Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, qua báo cáo ba công khai một số năm học gần đây của Học viện Chính sách và Phát triển cho thấy, tổng giảng viên của học viện có sự biến động.
Theo Khoản 2, Điều 7, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân về công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên có yêu cầu: "Số lượng giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng; hình thức, nội dung, trình độ và thời gian đào tạo và bồi dưỡng trong năm học và 2 năm tiếp theo".
Tuy nhiên, học viện không phân chia tổng số giảng viên thỉnh giảng và giảng viên cơ hữu của mỗi năm học là bao nhiêu mà chỉ có bảng tổng hợp danh sách đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng của học viện.
Danh sách đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng của Học viện Chính sách và Phát triển năm 2023 không phân chia bao nhiêu giảng viên thỉnh giảng, bao nhiêu giảng viên cơ hữu. Các năm học trước đó cũng tương tự. Ảnh chụp màn hình. |
Đáng chú ý, trong báo cáo ba công khai năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, tổng giảng viên của học viện cùng là 189 giảng viên.
Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển qua các năm học thống kê theo số liệu trong báo cáo ba công khai. Bảng: Sao Mai |
Chia sẻ lý do 2 năm học có số giảng viên y hệt nhau, Tiến sĩ Nguyễn Thị Đông - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, tổng giảng viên của hai năm học này không có nhiều biến động về số lượng giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng.
Trong hai năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, học viện đều có giảng viên tuyển thêm và giảng viên chuyển công tác.
Cụ thể, năm học 2020-2021, học viện có tổng 189 giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, trong đó có 9 giảng viên học hàm phó giáo sư (4 phó giáo sư cơ hữu và 5 phó giáo sư thỉnh giảng), 80 giảng viên trình độ tiến sĩ, còn lại là giảng viên trình độ thạc sĩ.
Năm học 2021-2022, học viện tuyển thêm 12 giảng viên, 5 giảng viên cơ hữu chuyển công tác, giảm 7 giảng viên thỉnh giảng. Do đó, số giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng của học viện năm học 2021-2022 là 189 giảng viên.
Học viện Chính sách và Phát triển. Ảnh: Sao Mai |
Cũng theo bảng thống kê, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, số lượng giảng viên học hàm phó giáo sư giảm từ 9 người (5 cơ hữu và 4 thỉnh giảng) xuống còn 6 người.
Tiến sĩ Đông cho biết: "Số giảng viên học hàm phó giáo sư giảm đều là giảng viên thỉnh giảng và chuyển công tác. 6 giảng viên học hàm phó giáo sư hiện tại đều là giảng viên cơ hữu của học viện".
Cũng từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, tổng giảng viên của học viện tăng 26 người, trong đó chủ yếu tăng số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, nguyên nhân tăng số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ vì học viện có xu hướng ưu tiên tuyển dụng giảng viên trình độ thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh và tiến sĩ. Trong bối cảnh tự chủ đại học việc thu hút được giảng viên giỏi về trường không dễ, vì giảng viên công tác tại trường đại học tư thục có thu nhập hấp dẫn hơn trường công.
Để thu hút giảng viên, trường đại học công lập như Học viện Chính sách và Phát triển có tiềm năng riêng là thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên giảng viên có điều kiện tiếp xúc, thực hiện các nghiên cứu đề tài, đề án của Bộ.
Qua theo dõi báo cáo ba công khai, Học viện Chính sách và Phát triển không có giảng viên học hàm giáo sư nào. Tiến sĩ Vinh cho rằng, học viện chưa có giảng viên học hàm giáo sư là bình thường.
"Lịch sử phát triển của học viện mới được 15 năm, nếu không có lịch sử phát triển lâu đời thì việc xây dựng đội ngũ giáo sư từ trường lên sẽ rất khó khăn vì cần thời gian. Chưa kể, việc thu hút giảng viên học hàm giáo sư cũng khó vì thông thường giáo sư sẽ chọn gắn bó với cơ sở giáo dục mà họ đã công tác lâu năm.
Học viện xây dựng đội ngũ phó giáo sư từ nội tại. Còn để đạt chuẩn giáo sư thì phó giáo sư cần phải có thời gian dài phấn đấu. Ngày thành lập học viện mới chỉ có 2 phó giáo sư, đến nay đã có 6 phó giáo sư, tốc độ phát triển như vậy là nhanh. Nếu muốn có đội ngũ giáo sư nhanh hơn, buộc học viện phải mời giảng viên ở bên ngoài nhưng cần có các chính sách ưu đãi nổi trội để thu hút người tài", Phó Giám đốc học viện chia sẻ.
Cũng theo Tiến sĩ Vinh, một trong những chiến lược tạo nguồn giảng viên của học viện là giữ lại sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc. Năm 2023, học viện có 01 sinh viên thủ khoa tốt nghiệp được giữ lại và trong thời gian tới sẽ được đầu tư đi học trình độ cao hơn, cũng như tạo điều kiện tìm kiếm học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở Hàn Quốc, Anh, Mỹ,...
Năm 2023, học viện hoàn trả ngân sách 9 tỷ đồng
Về nguồn thu của Học viện Chính sách và Phát triển, theo báo cáo ba công khai những năm học gần đây, nguồn từ ngân sách của học viện có xu hướng tăng lên. Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2023, nguồn từ ngân sách tăng 4 tỷ đồng (từ 13 tỷ đồng lên 17 tỷ đồng).
Nguồn thu của Học viện Chính sách và Phát triển thống kê theo báo cáo ba công khai những năm gần đây của Học viện. Bảng: Sao Mai |
Trong thu từ ngân sách có hai nguồn, gồm chi thường xuyên và chi cho hỗ trợ người học, nghiên cứu khoa học.
Trong năm 2023, chi thường xuyên của học viện chỉ hơn 9 tỷ đồng, giảm hơn so với các năm trước.
Còn lại, thu từ ngân sách năm 2023 tăng vì phần trích bù chi học bổng, đào tạo, đề tài, đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng lên, và do sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng Kinh tế - Kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào học viện (hàng năm học viện được cấp ngân sách cho bồi dưỡng cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Năm 2023, học viện tự chủ tài chính nhóm 2 - đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên nên phải trả lại cho nhà nước 9 tỷ đồng chi thường xuyên được cấp trước đó.
Biểu đồ thể hiện thu từ học phí của Học viện Chính sách và Phát triển tăng qua các năm. Biểu đồ: Sao Mai |
Theo biểu đồ trên, thu từ học phí của học viện có xu hướng tăng lên qua từng năm. Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2023, thu từ học phí tăng 21 tỷ đồng.
Chia sẻ về điều này, theo Tiến sĩ Đông, nguồn thu từ học phí tăng lên do quy mô đào tạo của học viện tăng. Và tổng thu từ học phí của năm học 2023-2024 tăng một phần do tăng học phí của năm học này tăng, nhưng tăng không quá mức trần học phí của năm học 2022-2023 quy định tại Nghị định 81 về quản lý học phí.
Cũng theo Tiến sĩ Đông, năm học 2022-2023, học phí đào tạo đại học của Học viện Chính sách và Phát triển là 270.000 đồng/tín chỉ; học phí đào tạo đại học chất lượng cao là 700.000 đồng/tín chỉ.
Năm học 2023-2024, học phí đào tạo đại học là 360.000 đồng/tín chỉ (tăng 90.000 đồng/tín chỉ so với năm học 2022-2023); học phí đào tạo đại học chất lượng cao là 770.000 đồng/tín chỉ (tăng 70.000 đồng/tín chỉ so với năm học 2022-2023).
Về thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, học viện để trống phần thu từ hoạt động này.
Học viện Chính sách và Phát triển bỏ trống phần thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2022 trong báo cáo ba công khai năm học 2022-2023. Ảnh chụp màn hình. |
Tiến sĩ Đông cho biết: "Có thể do lỗi kỹ thuật, học viện chưa cập nhật thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2022. Học viện sẽ rà soát và bổ sung, vì năm 2022 học viện có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, đề án cấp cơ sở, cấp Bộ, và cấp Nhà nước".
Đặc biệt, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện Chính sách và Phát triển cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thu (năm 2023, thu từ hoạt động này chỉ 2 tỷ đồng).
