Trường ĐH không thực hiện nghiêm quy chế công khai: Trách nhiệm Bộ GD&ĐT ở đâu?

20/12/2023 06:37
Ngọc Mai
GDVN- Theo chuyên gia, trường đại học nào không thực hiện công khai theo quy định hiện hành thì phải áp dụng hình thức xử phạt theo quy định.

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đề cập đến nguyên tắc thực hiện là các cơ sở giáo dục và đào tạo phải đảm bảo đầy đủ các nội dung, hình thức và thời điểm công khai. Đồng thời, các thông tin được công khai trên các trang thông tin điện tử phải chính xác, đầy đủ, kịp thời và dễ dàng tiếp cận.

Đối với người học, báo cáo 3 công khai của cơ sở giáo dục và đào tạo là một kênh thông tin quan trọng giúp thí sinh, phụ huynh tìm hiểu và có thêm cơ sở quyết định việc chọn trường. Thực hiện đúng quy định trong Thông tư 36 là cơ sở để tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trước xã hội của cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên trong quá trình tiếp cận báo cáo 3 công khai của nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thấy một thực tế, dù có quy định nhưng trên trang thông tin điện tử của một số cơ sở giáo dục đại học không tìm thấy báo cáo ba công khai.

Đơn cử như dữ liệu 3 công khai của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh không hiển thị đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh qua bài viết: "Nhiều năm không hiển thị 3 công khai trên website, ĐH Nông Lâm TP.HCM nói gì?" hoặc công khai không đầy đủ như Trường Đại học Y Hà Nội với lý do từ phía nhà trường đưa ra là do yếu tố "đặc thù".

Hay Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh công khai về số lượng giảng viên trong báo cáo ba công khai không đúng, khi có phản ánh, trường mới phát hiện và điều chỉnh.

Hoặc như Trường Đại học Nguyễn Trãi số liệu trong báo cáo ba công khai đăng trên website khác với bản cứng gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thì nhầm lẫn về thống kê sinh viên tốt nghiệp.

Trước thực tế trên, nhiều độc giả gửi ý kiến về Tạp chí băn khoăn về việc các trường thực hiện quy định của Thông tư 36 không nghiêm thì vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt vai trò của mình.

Trên trang thông tin điện tử của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có đường dẫn truy xem cập báo cáo ba công khai. Ảnh chụp màn hình ngày 18/12.

Trên trang thông tin điện tử của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có đường dẫn truy xem cập báo cáo ba công khai. Ảnh chụp màn hình ngày 18/12.

Nhưng đường link trên không truy cập được. Ảnh chụp màn hình ngày 18/12

Nhưng đường link trên không truy cập được. Ảnh chụp màn hình ngày 18/12

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần cho rằng: “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã có, trong đó có nội dung xử phạt liên quan đến thực hiện công khai. Trường nào không thực hiện công khai theo quy định hiện hành thì phải áp dụng hình thức xử phạt theo quy định”.

Phó Giáo sư Cần phân tích, việc thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư 36 là trách nhiệm của mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo. Quy chế công khai (Thông tư 36) cùng với chế tài xử phạt (Nghị định 04 và Nghị định 127) đã có, nhưng cơ sở giáo dục không thực hiện là chưa làm tròn trách nhiệm.

Để khắc phục tình trạng xảy ra ở một số cơ sở giáo dục như không thực hiện việc đăng tải báo cáo ba công khai hàng năm trên cổng thông tin điện tử của trường, hay báo cáo ba công khai không truy cập được, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về việc báo cáo ba công khai của một số trường đại học không truy cập được, hoặc không tìm thấy trên trang thông tin điện tử của trường, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, theo Điều 9 Thông tư 36, quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục và đào tạo là phải đưa thông tin báo cáo ba công khai lên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo.

Chiếu theo quy định trên, những cơ sở giáo dục đại học nào không thực hiện việc công bố báo cáo ba công khai trên trang thông tin điện tử là không thực hiện đúng trách nhiệm, vi phạm quy chế công khai của Thông tư 36.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: Minh Phạm

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: Minh Phạm

“Cơ sở giáo dục đại học thực hiện báo cáo ba công khai là thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội, thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh, kiểm tra, giám sát, đảm bảo cho vận hành trường.

Về phía người học, phụ huynh khi truy cập vào cổng thông tin của trường đại học phát hiện ra trường không có báo cáo ba công khai để tìm hiểu, so sánh thì sẽ khó có đầy đủ thông tin.

Để thực hiện hiệu quả quy chế công khai theo Thông tư 36, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ cần phát hiện kịp thời, giám sát trường nào có báo cáo, trường nào không công khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu phát hiện trường nào không thực hiện đúng quy định Thông tư 36 xử phạt nghiêm và công khai thì chắc chắc sau đó các cơ sở giáo dục khác sẽ nhìn đó làm gương và thực hiện đúng”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Nghị định 04 và Nghị định 127 quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi vi phạm công khai đối với cơ sở giáo dục nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải có công bố về hành vi vi phạm, mức xử phạt kèm theo để các trường nắm được và thực hiện nghiêm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng cho biết, không chỉ dừng lại ở việc xử phạt các cơ sở giáo dục đại học không thực hiện báo cáo ba công khai mà phải quy trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi để xảy ra vi phạm của cơ sở giáo dục đại học.

Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với trường vi phạm. Việc thanh, kiểm tra báo cáo ba công khai của cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện vào thời điểm các trường công khai, thời gian thực hiện niêm yết và thời gian cập nhật trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo mới có thể giám sát và phát hiện trường nào vi phạm quy chế công khai”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu mức phạt tiền đối với hành vi không công khai như hiện nay chưa đủ sức răn đe, bên cạnh việc cần tăng mức tiền xử phạt thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo để có tính kỷ cương.

Tại Điều 7 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 quy định xử phạt Vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục với các hành vi: Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan; Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành; Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành; Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Nghị định số 127 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, quy định Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 7 Nghị định số 04.

Ngọc Mai