Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện quy chế công khai nhằm mục đích để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.
Trong đó, thông tin công khai tại các cơ sở giáo dục và đào tạo và trên các trang thông tin điện tử phải bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời và dễ dàng tiếp cận.
Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay vẫn chưa thật sự nghiêm túc, kịp thời và đầy đủ. Không ít cơ sở thực hiện báo cáo không đầy đủ, hoặc dữ liệu báo cáo không đúng, thậm chí không thực hiện đăng tải báo cáo 3 công khai trên hệ thống website của đơn vị,...
Thực tế này đặt ra câu hỏi về công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm về việc thực hiện 3 công khai của cơ sở giáo dục.
Nhiều quy định chồng chéo khiến "ràng buộc" về thực hiện 3 công khai chưa thực sự mạnh
Tiến sĩ Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục, cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi |
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương (chuyên gia giáo dục đại học, cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc hiện nay có quá nhiều quy định đang chồng chéo nhau, do đó “ràng buộc về việc thực hiện 3 công khai chưa thực sự mạnh”.
“Quy chế về thực hiện công khai trong hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục đại học chỉ yêu cầu các trường công khai các thông tin, không phải là điều kiện để ràng buộc trường đại học trong thực hiện các hoạt động khác. Vì vậy, “uy lực” của yêu cầu cơ sở giáo dục thực hiện 3 công khai đến nay chưa thực sự đủ mạnh”, Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.
3 công khai gồm cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và thu chi tài chính.
Tại điểm d, khoản 2, Điều 32 Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 đã quy định một trong những điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là “Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, mặc dù có quy định trong Luật giáo dục đại học nhưng giới hạn chưa rộng nên cũng chưa đủ sức ép buộc các trường công bố toàn bộ thông tin theo yêu cầu một cách đều đặn.
Để việc thực hiện báo cáo 3 công khai của trường đại học đi vào thực chất, kịp thời, minh bạch, chính xác, khách quan và đầy đủ, quy định về minh bạch thông tin cần phải được cố định trong Luật giáo dục hoặc Luật giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, các bên liên quan, bao gồm người học, cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan quản lý nhà nước cần thực sự quan tâm đến các báo cáo 3 công khai thông qua thực hiện các quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT. Sự quan tâm này sẽ là “đòn bẩy” tạo áp lực để các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc hơn quy định về công khai thông tin.
“Các thông tin tại báo cáo 3 công khai hiện vẫn chưa được coi là thông tin có tính pháp lý chính thức để đánh giá hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, cần có cơ chế để một mặt, giúp các cơ sở giáo dục đại học ý thức, tự giác hơn trong việc cung cấp thông tin 3 công khai đầy đủ, chính xác và kịp thời; mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần sử dụng thông tin 3 công khai như một căn cứ có tính pháp lý để thanh tra, kiểm tra và đánh giá hoạt động của cơ sở giáo dục”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nêu ý kiến đề xuất.
Nên xem xét công khai danh sách trường vi phạm trong thực hiện báo cáo 3 công khai
Trăn trở về việc xây dựng một nền giáo dục có uy tín, dân chủ, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, 3 công khai là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp người học và xã hội hiểu hơn các hoạt động của trường đại học, từ đó góp thêm tiếng nói xây dựng, phản biện cho nền giáo dục ngày càng đi vào thực chất, nêu cao chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Xuân Trung |
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, để việc thực hiện công khai đi vào khuôn khổ, trở thành văn hóa trong trường đại học, bước đầu tiên phải có quy trình thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo đánh giá nghiêm túc, công tâm của cơ quan quản lý nhà nước.
“Cần phải luôn có sự tổ chức, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện 3 công khai. Trong đó, công tác thanh tra phải đặc biệt nêu cao tính liêm chính, công tâm và nghiêm túc trong thực hiện”, ông nhấn mạnh.
Đối với thực tiễn thực hiện 3 công khai còn chưa đồng bộ, thiếu nghiêm túc như hiện nay, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng nguyên nhân do công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm của cơ quan quản lý còn chưa quyết liệt.
Nhằm tăng cường tính phản biện, giám sát hiệu quả của xã hội với hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, Giáo sư Phạm Tất Dong đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét việc công khai danh sách các trường vi phạm trong thực hiện 3 công khai.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Cao Kim Anh |
Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình cao với yêu cầu cơ sở giáo dục đại học thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Song, để tăng cường tính nghiêm túc trong quy chế công khai của các cơ sở giáo dục, ông Lê Như Tiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế tài giám sát và xử lý nghiêm các quy định về 3 công khai.
"Trong đó, nếu phát hiện có vi phạm trong thực hiện về 3 công khai thì phải xử lý nghiêm đơn vị vi phạm. Nếu đã có quy định và chế tài xử phạt, tuy nhiên việc thực hiện 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ thì rõ ràng khâu thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý cần làm quyết liệt hơn nữa", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất giải pháp.
Nội dung công khai
Quy định chung đối với các cơ sở giáo dục: Công khai thông tin chung và tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục (tên cơ sở giáo dục, địa chỉ, loại hình của cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý trực tiếp, mục tiêu sứ mạng, tóm tắt quá trình hình thành và phát triển,...). Công khai thu, chi tài chính
Ngoài ra, đối với cơ sở giáo dục đại học, yêu cầu thực hiện công khai thông tin hoạt động đào tạo và các hoạt động liên quan đến đào tạo hằng năm; công khai thông tin kết quả đào tạo hằng năm.
Cách thức công khai
Cơ sở giáo dục thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.
Thời điểm công khai
Cơ sở giáo dục công bố công khai nội dung theo quy định tại Thông tư này trước ngày 30 tháng 6 hằng năm. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai.