Đắng lòng câu nói: "Con tật nguyền nhưng không vô dụng"

29/11/2011 14:31
Thằng bé đỏ mặt: “Con tật nguyền nhưng con không vô dụng. Ba mẹ về đi”. Nói rồi, nó quay ngoắt cùng chiếc xe lăn biến mất sau cánh cửa...
Đã bước sang ngày thứ 3 mà vẫn không có tin tức gì của thằng bé. Tôi gần như phát cuồng khi tưởng tượng những điều kinh khủng nhất xảy ra cho con.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
“Mẹ đừng lo lắng quá. Em con lớn rồi. Nó cũng biết suy nghĩ mà…”. Thùy Vân, cô con gái lớn của tôi an ủi. “Mẹ không thể hiểu được. Nó đi đâu kia chứ? Mà tại sao lại bỏ đi như vậy? Nó biết là mẹ thương nó mà…”- tôi vẫn sụt sùi.

Chuyện thằng Viên tự dưng biến mất đã lan truyền khắp công ty. Mọi người đoán già, đoán non. Người thì cho rằng nó bị bắt cóc, kẻ nói nó bỏ nhà đi bụi. Thậm chí, có người còn nghi ngờ nó... tự tử! Nhưng, rốt lại, chẳng ai biết chính xác nó đi đâu!

Trong 3 đứa con của chúng tôi, thằng Viên là đứa chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nó bị tật cả hai chân ngay từ lúc mới lọt lòng. Đến năm lên tám, thằng bé mới có thể di chuyển bằng tay. Suốt những năm đầu đời của nó cũng chính là những chuỗi ngày nặng nề của chúng tôi. Chồng tôi cứng rắn là vậy nhưng nhiều khi cũng không nén được những tiếng thở dài khi lén nhìn con.

“Có lẽ kiếp trước tụi bây làm ác nên mới sinh ra thằng con người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm”- một bà cô chồng của tôi đã nói thẳng như vậy. Lúc đó, tôi chỉ còn biết ôm mặt khóc ròng, vừa thương con, vừa giận mình.

Điều lạ là dường như tạo hóa lấy đi cái này của thằng bé thì lại cho nó cái kia. 5 tuổi nó đã đoạt giải nhất hội thi vẽ tranh cấp quận; 8 tuổi đã tham gia đội tuyển tin học cấp thành phố. Tuy nhiên, điều đó cũng không khiến chúng tôi vui lòng.
 
Đó là lý do chúng tôi quyết định sinh thêm đứa nữa. Trời đã thương, cho chúng tôi không phải một đứa con mà là một thiên thần. Thế là bao nhiêu yêu thương, tôi và anh dành cả cho đứa con lành lặn, đẹp đẽ ấy. Cu Viên biết thân, biết phận nên chẳng bao giờ mè nheo, vòi vĩnh ba mẹ điều gì. Trong nhà, nó chỉ chơi với chị giúp việc và con chó nhỏ. Phần lớn thời gian nó dành cho việc học hành và mày mò trên máy tính những công việc mà nó yêu thích.

“Mẹ biết không, em Viên hỏi con, mai mốt em có thể đi làm kiếm tiền được không? Con hỏi em cần mua gì, chị hai sẽ mua cho em nhưng nó bảo không cần gì mà chỉ muốn biết, người tật nguyền như em có thể làm được gì giúp ích cho xã hội không...”- có lần Thùy Vân kể với tôi. “Rồi con trả lời sao?” – tôi tò mò. “Con nói, chắc chắn là làm được vì em giỏi lắm. Nếu em cần gì, cứ nói cho chị biết, chị sẽ giúp em. Mẹ biết em con trả lời sao không? Nó nói cái mà nó cần thì con không thể cho nó được. Đó là tình yêu của ba mẹ…”.

Tôi nhìn sững con gái. Một cảm giác tủi hổ bỗng tràn ngập trong lòng. Đúng rồi, dường như tôi chỉ thương hại chứ không yêu con bằng tình yêu bình thường của một người mẹ… Từ đó, tôi đã cố gắng gần gũi, yêu thương, chìu chuộng con. Nhưng nó như con thú bị tên, cứ thu mình lại. Cho đến một ngày, nó đột ngột bỏ đi mà chẳng nói cho ai biết nó đi đâu, làm gì và vì sao lại đi...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong lúc chúng tôi gần như vô vọng thì một người phụ nữ tìm đến nhà. Bà ta là giám đốc một cơ sở sản xuất của người khuyết tật: “Anh chị cứ yên tâm. Công việc của cháu rất tốt”. Bà mời chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của mình.

Trông thấy chúng tôi, thằng bé thoáng ngỡ ngàng. Tôi bước tới cạnh con, nắm chặt tay nó: “Sao con đi mà không nói cho ba mẹ biết? Con tật nguyền như vầy, ở đây làm sao sống được? Đâu có ai chăm sóc cho con…”. Thằng bé đỏ mặt: “Con tật nguyền nhưng con không vô dụng. Ở đây con thấy vui vì mọi người đều giống nhau. Ba mẹ về đi”. Nói rồi, nó quay ngoắt người và cùng chiếc xe lăn biến mất sau cánh cửa.

Tôi sượng sùng, trong khi ba nó sa sầm mặt. Bà chủ cơ sở sản xuất ái ngại nhìn chúng tôi: “Thôi, anh chị cứ về đi, từ từ tôi sẽ lựa lời nói với cháu”. Chúng tôi ra về mà lòng nặng trĩu.

Tối đó, anh cứ ngồi trầm ngâm, rít thuốc liên tục. Khi tôi đến gần, anh nói, giọng nghèn nghẹn: “Có lẽ con nó nói đúng em à. Cơ thể nó tật nguyền nhưng tâm hồn nó lành lặn. Cách cư xử của anh và em đã làm nó bị tổn thương. Anh không biết phải làm sao bây giờ…”.

Anh còn bảo, chính chúng tôi mới là những kẻ bị dị tật tâm hồn. Lần đầu tiên tôi nghe nói đến điều đó và chợt nhận ra, mình đã suy nghĩ không bằng một đứa trẻ…

Theo Người Lao động