Môn Ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc có đáng lo?

19/12/2023 09:32
KIM OANH
GDVN- Việc môn Ngoại ngữ không được chọn là môn thi bắt buộc không đáng lo lắng bởi môn học này đang là những môn học có số tiết/tuần nhiều nhất.

Ngày 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Việc môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã có nhiều ý kiến lo ngại và cho rằng trong thời kỳ hội nhập với thế giới thì môn ngoại ngữ rất quan trọng. Song, đặt trong tổng thể các môn học phổ thông có môn học nào là không quan trọng đâu.

Môn học nào cũng cần thiết, cũng giúp ích cho học sinh phổ thông hình thành tri thức cơ bản và tạo cho các em những phẩm chất, năng lực khác nhau. Vì vậy, việc môn Ngoại ngữ không được chọn là môn thi bắt buộc không phải là điều đáng lo lắng bởi môn học này đang là một trong số ít những môn học có số tiết/tuần nhiều nhất.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Môn Ngoại ngữ được phân bổ số tiết như thế nào ở chương trình 2018

Số tiết môn Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) ở chương trình 2006 và chương trình 2018 đều là 1 trong 3 môn học có số tiết nhiều nhất ở các khối lớp từ cấp tiểu học cho đến cấp trung học phổ thông.

Cụ thể, đối với chương trình 2018, môn tiếng Anh là môn học tự chọn ở lớp 1 và lớp 2 với số 70 tiết/ năm. Kể từ lớp 3 đến lớp 12, môn tiếng Anh là môn học bắt buộc với thời lượng từ 3-4 tiết/tuần.

Học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 của cấp tiểu học được học mỗi năm 140 tiết tiếng Anh (mỗi tuần 4 tiết)- chỉ ít hơn số tiết môn Toán và Tiếng Việt mà thôi.

Lên cấp trung học cơ sở, môn tiếng Anh được bố trí mỗi năm 105 tiết (mỗi tuần có 3 tiết). Số tiết của môn tiếng Anh chỉ thấp hơn môn Toán, Ngữ văn và Khoa học tự nhiên (mỗi tuần 4 tiết). Thực tế, chỉ thấp hơn môn Toán và Ngữ văn vì môn Khoa học tự nhiên có tới 3 phân môn (Vật lí; Hóa học; Sinh học).

Cấp trung học phổ thông, mỗi năm học sinh học 105 tiết tiếng Anh (mỗi tuần có 3 tiết), bằng với số tiết môn Toán và môn Ngữ văn. Điều này cho thấy môn Ngoại ngữ luôn được xem trọng vì số tiết hằng năm luôn bằng hoặc gần bằng môn Ngữ văn và Toán.

Mặc dù việc đánh giá, xếp loại học sinh đối với chương trình 2018 theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đặt vị thế các môn học ngang nhau, không còn ràng buộc điều kiện các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ trong việc xếp loại học lực hàng năm của học sinh nhưng điều mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy, môn Ngoại ngữ 1 vẫn đang được chú trọng.

Số tiết học/ tuần đối với môn Ngoại ngữ không hề bị xem nhẹ như một số người đang băn khoăn. Một khi môn Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc với 3-4 tiết/ thì bắt buộc học sinh phải học hành nghiêm túc.

Môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc có ảnh hưởng đến chất lượng môn học?

Theo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 mà Bộ mới công bố, môn Ngoại ngữ sẽ là môn thi tự chọn. Điều này cũng đồng nghĩa ngoài môn Văn và Toán thì học sinh vẫn có thể lựa chọn thêm môn Ngoại ngữ nếu bản thân yêu thích môn thi này.

Vì thế, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 không hề cấm cản học sinh học và thi môn Ngoại ngữ.

Các em học sinh vẫn được học bình thường vì đây là môn học bắt buộc, chỉ có đến khi thi mới là môn thi tự chọn. Vì thế, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông không hề ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông.

Hơn nữa, môn tiếng Anh đang 1 trong 3 môn thi tuyển sinh 10 hiện nay và có thể trong những năm tới đây môn học này vẫn được chọn làm môn thi bắt buộc đối với tất cả các địa phương trên cả nước trong kỳ thi tuyển sinh 10.

Vì thế, mọi người đừng quá lo lắng môn tiếng Anh không thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì học sinh không học vì không học làm sao các em đủ điều kiện lên lớp, tốt nghiệp trung học cơ sở để thi tuyển sinh 10.

Nếu căn cứ vào định hướng giáo dục thì học sinh phổ thông có 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) sẽ thấy chương trình 2018 đã định hướng rõ nét từng giai đoạn cụ thể cho học sinh phổ thông.

Thời hội nhập, mạng internet phát triển, học sinh có nhiều kênh để học, để trau dồi kiến thức ngoại ngữ cho riêng mình nhằm phục vụ cho mục đích học tập và phục vụ cho công việc của mình.

Hơn nữa, thực tế cho thấy việc đầu tư của phụ huynh cho các môn học của con em mình, nhất là ở khu vực thành phố và những nơi có điều kiện thì môn tiếng Anh luôn được các gia đình chú trọng đầu tư nhiều nhất, tốn kém nhất.

Nhiều phụ huynh cho con học thêm tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ từ khi mới bước vào tiểu học, thậm chí còn sớm hơn. Vì thế, học sinh ở những vùng có điều kiện hiện nay có vốn từ vựng và kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Anh khá tốt.

Sau khi học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, các em có những lựa chọn cho riêng mình về nghề nghiệp tương lai. Việc lựa chọn 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng 2 môn tự chọn trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ sẽ giúp cho học sinh bớt áp lực thi cử.

Hơn nữa, phương án thi này vẫn giúp cho học sinh lựa chọn được khối xét tuyển đại học cho riêng mình (nếu các em tiếp tục con đường học tập) mà giảm đi nhiều áp lực không cần thiết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH