'Thưởng Tết, lương tháng 13': Ước mơ của nhiều giáo viên nhưng thật khó có được

29/01/2024 06:34
Ngọc Mai
GDVN- Nhắc đến thưởng Tết, thầy Thắng nói đây là ước mơ của giáo viên vùng cao nhưng khó thành hiện thực.

“Đối với giáo viên như chúng tôi, “thưởng Tết" vẫn là món quà xa xỉ” – đó là tâm sự của nhà giáo Hoàng Thị Bảy với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong những ngày cận kề xuân Giáp Thìn sắp đến.

Cô Bảy (sinh năm 1982) quê ở Thái Bình, hiện đang là giáo viên Ngữ văn dạy khối 6, 9 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk).

Đến nay, dù đã có 16 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng “thưởng Tết” vẫn là khái niệm rất xa lạ đối với cô Bảy.

Cô Bảy hướng dẫn học sinh chăm sóc rau. (Ảnh: NVCC)

Cô Bảy hướng dẫn học sinh chăm sóc rau. (Ảnh: NVCC)

Theo chia sẻ của cô Bảy, mỗi dịp Tết đến xuân về, mỗi giáo viên chỉ được nhận hỗ trợ duy nhất theo mức chi chung cho toàn tỉnh, ngoài ra không có thêm quà hay thưởng Tết nào khác. Cụ thể, hàng năm, trước khi về quê nghỉ Tết, mỗi giáo viên, công nhân viên của nhà trường được tỉnh hỗ trợ 300.000 đồng/người. Năm 2024, giáo viên, nhân viên của trường được hỗ trợ 500.000 đồng/người.

Ngoài được tỉnh hỗ trợ, có năm, cô Bảy được công đoàn nhà trường tặng 100.000 đồng/người; năm nhiều nhất là 200.000 đồng/người.

Công đoàn ngành giáo dục huyện Lắk cũng công bố kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho công đoàn viên nhưng chỉ áp dụng đối với công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Tết Nguyên đán năm trước, trường của cô Bảy đã đề xuất 02 công đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lên công đoàn huyện xem xét hỗ trợ, gồm 01 nhân viên bảo vệ và 01 nhân viên cấp dưỡng. Hai công đoàn viên này chưa có nhà cửa, phải thuê trọ, đồng lương hàng tháng chỉ 3 triệu đồng (nhân viên hợp đồng với nhà trường).

Được công đoàn huyện hỗ trợ dịp Tết năm 2023, 02 công đoàn viên được nhận phần quà gồm có dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm và bánh kẹo (tổng trị giá là 300.000 đồng/suất quà). Tết năm nay, nhà trường cũng tiếp tục đề xuất 02 đồng chí này được nhận hỗ trợ từ công đoàn ngành giáo dục huyện Lắk.

“Mức hỗ trợ của tỉnh, huyện, không phải là đủ để giáo viên, nhân viên đón một cái Tết đầm ấm hơn vì có hàng trăm thứ phải lo mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhưng với mỗi giáo viên, mức hỗ trợ 300.000 - 500.000 đồng cũng là quý lắm rồi.

Tôi không có khoản thu nhập nào khác ngoài tiền lương hàng tháng. Do đó, càng vào dịp Tết, việc chi tiêu trong gia đình tôi lại càng phải tính toán kỹ lưỡng. Tết này, muốn mua cho con hay bản thân một bộ đồ mới cũng phải đắn đo, cầm lên đặt xuống mãi”, cô Bảy bày tỏ.

Trước dịp Tết Nguyên đán năm 2024, cô Bảy dự định sẽ về quê ở tỉnh Thái Bình ăn Tết với đại gia đình, người thân. Nhưng sau khi tính toán, cô Bảy quyết định để dành tiền về quê vào dịp hè sắp tới. Bởi, tiền vé xe, vé máy bay cao trong khi tiền lương không đủ để đặt vé hai chiều cho cả nhà cô, “chẳng nhẽ khi đi từ Thái Bình trở vào Lắk lại ngửa tay xin tiền mọi người ở quê!” – cô Bảy bùi ngùi chia sẻ.

