Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 01 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Hạ Long là đơn vị duy nhất không có đơn vị cấp xã.
Đến đầu năm 2020, huyện Hoành Bồ sáp nhập về thành phố Hạ Long thành 1 đơn vị hành chính. Do vậy thành phố Hạ Long có 33 đơn vị hành chính gồm 21 phường, 12 xã và có thêm nhiệm vụ triển khai xây dựng nông thôn mới trong khi không ít chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kết quả sau 10 năm huyện Hoành Bồ trước đây đã thực hiện được.
Thời điểm thành phố Hạ Long đi vào thực hiện cũng là thời điểm sắp kết thúc giai đoạn 1 của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đều phải đạt khá cao so với bộ tiêu chí mới là một thách thức đối với thành phố.
Thành phố Hạ Long đứng trước nhiều nan đề khi vừa phải sắp xếp, ổn định tổ chức, vừa phải thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí mới, vừa phải thực hiện theo lộ trình tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh nông thôn mới vào trước năm 2025.
Bên cạnh đó, trước khi sáp nhập, huyện Hoành Bồ trước sáp nhập là huyện miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.
Huyện có 12 xã và 1 thị trấn, trong đó có 6 xã miền núi, 5 xã vùng cao; nhiều xã vừa thoát khỏi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cao, năm 2010 còn 13,1%. Thu nhập bình quân đầu người thấp và mới chỉ đạt 11,2 triệu đồng/người/năm.
Diện tích tự nhiên rộng nhưng chủ yếu là đồi núi. Mật độ dân số thưa, sống không tập trung. Địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi núi; giao thông đi lại khó khăn.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có xã lên tới gần 100%. Trình độ dân trí không đồng đều. Tiêu chí nông thôn mới trước khi bắt đầu thực hiện chương trình rất thấp, chỉ đạt trung bình 3,5 tiêu chí/xã.
Nông thôn mới Hạ Long ngày nay (Ảnh: Dân Nguyễn) |
Lấy đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế trục đỡ cho kinh tế phát triển
Tìm lời giải cho bài toán xây dựng nông thôn mới, ngay sau khi sáp nhập, thành phố đã xây dựng và phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đến hết năm có 75% xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, trong đó có 25% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Để biến những thách thức thành cơ hội, thành phố Hạ Long xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng rõ mục tiêu với những nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là tiêu chí về môi trường, hình thức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo theo tiêu chí vùng đồng bằng sông Hồng theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Ban thường vụ Thành ủy thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố, kiện toàn ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ các thành viên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò người đứng đầu và khơi dậy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được lấy làm mạch nguồn hội tụ, tạo sức lan tỏa.
Hội Nông dân thành phố Hạ Long hỗ trợ cây giống và giúp nhiều hộ gia đình thực hiện mô hình vườn mẫu (Ảnh: CTV) |
Nhất quán quan điểm “lấy đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế trục đỡ cho kinh tế phát triển”, thành phố Hạ Long tập trung mọi nguồn lực cho việc quy hoạch vùng sản xuất, hướng người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi và phát triển các sản phẩm thành sản phẩm hàng hóa, làm khâu đột phá trong phát triển sản xuất nên đã tạo được thay đổi nhận thức của đa số người dân.
Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước thì nay đã chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc nâng cao thu nhập cho chính gia đình mình.
Sự giàu có mỗi ngày của người dân ở những xã được cho là khó khăn nhất của thành phố Hạ Long đã tạo nên sự khác biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thôn bản đổi mới, con người đổi mới và tư duy đổi mới.
Thôn bản đổi mới, con người đổi mới và tư duy đổi mới
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, các xã thuộc thành phố Hạ Long đã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đang điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã để phù hợp với quy hoạch chung thành phố Hạ Long đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 10/2/2023.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các xã đã kiên cố hoá hệ thống giao thông đạt 100%, hệ thống kênh mương đạt 90,3%; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; 100% trường học các cấp đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1.
Bên cạnh đó, 12/12 xã đã có nhà văn hoá xã, thôn, có điểm vui chơi, giải trí và thể thao; có chợ nông thôn hoặc cửa hàng tiện ích đảm bảo theo quy định; có điểm phục vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông, internet, đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn. Đặc biệt, không có nhà tạm dột nát, 97,5% hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố.
Phát triển sản xuất được quan tâm, có bước phát triển rõ nét như sản xuất hoa tại xã Lê Lợi, cây ăn quả tại xã Sơn Dương, chăn nuôi gà trên địa bàn các xã.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 65 sản phẩm tham gia chu trình OCOP phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 28 sản phẩm đạt sao từ 3 sao đến 5 sao.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 64,1 triệu đồng/người/năm; hết năm 2021 trên địa bàn thành phố không còn hộ nghèo.
12/12 xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 2 trở lên; 95,2% có số học sinh tốt nghiệp THCS đã và đang được tiếp tục học bậc cao hơn; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,5%; 97,22% thôn đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2021 (Ảnh: CTV) |
Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 89,2%, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; diện tích cây xanh nơi công cộng tại các điểm dân cư nông thôn trung bình đạt 5,0m2/người.
Trên 90% rác thải sinh hoạt trên địa bàn các xã đã ký hợp đồng, được thu gom, xử lý, chất thải y tế, vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đang được thu gom xử lý đúng quy định; trên 98% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch;...
Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội, hiện 100% cán bộ công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định.
12/12 Đảng bộ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội xã xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 12/12 xã đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; quốc phòng an ninh trên địa bàn các xã luôn được giữ vững.
Ngày 27/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 766/QĐ-TTg công nhận thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2021.