Học viện Tài chính có sứ mệnh cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội.
Hiện tại, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Cơ là Giám đốc Học viện Tài chính. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng làm Chủ tịch Hội đồng trường.
Theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên website Học viện Tài chính, thông tin về các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng, hội trường, phòng học, thư viện, trung tâm học liệu được công khai khá chi tiết.
Năm 2023, diện tích sàn/sinh viên là 4,7m²
Cụ thể, theo thông báo công khai thông tin cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đại học năm học 2018-2019 cho thấy: Học viện Tài chính có 6 phòng thực hành, 2 hội trường, 106 phòng học, 2 thư viện. Thông tin về thư viện và học liệu gồm: 7 phòng đọc, 650 chỗ ngồi, 35 máy tính; với 28.561 đầu sách in, 10.428 ebook, 110 đầu báo tạp chí và 1 cơ sở dữ liệu.
Tổng diện tích đất cơ sở đào tạo quản lý sử dụng là 36.207m²; tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học là 50.738,3m².
Diện tích đất/sinh viên là 36.207/17.261=2,09m²/sinh viên. Diện tích sàn/sinh viên là 50.738,3/17.261=2,94m²/sinh viên.
Học viện Tài chính. Ảnh: Ngân Chi. |
Theo Đề án tuyển sinh năm 2019, Học viện có tổng diện tích đất là 125.556m². Có 1 hội trường, phòng học lớn trên 200 chỗ; 6 phòng học từ 100-200 chỗ; 100 phòng học từ 50-100 chỗ; 2 phòng học dưới 50 chỗ; 8 phòng học đa phương tiện.
Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo (Hội trường, giảng đường, phòng học các loại, phòng đa năng, phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu, thư viện, trung tâm học liệu, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập) là 62.133m².
Về học liệu, có hơn 27.399 đầu sách với 191.358 cuốn; 9.891 ebook; 1 cơ sở dữ liệu ElibraryWB gồm 28 chủ đề chính với trên 13.600 đầu tài liệu liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; 130 đầu báo tạp chí... Thư viện trang bị khoảng 30 máy tính phục vụ việc tra cứu dữ liệu và truy cập Internet của sinh viên.
Đề án tuyển sinh năm 2020 cho thấy, Học viện có 1 hội trường, phòng học lớn trên 200 chỗ; 6 phòng học từ 100-200 chỗ; 100 phòng học từ 50-100 chỗ; 2 phòng học dưới 50 chỗ; 8 phòng học đa phương tiện; 88 phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu; 2 thư viện, trung tâm học liệu.
Về học liệu, gồm hơn 28.731 đầu sách với 197.401 cuốn; 100.442 file, 1.031.003 trang ebook; 1 cơ sở dữ liệu ElibraryWB gồm 28 chủ đề chính với trên 30.000 đầu tài liệu liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; 103 đầu báo tạp chí. Thư viện được trang bị khoảng 30 máy tính phục vụ việc tra cứu dữ liệu và truy cập Internet của sinh viên.
Đề án tuyển sinh năm 2023, tổng diện tích đất của Học viện là 144.591m²; số chỗ ở ký túc xá sinh viên gồm 1.704 chỗ.
Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của Học viện tính trên một sinh viên chính quy: 4,7m²/sinh viên. Tổng diện tích sàn là 84.374 m².
Năm học này, Học viện có 1 hội trường, phòng học lớn trên 200 chỗ; 7 phòng học từ 100-200 chỗ; 149 phòng học từ 50-100 chỗ; 6 phòng học dưới 50 chỗ; 8 phòng học đa phương tiện; 94 phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu; 2 thư viện, trung tâm học liệu.
Về học liệu, gồm 30.690 đầu sách với 207.941 cuốn; 16.762 file tài liệu; 101 đầu báo tạp chí; 7 sách/tạp chí điện tử.
Số thư viện điện tử liên kết ngoài trường: 27 thư viện trong khối thư viện số đại học dùng chung; 45 thư viện điện tử dùng chung thuộc khối Kinh tế và Quản trị kinh doanh.
Thư viện có 9 phòng đọc với 552 chỗ. Thư viện được trang bị khoảng 35 máy tính phục vụ việc tra cứu dữ liệu và truy cập Internet của sinh viên.
Như vậy, từ năm 2018 đến năm 2023, tổng diện tích đất của Học viện tài chính tăng thêm 19.035 m²; tổng diện tích sàn tăng 22.241m². Diện tích sàn/sinh viên tăng từ 2,94m²/sinh viên lên 4,7m²/sinh viên (tăng 1,76m²/sinh viên).
Cũng trong giai đoạn này, Học viện Tài chính tăng thêm 1 phòng học từ 100-200 chỗ; tăng 49 phòng học từ 50-100 chỗ; tăng 4 phòng học dưới 50 chỗ.
Thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên
Theo báo cáo 3 công khai của Học viện Tài chính, nội dung về giáo trình, tài liệu tham khảo do cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn, được công khai đầy đủ tên giáo trình, tài liệu tham khảo (kể cả giáo trình điện tử), năm xuất bản, kế hoạch soạn thảo giáo trình, tài liệu học tập.
Đối với các nội dung về đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp, cũng được công khai đầy đủ tên đề tài, họ và tên người thực hiện, họ và tên người hướng dẫn và nội dung tóm tắt (không quá 150 từ).
Về giáo trình, tài liệu tham khảo do cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Cụ thể, theo điểm đ, khoản 1 Điều 7: Công khai đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm: Giáo trình, tài liệu tham khảo do cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn: công khai tên các giáo trình (kể cả giáo trình điện tử), tài liệu tham khảo, năm xuất bản, kế hoạch soạn thảo giáo trình, tài liệu tham khảo của các chuyên ngành.
Theo điểm e, khoản 1, Điều 7: Đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp của các sinh viên trình độ đại học, học viên trình độ thạc sĩ và nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ: công khai tên đề tài, họ và tên người thực hiện và người hướng dẫn, nội dung tóm tắt.
Chia sẻ về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh (Học viện Tài chính) cho biết, việc công khai các giáo trình, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, được Học viện Tài chính xác định là công tác thường xuyên, thường kỳ.
Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong việc nộp và công khai luận văn trên cổng thông tin. Sau khi bảo vệ, cao học viên sẽ nộp lại 2 bản cứng luận văn đã chỉnh sửa và bản mềm để lưu tại khoa Sau đại học, thư viện của Học viện Tài chính.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh (Học viện Tài chính). Ảnh: NVCC. |
“Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng phần mềm quản lý cao học và nghiên cứu sinh để thuận tiện cho việc quản lý, nộp và lưu trữ bản mềm luận văn, luận án cũng như làm nguồn dữ liệu để thực hiện liêm chính học thuật tại Học viện” - Trưởng ban Quản lý đào tạo cho hay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch cũng chia sẻ: “Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Học viện Tài chính tạo điều kiện tối đa đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các nhà khoa học và giảng viên và có nhiều phương thức khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học.
Chất lượng giảng dạy của một cơ sở đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo trình, tài liệu được đưa vào sử dụng trong quá trình đào tạo. Do đó, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu luôn được Học viện coi là một công việc giữ vai trò đặc biệt quan trọng”.
Theo đó, Học viện Tài chính đã có những chính sách và giải pháp để tạo điều kiện cho giảng viên tích cực tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, có thể kể đến như:
Giáo trình, tài liệu học tập được thanh toán hỗ trợ kinh phí biên soạn theo quy định, được tính giờ nghiên cứu khoa học để cán bộ, giảng viên hoàn thành định mức nghiên cứu khoa học của cá nhân hằng năm theo quy định hiện hành; Biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, Học viện đã khuyến khích từ hai giảng viên trở lên tham gia biên soạn.
Trong một số trường hợp đặc biệt, đã mời các giảng viên, tác giả ngoài Học viện cùng tham gia biên soạn; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học để cán bộ, giảng viên cập nhật các công trình khoa học của mình như đề tài, bài báo, sách, giáo trình, tài liệu,… giúp quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu học tập tại Học viện.
Học viện Tài chính đã có nhiều chính sách, giải pháp để tạo điều kiện cho giảng viên tích cực tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu học tập và thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên. Ảnh minh họa: Ngân Chi. |
Về thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên, Học viện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên.
Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên để sinh viên nhận thức đầy đủ về vai trò và sự cần thiết của nghiên cứu khoa học trong quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên ở trường đại học thông qua các hoạt động như: Tổ chức các khóa học về nghiên cứu khoa học vào đầu năm cho sinh viên mới vào trường, thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo về nghiên cứu khoa học cho sinh viên, câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, Hội sinh viên, đoàn thanh niên. Phát động phong trào nghiên cứu khoa học cho sinh viên và coi đây là hoạt động thường xuyên trong suốt quá trình học tập để khơi dậy và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học của sinh viên được duy trì liên tục; phát huy các yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.
“Khi thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học, tư liệu và giáo viên hướng dẫn là hai trong số những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của một đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.
Đối với vấn đề tư liệu, thư viện là một trong những nơi mà sinh viên thường nghĩ đến đầu tiên cho quá trình nghiên cứu khoa học của mình. Với một thư viện, tính đủ - đa dạng - hữu ích là những yêu cầu cần có cho một nghiên cứu tốt.
Đối với vấn đề giáo viên hướng dẫn: Không thể phủ nhận rằng, kết quả nghiên cứu khoa học là lao động của chính sinh viên, song không thể không kể đến công lao của giáo viên hướng dẫn, bởi thiếu điều đó thì một nghiên cứu khoa học không thể thành công và đi đúng hướng; đa dạng hóa các hình thức bổ trợ nghiên cứu khoa học sinh viên; xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học trong sinh viên bằng những quy định cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm sinh viên và các bên có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên” - Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh chia sẻ thêm.