Được biết những năm trước, mỗi dịp giáp Tết, cô Bảy cùng một số giáo viên trong trường đi buôn các loại rau củ, trái cây và hoa với mong muốn tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, có năm nhiều người cùng buôn bán mặt hàng giống cô Bảy nên cũng “ế ẩm”, thậm chí lỗ nặng. Năm nay, cô Bảy cũng lấy hoa từ Đà Lạt về bán với hi vọng có thêm đồng ra đồng vào để tiêu Tết.

Tâm sự với phóng viên, cô Bảy chia sẻ: “Tôi mong các cấp, ngành giáo dục sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến chế độ chính sách, đãi ngộ và đời sống của giáo viên. Cụm từ “lương tháng 13” tôi đã được nghe nhiều, hi vọng một ngày không xa, giáo viên chúng tôi cũng sẽ có khoản này mỗi khi Tết đến xuân về để không khỏi tủi thân, thêm cơ hội để về quê ăn Tết bên gia đình”.

Chia sẻ với phóng viên, nhà giáo Lê Văn Thắng – giáo viên tại Điểm trường mầm non thôn Lếch Mông B (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Thanh Kim, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết, khi nhìn lại 1 năm với nhiều khó khăn thử thách, cuộc sống của gia đình thầy chỉ gọi là tạm đủ. Còn quá nhiều nỗi lo toan đè nặng lên đôi vai của thầy. Mức lương của thầy Thắng hiện chỉ đủ lo cho các con ăn học và chăm sóc mẹ già bệnh tật ở quê.

Nhắc đến thưởng Tết, thầy Thắng nói đây là ước mơ của giáo viên vùng cao nhưng khó thành hiện thực.

“Hàng năm, giáo viên chúng tôi trước khi về quê đón Tết đều nhận được sự động viên tinh thần của chính quyền địa phương, còn việc thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên ở trường là điều không dễ thực hiện”, thầy Thắng bộc bạch.

Thầy Thắng đang trang trí dụng cụ trò chơi. Ảnh: NVCC

Thầy Thắng đang trang trí dụng cụ trò chơi. Ảnh: NVCC

Được biết, thầy Thắng quê ở thôn Tân Việt (nay là thôn Việt Hưng), xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Thầy Thắng (sinh năm 1982) làm giáo viên mầm non đến nay đã hơn 13 năm. Hiện tại, gia đình thầy Thắng ở Lào Cai có 5 thành viên (gồm vợ chồng thầy Thắng, 2 con và 1 cháu dưới quê lên ở cùng để học tập) chung sống trong căn phòng công vụ của nhà trường khoảng 43m2.

Mỗi dịp Tết, thầy Thắng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được về quê quây quần bên mẹ già. Lo vì chi phí đi lại từ Lào Cai về Phú Thọ, và ngược lại khá tốn kém.

“Tôi mong muốn làm nhiều công việc để kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết. Nhưng do đặc thù nghề nghiệp nên tôi không có thời gian làm các công việc khác ngoài chuyên môn.

Ước mong của giáo viên chúng tôi khi công tác xa quê là được hỗ trợ chút ít chi phí đi lại trong dịp Tết Nguyên đán để ai cũng có thể về quê ăn Tết”, thầy Thắng bày tỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vẫn như các năm trước, Tết Nguyên đán năm 2024, giáo viên mầm non ở vùng cao tỉnh Hà Giang không có thưởng Tết. Cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chia sẻ rằng, nhà trường được nhà nước cấp ngân sách, và ngân sách này dùng để chi trả tiền lương, các hoạt động phục vụ giáo dục đào tạo của trường.

