Dạy thêm, học thêm: Nhìn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh 10

01/12/2023 06:45
NGUYỄN ĐĂNG
GDVN- Học thêm càng nhiều, niềm tin của phụ huynh vào các nhà trường và đội ngũ thầy cô giáo càng giảm- đó là thực tế mà ai cũng nhìn thấy.

Những ngày vừa qua, việc dạy thêm, học thêm lại trở nên "nóng" khi được đại biểu Quốc hội đem ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội. Việc dạy thêm, học thêm có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nếu nhìn từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh 10 của các địa phương, chúng ta sẽ thấy còn nhiều băn khoăn.

Bởi lẽ, khi học sinh lớp 12 và lớp 9 tham gia các kỳ thi trên, gần như học sinh nào cũng đều phải học thêm theo kế hoạch của nhà trường. Ngoài ra, học sinh còn phải học thêm ở trung tâm gia sư, ở nhà thầy cô giáo để hi vọng trúng tuyển vào những trường mà mình đăng ký thi tuyển.

Địa phương cần thành tích, trường cần thành tích và muốn khẳng định uy tín đơn vị mình nên ngay trong các kế hoạch tổ chức kỳ thi, lịch thi cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề. Trong đó, nổi cộm hơn cả là tình trạng dạy tăng tiết để tổ chức kiểm tra học kỳ sớm.

Thời gian còn lại của năm học để ôn tập (dạy thêm) cho học trò nhằm nâng cao chất lượng cho kỳ thi. Thời điểm này, việc dạy thêm, học thêm cho học sinh cuối cấp nở rộ cả trong và ngoài nhà trường.

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Dạy tăng tiết lớp để kết thúc chương trình sớm cho học sinh cuối cấp

Theo khung thời gian năm học những năm vừa qua (không kể thời gian dịch bệnh Covid19), thời điểm kết thúc năm học thường kết thúc vào cuối tháng 5 hằng năm. Trong khi đó, lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông dành cho học sinh lớp 12 thường rơi vào những ngày cuối của tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

Như vậy, nếu chỉ tính thời điểm kết thúc năm học và thời điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì khoảng cách đã hơn 1 tháng. Tuy nhiên, thực tế các sở giáo dục thường kết thúc chương trình học của lớp 12 vào thời điểm tháng 3, tháng 4 để thời gian còn lại dành cho việc ôn tập thi tốt nghiệp.

Khoảng thời gian ôn tập tại trường của học sinh lớp 12 vì thế mà kéo dài khoảng 2-3 tháng liên tục tại trường với tất cả các môn thi. Tất nhiên, khoảng thời gian ôn tập này, học sinh phải đóng tiền cho nhà trường vì chương trình học lớp 12 đã kết thúc.

Mỗi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây có trên dưới 1 triệu thí sinh dự thi. Số tiền ôn tập của thí sinh trên cả nước cộng lại sẽ là một con số lớn khủng khiếp.

Kỳ thi tuyển sinh 10 của nhiều địa phương những năm vừa qua còn khốc liệt hơn nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bởi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ đủ điểm quy định là đậu tốt nghiệp.

Việc xét tuyển đại học những năm qua cũng nhẹ nhàng vì số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông không xét tuyển đại học ngày một nhiều.

Hơn nữa, việc xét tuyển đại học đang được áp dụng bằng nhiều hình thức khác nhau như xét học bạ; xét bằng điểm thi tốt nghiệp; xét bằng điểm đánh giá năng lực; xét bằng chứng chỉ ngoại ngữ…nên thí sinh có nhiều lựa chọn khác nhau.

Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh 10 của tất cả địa phương đều khống chế chỉ tiêu tuyển sinh chỉ dao động trên dưới 70% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Vì thế, tính cạnh tranh của kỳ thi này rất cao, tỉ lệ chọi của một số khu vực thị thành khá khốc liệt.

Vì thế, nhiều cơ sở giáo dục cũng cho các trường kết thúc chương trình lớp 9 từ giữa tháng 4 hàng năm để các đơn vị hoàn thiện hồ sơ tuyển sinh và điều cốt yếu là dành thời gian ôn tập cho học trò nhằm cải thiện điểm số.

Bởi vì, nếu điểm chuẩn tuyển sinh 10 thấp sẽ có ý kiến đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương và các trường trung học phổ thông cũng lên tiếng về chất lượng đầu vào.

Hơn nữa, tính cạnh tranh về thành tích của các trường trung học cơ sở cũng rất cao. Trường nào cũng muốn học sinh trường mình đậu cao, điểm số đẹp nên chủ trương dạy tăng tiết từ học kỳ I nhằm kết thúc chương trình sớm để học sinh tập trung cho các môn thi tuyển sinh 10.

