Ngày 23 tháng 11 năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 6534/BGDĐT-GDTrH về việc tổ chức Hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên tổ chức dạy học các môn tích hợp.
Mục đích buổi tập huấn nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện giảng dạy các môn học tích hợp như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học cơ sở.
Buổi tập huấn có hàng chục ngàn giáo viên trung học cơ sở tham gia tại các điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, địa phương, điểm cầu chính đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Công văn số 6534/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Tuy nhiên, điều nhiều giáo viên thấy bức xúc là buổi hội thảo, tập huấn được tổ chức vào ngày chủ Nhật, ngày nghỉ của giáo viên
Tập huấn vào chủ Nhật khó mang lại hiệu quả cao
Công văn số 6534/BGDĐT-GDTrH về việc tổ chức Hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên tổ chức dạy học các môn tích hợp đã được triển khai vào ngày chủ Nhật 10/12/2023.
Buổi tập huấn có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và gần như toàn bộ giáo viên cả nước tham dự vì có liên quan môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Giáo viên trung học cơ sở giảng dạy từ ngày thứ 2 đến thứ 7 khá vất vả với các công việc, chỉ mong đến ngày cuối tuần để được nghỉ ngơi, đi khám bệnh, soạn bài, du lịch,…
Nhưng với lịch tập huấn ngày chủ Nhật, mọi thứ chuẩn bị trong ngày nghỉ của giáo viên phải đảo lộn, giáo viên cảm thấy quá tải.
Nên, theo nhìn nhận của người viết, buổi tập huấn dù được chuẩn bị cẩn thận từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên không được giáo viên tập trung, giáo viên chỉ nghe mà chưa phát biểu được vì thời gian tập huấn ngắn, đông giáo viên, không khí buổi tập huấn tại các điểm cầu ở địa phương, trường học, khá loãng, đường truyền cũng chưa tốt, nhiều lần bị ngắt quãng,…
Giáo viên ấm ức, quá tải thì đương nhiên rất khó tiếp thu, vận dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc tập huấn ngày chủ Nhật cũng không đúng quy định của Luật Lao động, các quy định về lao động, nghỉ ngơi.
Nếu điều động giáo viên tập huấn (làm việc) vào ngày chủ Nhật phải trả tiền thêm giờ theo quy định
Tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau: Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ Nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Đối với giáo viên thì được xác định ngày chủ Nhật là ngày nghỉ hợp pháp theo quy định của Luật Lao động.
Tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 có quy định: Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Mong dừng các buổi tập huấn, bồi dưỡng vào các ngày chủ nhật
Như vậy, đối với người lao động làm thêm giờ vào ngày chủ Nhật là ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương ít nhất bằng 200% đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, nhiều địa phương trong cả nước đều không chi trả tiền thêm giờ cho giáo viên tập huấn ngày chủ Nhật vì nhiều lý do khác nhau, khiến nhiều giáo viên không thoải mái.
Giáo viên làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, phải tập huấn cả ngày chủ Nhật, đến ngày thứ 2 tuần tiếp theo lại tiếp tục làm việc là chưa phù hợp về khoa học, nghỉ ngơi cũng chưa đúng quy định về hiện hành.
Thời điểm tập huấn cũng triển khai ở tuần 14-15 của năm học, các địa phương cũng đã ổn định kế hoạch, khó thay đổi, cũng chưa phải cấp thiết.
Trước đó, cũng có một số giáo viên phản ánh về việc triệp tập tập huấn 3 ngày liên tiếp ngày thứ Sáu, thứ Bảy và cả chủ Nhật theo Công văn 6136/BGDĐTGDTrH tập huấn giáo dục quyền con người trong ngày 10 - 12/11/2023 đối với cấp trung học cơ sở (ngày 12/11 là ngày chủ nhật) cũng khiến giáo viên áp lực, mất đi một ngày nghỉ chính đáng.
Công văn 6136/BGDĐTGDTrH - Ảnh chụp màn hình |
Để nâng cao chất lượng buổi tập huấn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên lựa chọn thời điểm, thời gian hợp lý hơn để giáo viên được nghỉ ngơi vào ngày nghỉ, để tái tạo sức lao động, giải tỏa căng thẳng và làm những kế hoạch theo dự định, việc tập huấn ngày chủ Nhật là không nên.
Tài liệu tham khảo:
[1] Công văn 6534_BGDDT_GDTrH.pdf
[2] Công văn 6136_BGDDT_GDTrH.pdf
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.