Theo Tiến sĩ Vinh, về các đề tài nghiên cứu khoa học tạo nguồn thu cho học viên, hàng năm, học viện cũng đấu thầu nhưng gặp khó khăn. Giảng viên của học viện cũng tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học bên ngoài trường, đơn vị thụ trưởng từ đề tài là đơn vị khác, không phải học viện. Do đó, thu từ các đề tài này không về học viện mà chỉ góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu, nâng cao thu nhập của giảng viên.
Về việc từ năm 2021 đến năm 2023, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ 9,1 tỷ đồng giảm còn 2 tỷ đồng, Tiến sĩ Vinh cho biết sẽ rà soát lại số liệu chính xác.
Từ năm 2021 đến năm 2022, thu từ nguồn thu hợp pháp khác của học viện tăng từ 1,1 tỷ đồng lên 1,2 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2022 đến năm 2023, thu từ nguồn thu hợp pháp khác của học viện tăng từ 1,2 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng (tăng gần 4 tỷ đồng).
Biểu đồ thể hiện thu từ nguồn thu hợp pháp khác của Học viện Chính sách và Phát triển. Biểu đồ: Sao Mai |
Theo Tiến sĩ Vinh, nguồn thu hợp pháp khác của học viện tăng lên do thu từ đề án tư vấn. Cụ thể, vừa qua, Học viện thực hiện đề án tư vấn cho các tỉnh, nguồn thu trong hợp đồng khoảng 20-30 tỷ đồng trải dài 2-3 năm. Hiện tại, Học viện cũng đang tư vấn quy hoạch cho 4 tỉnh, tư vấn quy hoạch tổng thể quốc gia, tư vấn phát triển cho tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, huyện,... nên mang lại nguồn thu hợp pháp cho học viện.
Từ năm 2021 đến năm 2022, thu từ hoạt động này tăng ít (chỉ tăng 200 triệu đồng), nhưng đến năm 2023 tăng nhiều (tăng gần 4 tỷ đồng) do đề án từ các năm trước giải ngân chưa được, đến năm 2023 mới giải ngân.
Chia sẻ làm thế nào để tăng nguồn thu từ nguồn thu hợp pháp khác, theo Tiến sĩ Vinh, Học viện Chính sách và Phát triển là đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có lĩnh vực rất mạnh như đấu thầu, quy hoạch, đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi cơ sở giáo dục có nghiên cứu khác nhau, tại mỗi thời điểm sẽ có lĩnh vực hot, nên học viện sẽ có điều kiện nghiên cứu để tạo nguồn thu. Vừa qua, lĩnh vực quy hoạch phát triển, học viện cũng nắm bắt được cơ hội để tăng thu từ nguồn thu hợp pháp.
Liên quan đến học phí, trong báo cáo ba công khai năm của năm học 2023-2024, học viện lại công khai học phí/1 sinh viên /năm của năm học 2022-2023. Tương tự, trong báo cáo ba công khai của năm học 2022-2023, Học viện lại công khai học phí/1 sinh viên/năm của năm học 2020-2021. Và trong báo cáo ba công khai của năm học 2021-2022, Học viện lại công khai học phí/1SV/năm của năm học 2019-2020.
Ảnh chụp từ báo cáo ba công khai các năm học của Học viện Chính sách và Phát triển |
Cung cấp số liệu học phí chính xác, theo Tiến sĩ Đông, năm học 2020-2021, năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023 có cùng học phí 270.000 đồng/tín chỉ, 3 năm liền kề học viện không tăng học phí. Học phí được tính theo số tín chỉ của chương trình đào tạo (chương trình đào tạo của học viện dao động từ 125 đến 135 tín chỉ).
Học phí của năm học 2023-2024 tăng lên 360.000 đồng/tín chỉ (tương đương 11,7 triệu đồng/năm). Mức tăng này không quá mức trần quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí.
Học phí đại học chương trình chất lượng cao thu tương ứng với chất lượng đào tạo, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023 đều không tăng, ổn định ở đơn giá là 700.000 đồng/tín chỉ. Năm học 2023-2024, chương trình đại học chất lượng cao có đơn giá là 770.000 đồng/tín chỉ (tương đương 26 triệu đồng/năm). Mức tăng này chưa vượt quá mức trần theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ về học phí đối với chương trình chất lượng cao.
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quy định cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tại điểm a khoản 2 Điều 11 tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.