Tiến sĩ Padmanabhan Anandan, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về Thị giác Máy tính và Trí tuệ nhân tạo (AI), diễn giả tại Tọa đàm về AI trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023, khẳng định sự phát triển của AI là nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy cho toàn bộ các lĩnh vực khác. Dù vậy, AI sẽ không thay thế con người và nếu đi đúng hướng, một viễn cảnh cộng hưởng thành công của mọi lĩnh vực sẽ đến với nhân loại.
Tiến sĩ Padmanabhan Anandan kỳ vọng, tại Tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” do Quỹ VinFuture tổ chức ngày 19/12/2023, các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới sẽ cùng “vén màn” tương lai của AI, đồng thời đưa ra những khuyến nghị hữu ích cho việc phát triển bền vững công nghệ này trên toàn cầu.
Tiến sĩ Padmanabhan Anandan, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Nhà sáng lập AI Matters for Development (Ảnh: Forbes India) |
3 cơ hội đột phá và 2 thách thức quan trọng
- Ông nhìn nhận thế nào về những cơ hội đột phá mà AI mang lại cho các ngành công nghiệp?
AI đã và đang ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, và tác động này chưa có dấu hiệu dừng lại. Tựu chung, tôi đánh giá có 3 lĩnh vực được thúc đẩy bởi AI.
Thứ nhất là nghiên cứu khoa học ở mọi lĩnh vực, bao gồm các nghiên cứu cần thiết để phát triển những đổi mới và giải pháp mới. Thứ hai chính là lĩnh vực sản xuất. AI sẽ giúp cải thiện hiệu suất trong sản xuất, quản lý tồn kho và chuỗi cung ứng, bao gồm việc đặt hàng chính xác và tăng hiệu quả trong khâu vận chuyển từ nhà máy đến người tiêu dùng. Và cuối cùng là việc tăng cường tương tác trực tiếp với khách hàng, dù đó là dịch vụ hay sản phẩm.
Tuy nhiên, AI không tạo ra tác động như nhau cho tất cả các lĩnh vực. Một số ngành có tiềm năng áp dụng tốt hơn, ví dụ như dược phẩm, nghiên cứu thuốc hoặc trong lĩnh vực sinh học cơ bản khi AI được sử dụng để dự đoán các cấu trúc cuộn gập protein và các công việc phức tạp khác.
Mặt khác, các ngành sáng tạo chỉ mới bắt đầu “cảm nhận” tác động của AI thời gian gần đây. Nhiều người sáng tạo nội dung đang tận dụng AI để cải thiện chất lượng và sức hấp dẫn, tính phù hợp của sản phẩm với người xem, cả ở phương diện viết lách lẫn truyền thông thị giác.
- Một số tổ chức có thể gặp khó khăn hoặc thách thức khi triển khai ứng dụng AI. Theo ông, những khó khăn đó là gì? Và làm thế nào để vượt qua chúng?
Thách thức quan trọng và thường gặp trong thực tế là mức độ sẵn có của dữ liệu để “huấn luyện” AI trong việc thích nghi, phát triển cũng như mở rộng. Các tổ chức không phải lúc nào cũng luôn có sẵn bộ dữ liệu đủ sâu và đa dạng để huấn luyện mô hình AI.
Tương tự là thách thức về khả năng tính toán. Ngày nay, quy mô tính toán cần thiết cho AI đã trở nên lớn đến nỗi chỉ có một số ít công ty trên thế giới mới có thể gồng gánh được.
Hai thách thức này vẫn luôn là một vấn đề nan giải. Và tôi nghĩ rằng không có bất kỳ giải pháp dễ dàng nào. Dù vậy, sự hợp tác giữa các tổ chức hoàn toàn có thể là một chìa khóa.
Tôi nghĩ rằng, dù việc phát triển và sử dụng các ứng dụng của AI đã trở nên đơn giản hơn, nhưng để thực sự tận dụng tốt vẫn đòi hỏi bộ máy nhân sự vận hành có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm dày dạn trong từng lĩnh vực.
Khả năng phát triển AI của Việt Nam tốt hơn nhiều nước
- Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, có nhiều ý kiến lo ngại rằng trong tương lai, AI sẽ “cướp” hết công việc của con người. Quan điểm của ông ra sao?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải xem xét một vài khía cạnh. Một mặt, như chúng ta đã thấy trong quá khứ, nhiều công nghệ mới ra đời đã giúp tăng cường mức độ tự động hóa thay vì loại bỏ hoàn toàn một công việc nào đó. Chúng thậm chí đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Và dĩ nhiên, các công việc mới này cần kỹ năng cao hơn.
Tương tự, ứng dụng AI có thể thúc đẩy tự động hóa nền kinh tế, số lượng công việc tay chân sẽ giảm xuống. Tuy nhiên đi cùng với đó, chúng ta sẽ thấy sự ra đời của những công việc, vị trí mới với những kỹ năng mới cần thiết đi kèm.
Do đó, tôi không nghĩ rằng AI sẽ thay thế các công việc của con người một cách rộng rãi trong tương lai gần. Nhưng, đã đến lúc xã hội cần phải xem xét các tác động của AI lên nền kinh tế và đi kèm với đó là các quan ngại về đạo đức khi chúng ta tích hợp rộng rãi AI. Cụ thể, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo các thông tin AI cung cấp sẽ chính xác, trung thực và tôn trọng các quyền riêng tư. Nếu không, các ứng dụng AI sẽ cho ra những kết quả lệch lạc và sai lầm.
- Theo Tiến sĩ, đâu là chiến lược để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các ứng dụng AI với giá cả phải chăng?
Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất nằm ở mạng lưới công nghệ - cơ sở hạ tầng vì các ứng dụng AI phụ thuộc toàn bộ vào việc thu thập, phân tích dữ liệu và rồi từ đó giải quyết các bài toán được đặt ra. Ở thành phố, các hệ thống như vậy thường rất mạnh mẽ. Nhưng khi đi vào các khu vực nông thôn, nhiều dữ liệu vẫn còn đang được ghi chép trên giấy và không được số hóa.
Khoảng cách hạ tầng số có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho các nước đang phát triển. Nhưng tôi tin các giải pháp sẽ đến sớm vì khi có một thị trường rộng mở cho những ứng dụng này, ắt sẽ có cơ hội được tạo ra.
Trong bài toán xây dựng nguồn lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ hơn một số nước khác. Ở lĩnh vực này, tôi nghĩ rằng Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp AI tốt hơn nhiều so với nhiều quốc gia đang phát triển khác.
- Trân trọng cảm ơn ông!