Một khi kết thúc chương trình sớm, cũng đồng nghĩa học sinh lớp 12 và lớp 9 phải học thêm nhiều tháng trời và tất nhiên tiền học thêm mà phụ huynh phải đóng cho con em mình là những con số không hề nhỏ.

Muốn giảm dạy thêm học thêm cần thay đổi từ các kỳ thi

Gánh nặng về tiền trường, tiền học thêm của học sinh phổ thông những năm gần đây là rất lớn, nhất là học sinh thuộc khu vực đô thị- nơi mà tính cạnh tranh cao hơn, phụ huynh có điều kiện đầu tư cho con em mình. Hơn nữa, tỉ lệ chọi tuyển sinh 10 ở khu vực đô thị bao giờ cũng khốc liệt hơn các khu vực còn lại.

Nhiều năm qua, vấn nạn dạy thêm, học thêm được phản ánh khá nhiều nhưng dư luận nói cứ nói, còn nhà trường, giáo viên vẫn cứ dạy. Nhiều khi vì thành tích của địa phương, nhà trường mà các cơ quan chức năng, quản lý nhà trường cũng không có sự giám sát, quản lý, nhắc nhở triệt để. Nhiều địa phương còn chủ trương kết thúc chương trình sớm để các trường học “ôn tập” cho học trò.

Muốn hạn chế dạy thêm, học thêm và giảm gánh nặng cho phụ huynh, thiết nghĩ đầu tiên phải bắt đầu từ những chủ trương của Bộ và các sở giáo dục. Bởi vì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang do Bộ đứng ra tổ chức; thi tuyển sinh 10 do các sở giáo dục tổ chức.

Thay vì để các địa phương kết thúc chương trình sớm, Bộ cần quán triệt đến các địa phương dạy đúng theo khung năm học và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cận với ngày kết thúc năm học để giảm áp lực học thêm cho học trò.

Kỳ thi tuyển sinh 10 cũng vậy, các địa phương nên tổ chức vào những ngày đầu tiên của tháng 6 hằng năm và không nên có chủ trương kết thúc chương trình sớm. Hiện nay, đề kiểm tra cuối kỳ lớp 9 vẫn thường do các sở giáo dục đảm nhận việc ra đề.

Nhưng, thời gian kiểm tra học kỳ II bao giờ cũng được sở ấn định khá sớm so với khung thời gian năm học. Chính vì chủ trương kết thúc chương trình học sớm, kiểm tra sớm nên thời gian hoàn thành chương trình học lớp cuối cấp đến lúc thi tuyển sinh 10 là quá xa.

Vì vậy, bắt buộc học sinh phải học thêm ở trường, ở nhà thầy cô giáo trong quãng thời gian này. Tất nhiên, nhà trường, các trung tâm gia sư hoặc thầy cô giáo cũng “tranh thủ” tăng giá học thêm bằng vì lấy cớ ôn thi nhanh, ôn cấp tốc, ôn trọng tâm cho kỳ thi.

Và, phụ huynh khi nghe thầy cô nói phí bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu chứ không bao giờ dám mặc cả, trả giá vì chuyện tiền bạc bao giờ cũng tế nhị.

Cấm dạy thêm, học thêm trong thời điểm hiện nay có lẽ sẽ khó vì nó liên quan đến nhiều người, nhiều đơn vị nhưng nếu các chính sách vĩ mô, phương thức thực hiện đồng loạt sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm và học thêm ở các địa phương, các nhà trường.

Học sinh cuối cấp bao giờ cũng lo lắng, áp lực đối với kỳ thi mình tham dự nên một khi nhà trường tổ chức ôn tập thì gần như em nào cũng tham gia và nhiều học sinh còn lo lắng đi học thêm với thầy cô giáo với hy vọng cải thiện kết quả kỳ thi và mục tiêu mà mình đặt ra.

Học thêm càng nhiều, niềm tin của phụ huynh vào các nhà trường và đội ngũ thầy cô giáo càng giảm- đó là thực tế mà ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn là bài toán nan giải, khó thực hiện.

Vì thế, lãnh đạo ngành giáo dục có những giải pháp phù hợp, trong đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tuyển sinh 10 là những kỳ thi mà Bộ và sở đang quản lý, tổ chức phải được điều chỉnh đầu tiên để hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm đang xảy ra tràn lan ở khắp nơi.

Suy cho cùng, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, tuyển sinh 10 tuyển bao nhiêu thì các trường đã được giao từ khi chưa thi.

Vì vậy, một khi học sinh phải học thêm nhiều không chỉ tốn kém cho phụ huynh và việc tư vấn, phân luồng của các nhà trường sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng luôn gặp khó khăn vì học sinh bây giờ phần nhiều có học lực khá và giỏi (nếu nhìn vào điểm số).

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG