Theo thống kê của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, khoảng hơn 50% số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm đều công tác tại Hà Nội. Xếp sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh.
Câu hỏi đặt ra là trường đại học nằm ở các tỉnh/thành còn lại gặp khó khăn gì trong "chiêu mộ" giáo sư, phó giáo sư về làm việc không?
Gần thành phố lớn, trường khó thu hút giáo sư, phó giáo sư
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết, số lượng giáo sư, phó giáo sư tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh là phù hợp với tình hình chung hiện tại của đất nước, đồng thời, đây cũng là vấn đề mang tính khách quan.
Để xác định ảnh hưởng từ việc phân bổ không đồng đều về số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào cơ chế chính sách và quy chuẩn của nhà nước.
Chẳng hạn như tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, các cơ sở giáo dục đại học không có giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ hạn chế trong việc mở ngành đào tạo, đặc biệt là các mã ngành sau đại học.
Theo thầy Đức, sự phân bổ không đồng đều giáo sư, phó giáo sư ảnh hưởng ít nhiều đến trường. “Trường Đại học Đồng Nai trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, có vị trí địa lý gần thành phố Hồ Chí Minh nên thầy/cô là giáo sư, phó giáo sư thường xuyên xuống trường tham gia hỗ trợ giảng dạy.
Tuy nhiên, đây cũng là một điểm bất lợi trong việc thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại trường. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động đào tạo của trường hiện nay như mở mã ngành, duy trì hoạt động đào tạo và nghiên cứu”.
Sinh viên Trường Đại học Đồng Nai tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh: website trường. |
Đồng thời, Tiến sĩ Lê Anh Đức cũng nêu ra những trăn trở của trường trong thời điểm hiện tại, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khi không đủ nguồn nhân lực, trường không được phép mở ngành đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạodẫn đến giảng viên không có việc làm.
Thứ hai, nguồn thu của trường đặc biệt là thu nhập của giảng viên sẽ bị ảnh hưởng nếu không được mở ngành và chỉ tiêu tuyển sinh thấp do thiếu nhân lực.
Thứ ba, trong trường hợp, trường mời giáo sư về giảng dạy nhưng đơn thuần chỉ để giảng dạy hệ đại học chính quy thì giảng viên có chức danh giáo sư sẽ lựa chọn không về do không phát triển được chuyên môn.
Chia sẻ về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thầy Đức cho biết, từ trước đến nay, trường chưa có chính sách thu hút giảng viên có chức danh là giáo sư, phó giáo sư tham gia giảng dạy.
Tuy nhiên, trước đó, trường có đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành chính sách, cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng đến thời điểm hiện tại tỉnh đang chờ quyết định chế độ tiền lương mới nên chưa có chính sách khắc phục vấn đề này.
“Còn về phía Trường Đại học Đồng Nai, một mặt trường đảm bảo ổn định việc làm cho giảng viên khi hiện nay số lượng giảng viên/sinh viên của trường cao, số lượng giảng viên nhiều nhưng việc làm không có.
Do năm vừa rồi, các ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học không tuyển sinh nhưng số lượng giảng viên cho ngành này vẫn giữ nguyên. Điều này đặt ra những trăn trở cho nhà trường về việc làm, đời sống của giảng viên.
Nhìn nhận khách quan, một số cơ sở giáo dục đại học có số lượng giáo sư lớn nhưng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng rất ít. Về phía trường, chúng tôi trân trọng đội ngũ giảng viên hiện có khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.
Các dự án thầy, cô hợp tác với doanh nghiệp dưới sự kết nối của Trường Đại học Đồng Nai có thể không mang lại lợi nhuận cho trường nhưng là cơ hội để thầy, cô nâng cao trình độ năng lực, rèn luyện phẩm chất, đồng thời, hỗ trợ, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp”.
Ngoài ra, Trường Đại học Đồng Nai có những điều chỉnh về mặt cơ chế để phù hợp với chất lượng giảng dạy cũng như số lượng sinh viên hiện có. Đặc biệt, trường cũng xác định chất lượng giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự hài lòng, quan tâm của sinh viên và chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, trường khuyến khích giảng viên trình độ đào tạo thạc sĩ phấn đấu học tập trở thành nghiên cứu sinh; từ nghiên cứu sinh nâng cao trình độ lên tiến sĩ. Trong quá trình tham gia nghiên cứu, nâng cao trình độ, giảng viên phải liêm chính học thuật, xứng đáng dưới sự đánh giá của người học và doanh nghiệp.
Trường địa phương nỗ lực để chiêu mộ giáo sư, phó giáo sư
Cùng bàn luận về nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho hay, bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu của thầy, cô để đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư, còn có sự hỗ trợ của trường nhưng là đơn vị giáo dục đào tạo trực thuộc tỉnh nên còn gặp nhiều khó khăn.
“Đối với trường, để thu hút được giảng viên trình độ đào tạo tiến sĩ còn gặp nhiều khó khăn chứ nói gì đến giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Cho nên, nếu giảng viên cơ hữu tại trường có đủ điều kiện nâng trình độ đào tạo lên tiến sĩ hoặc chức danh phó giáo sư, giáo sư, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ.
Tuy nhiên, trường cũng xác định các ngành học chủ đạo để có lộ trình thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc. Bởi, trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An có kế hoạch mở đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ nên rất mong có thể chiêu mộ giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy. Hiện, trường có 1 phó giáo sư, tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh, với số lượng giảng viên như vậy chưa đáp ứng theo đúng nguyện vọng của trường".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: NVCC. |
Theo thầy Tường, vì là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nên trường phụ thuộc vào ngân sách của địa phương trong việc ban hành chính sách thu hút nguồn giảng viên chất lượng cao.
Còn về phía trường, thầy, cô là giảng viên cơ hữu mong muốn xét chức danh phó giáo sư, giáo sư và tham gia nghiên cứu trở thành tiến sĩ, nhà trường sẽ trích nguồn kinh phí nhằm động viên, khích lệ thầy, cô. Đồng thời, trường sẽ sắp xếp thời gian dạy giúp thầy, cô chuyên tâm vào hoạt động nghiên cứu, chuẩn bị xét hồ sơ phó giáo sư, giáo sư.
Đề cập đến việc thiếu giáo sư, phó giáo sư sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đào tạo của trường, thầy Tường cho hay, hiện trường đang đào tạo 11 ngành hệ đại học chính quy và đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh trong khi đó, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ đào tạo thiên về trình độ tiến sĩ và thạc sĩ.
Vì vậy, trường không gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, để nâng cao trình độ, chất lượng đào tạo khi số lượng phó giáo sư hạn chế là điều khiến nhà trường trăn trở. Ngoài ra, điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường hiện nay.
Bày tỏ quan điểm về số lượng giáo sư, phó giáo sư tập trung nhiều ở 2 thành phố lớn là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường nhận định: “Nguyên nhân dẫn tới sự mất cân bằng này do thứ nhất, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học ở nước ta không đồng đều. Thứ hai, số lượng đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện đang còn “mỏng”, đặc biệt là các trường đại học ở địa phương, có trường “trắng” giáo sư, phó giáo sư.
Chia sẻ về nguyên nhân hiện nay trường chưa thu hút được giảng viên là giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy, thầy Tường nói: “Một là, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An có quy mô nhỏ, nguồn lực chưa nhiều. Ngoài lương được trả theo quy định của Nhà nước, trường hỗ trợ giảng viên phần thu nhập tăng thêm đồng thời, giao đề tài nghiên cứu khoa học để cải thiện mức lương mà thầy, cô nhận được. Do vậy, rất khó để có nguồn lực đầu tư lớn thu hút giáo sư, phó giáo sư về trường giảng dạy nếu không có sự tham gia, hỗ trợ của địa phương.
Hai là, để mời giáo sư, phó giáo sư ở các thành phố lớn về dạy, trường không chỉ phải trả lương theo quy định mà vấn đề điều kiện sinh hoạt cho thầy, cô cũng là một điều đáng lo ngại. Bởi, nếu không có sự chuẩn bị về điều kiện vật chất tốt, thầy, cô sẽ không lựa chọn về, chưa kể, đây là vấn đề ngoài khả năng của nhà trường hiện nay.
Ba là, cơ sở vật chất, hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế sẽ là rào cản đối với phó giáo sư, giáo sư trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển năng lực.”
Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường đề xuất: “Để triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực này hiệu quả, cần “cởi trói” cho các trường trong văn bản quy phạm khác nhau. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chưa tự chủ toàn diện như hiện nay, cần có sự hỗ trợ của tỉnh về chính sách cho các trường đại học đào tạo gắn với sự phát triển của địa phương.
Đơn cử như, cho phép cơ sở giáo dục địa phương tuyển dụng giáo sư, phó giáo sư và trả lương theo thỏa thuận; đầu tư cho cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường làm việc, học tập tốt để thu hút giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy và nghiên cứu”.