Đừng bắt trẻ phải đứng số 1, điểm toàn 9, 10

11/01/2024 10:05
Nguyễn Minh Anh
GDVN- Một đứa trẻ được là chính mình, được bố mẹ tôn trọng, được thực hiện ước mơ của mình, mới là đứa trẻ hạnh phúc, mới có nền tảng để thành công khi trưởng thành.

Công tác trong ngành giáo dục hơn 30 năm, chưa từng được bồi dưỡng, đào tạo về công tác tư vấn tâm lý, nhưng người viết đã làm công tác tư vấn tâm lý học đường từ lâu mà không biết.

Trong trường, cứ có học sinh quậy phá … giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn lại nhờ “Cô ơi, cô giúp em tý với, nhỏ này …”. Cứ thế, tuần nào người viết cũng có dịp tâm sự, chia sẻ với những học trò mà không ít giáo viên cho rằng “cá biệt” trong trường.

Dù là giáo viên dạy môn “phụ” nhưng ngày lễ, Tết, hiếm có giáo viên nào trong trường được học sinh “già” ghé nhà chúc tết, tặng quà như người viết.

Bảng điểm một môn học rất nhiều học sinh đạt điểm tuyệt đối. Ảnh minh họa

Bảng điểm một môn học rất nhiều học sinh đạt điểm tuyệt đối. Ảnh minh họa

Còn nhớ năm 2010, người viết mắc bệnh hiểm nghèo, phải mổ, cần rất nhiều máu, tốn rất nhiều tiền, mọi khó khăn đã được giải quyết … trong một nốt nhạc nhờ những học sinh “bất trị”, "cá biệt"… mà người viết đã từng trò chuyện, lắng nghe và trao đổi với các em.

Chính sự biết ơn của những học sinh “cá biệt” sau khi trưởng thành như nguồn động lực, động viên người viết làm cái việc không công, không tiết, mà đến bây giờ mới được gọi đúng bản chất của nó là “Tư vấn học đường”.

Kết thúc đợt kiểm tra giữa kì 1 năm học 2023-2024, Hộp thư xanh của trường có 3 bức thư cùng nội dung: “Em muốn chết” không biết của học sinh nào. Người viết nhận ra đang có vấn đề nghiêm trọng xảy ra với học sinh này.

Kiểm tra camera, người viết nhận ra đây là học sinh Nguyễn Lê Hoàng (tên học sinh đã được thay đổi) lớp 7A. Gặp giáo viên chủ nhiệm của Hoàng, cô cho biết: “Hoàng rất ngoan, ít nói, sống nội tâm, năm ngoái có điểm tổng kết cuối năm đứng nhất khối 6.

Tuy nhiên, từ hơn hai tuần nay, em ít giao lưu với bạn bè, thường thu mình, khép kín, nhiều lúc trong giờ học mà như mộng du”.

Lớp của Hoàng học ở lầu 4, linh tính mách bảo, người viết kiểm tra camera, phát hiện Hoàng có những hành vi bất thường. Em thường đứng gần lan can nhìn xuống sân trường.

Nhận thấy đây là “ca khó” cần sự phối hợp của cả gia đình, người viết đã đến nhà Hoàng. Sau khi cùng ba của Hoàng kiểm tra máy tính, cả người viết và ba của Hoàng toát mồ hôi hột. Vào máy tính, chúng tôi giật mình xu hướng Hoàng tìm kiếm hiện lên các thông tin nhóm hội tiêu cực kích động sự bồng bột của trẻ.

Ba của Hoàng kiểm tra hộc bàn của con, thấy lưỡi lam và đủ thứ linh tinh cho một hành động dại dột. Chúng tôi thống nhất coi như chưa biết gì. Gia đình và người viết tìm cách để giúp Hoàng thay đổi vượt qua “thử thách” này.

Kế hoạch được vạch ra, người viết nhẹ nhàng tiếp cận và nói chuyện với em một cách tình cờ ... Ba mẹ của Hoàng không hỏi nhiều về việc học mà chỉ hỏi con mình đi học có vui không, đưa con đi chơi, gợi ý con rủ bạn đến nhà chơi.

Sau ít tuần, nụ cười đã xuất hiện trên gương mặt Hoàng. Trong một lần nói chuyện với tôi, Hoàng đã chủ động kể mình là tác giả 3 bức thư “Em muốn chết” trong Hộp thư xanh của trường.

Hoàng kể: “Từ ngày vào lớp 1 đến lớp 6 em luôn là học sinh nhất nhì cả khối em học. Với em, ba mẹ chỉ yêu cầu học thật giỏi, phải nhất lớp, nhất khối mới được.

Lên lớp 6, ba em thuê gia sư dạy kèm. Em cũng đi học thêm thầy cô dạy trên lớp nữa. Lên lớp 7 cũng vậy, học nhiều, em chán, thấy học chẳng được tích sự gì.

Em luôn thấy mình thua kém bạn bè, thấy cuộc sống của mình nhạt nhẽo, vô ích, nặng nề quá, trong lúc đó ba mẹ chỉ quan tâm mỗi một điều duy nhất: em học được mấy điểm.

Vì thế, nhiều lúc em thấy ghét cả bản thân mình khỏi lo chi chuyện học hành nữa. Ý nghĩ đó càng thôi thúc mạnh hơn sau khi ba mẹ biết điểm kiểm tra giữa kì của em và có lời nói, hành động gây áp lực hơn.

Thời gian qua, ba mẹ em ít hỏi đến chuyện học được bao nhiêu điểm nữa. Ba mẹ còn đưa em đi biển chơi, cho đi đá banh với các bạn, cho các bạn vào nhà chơi cùng em, đặc biệt là mấy lần cô nói chuyện với em, em thấy mình sướng và hạnh phúc hơn nhiều người mà mình không biết.

Em muốn ba mẹ quan tâm chuyện học tập của em, nhưng đừng bắt em phải giỏi hơn tất cả các bạn khác trong lớp, đừng phải làm bác sĩ như ba mẹ mong muốn. Em có ước mơ của em. Và công việc mà em muốn không phải là bác sĩ giống ba mẹ”.

Con mình vượt qua “thử thách”, ba Hoàng đến lúc này mới nhẹ lòng, chia sẻ: “Tôi suýt mất con vì luôn mong muốn con mình phải là số 1”.

Có thể trải nghiệm của người viết chưa đủ nhiều nhưng trong suốt hơn 30 năm làm giáo viên, người viết nhận thấy, những học sinh từng giỏi nhất lớp lại không phải là người thành công nhất khi trưởng thành.

Mỗi thời đại, mỗi thế hệ cần những yếu tố khác nhau để thành công, nhưng có đặc điểm chung: kiến thức, thành tích học tập ở nhà trường chưa phải là tất cả, chưa phải là yếu tố quyết định.

Một đứa trẻ được là chính mình, được bố mẹ tôn trọng, được thực hiện ước mơ của mình, mới là đứa trẻ hạnh phúc, mới có nền tảng để thành công khi trưởng thành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Minh Anh