Ngày 20/1/2024, tại thành phố Cần Thơ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đến tham dự tọa đàm có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ; lãnh đạo nhiều trường đại học, các Viện nằm tại khu vực ĐBSCL tham dự.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho biết, ĐBSCL đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của cả Việt Nam và thế giới, giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất đai trù phú, với những danh xưng là “vựa lúa”, “vựa tôm”, “vựa trái cây” của cả nước.
Giai đoạn năm 2014 – 2020, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đồng chủ trì triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nam Bộ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: VNUHCM) |
Các kết quả của chương trình này bước đầu đã ứng dụng vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu từ triển khai chương trình đã cho thấy, ĐBSCL vẫn còn đang đối mặt với các nhóm vấn đề như: Điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu, công nghệ hiện đại, vốn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư – kinh doanh, cơ chế quản trị - hợp tác, liên kết vùng.
Chính vì vậy, ngay sau khi kết thúc chương trình này, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là một trung tâm nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nhân lực chất lượng cao đã thành lập Viện Biến đổi khí hậu trực thuộc Trường Đại học An Giang, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu về biến đổi khí hậu, môi trường của ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng.
Ngoài ra, Trường Đại học An Giang đang triển khai hai dự án quốc tế liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn như dự án tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí 9,09 triệu USD do tổ chức KOICA của Hàn Quốc tài trợ, dự án xây dựng và thiết lập chuỗi lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở vùng ĐBSCL với kinh phí 4,3 triệu USD do Chính phủ Úc tài trợ.
Toàn cảnh buổi tọa đàm được tổ chức ngày 20/1 ở thành phố Cần Thơ (ảnh: VNUHCM) |
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, với mong muốn đóng góp vai trò, trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng khung Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn từ nay đến năm 2030, “Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL”.
Chương trình này sẽ tập trung triển khai những nội dung quan trọng phục vụ hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về phát triển ĐBSCL, trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cuối năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia với tên gọi như đã nêu ở trên.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại tọa đàm (ảnh: VNUHCM) |
Đây là chương trình do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh, chương trình này được triển khai thành công sẽ góp phần cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần cùng các chính sách có liên quan tạo sự chủ động, cũng như hiệu quả trong ứng phó biến đổi khí hậu của từng địa phương và vùng ĐBSCL, thích ứng với tác động của thượng nguồn sông Mê Kông, góp phần đưa ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm, văn minh, sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của cả nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Cũng tại buổi tọa đàm này, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo kết quả của Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nam Bộ giai đoạn năm 2014 – 2020, báo cáo khung Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL”
Đây còn là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia, các đại biểu đại diện cho các địa phương, doanh nghiệp thảo luận và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tìm kiếm các giải pháp tiên phong, đột phá từ đề xuất nhiệm vụ của các nhà khoa học, mô hình liên kết vùng, kinh nghiệm, thực tiễn, thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề thực tiễn của ĐBSCL.