chất lượng giảng dạy, đảm bảo quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo quy định”.

Bên cạnh đó, thầy Sang cho rằng, trước khi một ứng viên có thể chính thức đảm nhận công tác giảng dạy thì sẽ phải trải qua quá trình thẩm định hồ sơ và giảng dạy tập sự. Hội đồng đánh giá chuyên môn của trường, khoa phải xem xét, đánh giá ứng viên đó có đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn và các chứng chỉ theo đúng quy định.

“Trong quá trình tuyển dụng, bộ phận tổ chức cán bộ có thể còn thiếu sót, chưa chặt chẽ, nhiều khi chỉ nhìn vào lý lịch kèm theo bằng cấp mà ứng viên cung cấp, chưa thẩm định lý lịch kỹ càng mà đã tiếp nhận hoặc tiến hành bổ nhiệm luôn.

Việc thẩm định bằng cấp hiện nay tương đối dễ, không có vấn đề gì khó khăn cả và trong thời gian khá nhanh. Chỉ cần gửi văn bản về các đơn vị cấp bằng hoặc tra mã số trên hệ thống là đã có thông tin rồi”, thầy Sang cho biết thêm.

Cũng theo thầy Nguyễn Xuân Sang, ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp nếu có được đội ngũ giảng viên trình độ cao là điều rất tốt. Tuy nhiên giáo dục nghề nghiệp hướng tới kỹ năng nghề, tính thực hành cao, thế nên, mô hình trường này cần đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ tay nghề, có tính thực tiễn cao, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có thể dạy tích hợp cả lý thuyết và thực hành.

Đối với bất cứ cơ sở giáo dục nào, dù là trường cao đẳng nghề hay đại học, dù là trường công lập hay trường tư thục thì việc đảm bảo chất lượng đào tạo phải là ưu tiên hàng đầu.

Quyền lợi học tập của sinh viên phải luôn được đảm bảo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, một cán bộ đang công tác tại Trường Cao đẳng Đà Lạt nhấn mạnh, đối với bất cứ cơ sở đào tạo nào thì quyền lợi học tập của sinh viên phải luôn được đảm bảo.

Khi được hỏi hướng xử lý tốt nhất trong trường hợp nguyên Trưởng khoa Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam bằng cấp không hợp pháp, giảng dạy nhưng sinh viên than không hiểu bài, vị này bày tỏ: "Trường nên chỉ đạo bộ phận chuyên môn và đào tạo cử một giảng viên tiến hành giảng dạy để bổ sung kiến thức cho sinh viên. Tuy nhiên, việc này cũng nên ở một mức độ nào đó thôi vì trong chương trình đào tạo nếu kéo dài thì lại không kịp tiến độ. Đồng thời tùy vào việc xây dựng kế hoạch đào tạo của các trường thì sẽ có những giải pháp khác nhau.

Các trường cao đẳng, đại học đều đang hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Vì chỉ có nâng cao được chất lượng đào tạo thì mới xây dựng được thương hiệu. Một khi trường có thương hiệu thì mới quảng bá được hình ảnh và công tác tuyển sinh sẽ tốt hơn".

Để làm tốt công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, tuyển dụng đúng người, đúng việc, có năng lực, trình độ chuyên môn thì tất cả các cơ sở giáo dục cần chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào.

Đối với việc tuyển dụng giảng viên thì ngoài chuyên môn cần có thêm đạo đức, liêm chính. Người làm công tác tổ chức phải rà soát cán bộ, văn bằng, chứng chỉ và làm tốt công tác kiểm soát nội bộ. Các trường kiểm soát nội bộ bằng cách thực hiện quy trình chuẩn từ công tác tuyển dụng.

"Hàng năm Trường Cao đẳng Đà Lạt đều có cuộc đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên thông qua khảo sát học sinh, sinh viên. Nếu một giảng viên trong cùng một thời điểm, hoặc nhiều năm liên tục bị nhiều sinh viên đánh giá không tốt thì trường sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Công tác tuyển dụng giảng viên luôn được chú trọng, chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên. Hội đồng cũng xét tuyển, thẩm định hồ sơ nghiêm ngặt, hướng đến mục tiêu từ tuyển dụng nhân sự, công tác nội bộ, công tác đảm bảo chất lượng đào tạo, công tác học sinh sinh viên, nghiên cứu khoa học theo đúng quy chuẩn.

Muốn bổ nhiệm một vị trí nào đó thì đầu tiên phải có quy hoạch, kiểm chứng chặt chẽ văn bằng chứng chỉ đảm bảo theo đúng quy định. Trường có thể gửi văn bản, công văn đề nghị cơ sở đào tạo xác nhận bằng cấp đó là chính xác bởi vì đã có hồ sơ gốc, mã văn bằng rồi", vị này khẳng định thêm.

Thi Thi