“Trường Mầm non Pả Vi không thu bất cứ khoản phí nào từ phụ huynh nên với ngân sách nhà nước cấp cho trường chỉ đủ chi lương, phụ cấp, tập huấn chuyên môn và công tác phí, văn phòng phẩm của giáo viên.

Nhà trường muốn thưởng Tết cho giáo viên nhưng mà không có ngân sách để thưởng. Thực hiện chi trả lương hàng tháng đều đặn cho giáo viên đã là niềm hạnh phúc lắm rồi” – cô Hạnh chia sẻ.

Cũng theo cô Hạnh, không thưởng Tết, nhà trường cố gắng có quà (dù không nhiều) để tặng cho giáo viên trước khi họ về quê. Để các phần quà này đến tay giáo viên, nhà trường cũng phải cân đo đong đếm, tiết kiệm chi để có nguồn kinh phí chăm lo Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mức quà cho mỗi giáo viên của trường khác nhau, tùy từng năm, có năm trường tặng 500.000 đồng/giáo viên.

Cô Hạnh cùng học sinh của trường. Ảnh: NVCC

Cô Hạnh cùng học sinh của trường. Ảnh: NVCC

“Nhà trường không tặng quà bằng hiện vật cho giáo viên mà tặng tiền cho họ vì nhiều giáo viên cần chi phí đi lại để về quê dịp Tết. Dù không nhiều nhưng với phần quà này, nhà trường hi vọng sẽ san sẻ phần nào cùng giáo viên”, cô Hạnh chia sẻ.

Kể về lần đầu tiên được nhận quà Tết trong suốt thời gian dài công tác trong ngành giáo dục, nhà giáo Tẩn Thị Lèn - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Pù (tỉnh Hà Giang) cho biết, trước đây, khi cô dạy học tại Trường Mầm non xã Xín Cái (tỉnh Hà Giang) – trường nằm ở vùng biên giới nên điều kiện dạy và học đặc biệt khó khăn, cô Lèn được nhận quà Tết trị giá 500.000 đồng. Đây cũng là lần duy nhất trong hơn 10 năm công tác cô Lèn được nhận quà Tết.

Chợ Tết ở vùng cao Hà Giang. Ảnh: Ngọc Mai

Chợ Tết ở vùng cao Hà Giang. Ảnh: Ngọc Mai

Đến nay, khi làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Pù, dự kiến Tết Nguyên đán năm 2024, cô Lèn không có thưởng Tết. Khi nhắc đến chi phí để thuê xe về quê ăn Tết cùng gia đình, cô Lèn xúc động nói: “Tiền quà có ít thì tiêu ít, nếu không có thì không về quê nữa”.

Cô Lèn đón học sinh vào lớp. Ảnh: NVCC

Cô Lèn đón học sinh vào lớp. Ảnh: NVCC

Được biết, tổng số tiền cả nhà cô Lèn di chuyển đi về và quay lại trường dịp Tết bằng xe khách hết 4 triệu đồng (hết nửa tháng lương của cô Lèn).

“Giáo viên vùng cao mong muốn có 1-2 suất quà mỗi dịp Tết. Suất quà này không lớn lao, chỉ hi vọng được nhận 1-2 gói bánh để về làm quà cho con trẻ là vui rồi” – cô Lèn nghẹn ngào nói.

Cùng tâm sự với phóng viên, cô Nguyễn Thị Ngọc - giáo viên Trường Mầm non tư thục Một ngày mới (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có 5 năm công tác nhưng thưởng Tết của cô chỉ 1 triệu đồng/giáo viên. Đây cũng là mức thưởng Tết cao nhất cho giáo viên ở trường của cô Ngọc. Những năm trước, thưởng Tết của cô Ngọc cũng chỉ có 500.000 đồng/giáo viên. Ước muốn được thưởng Tết bằng lương tháng 13 đối với giáo viên ở một số trường mầm non tư thục như cô Ngọc vẫn còn quá xa vời.

Thực tế, hiện không có quy định nào về thưởng Tết, quà Tết đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ở trường học. Nhưng nếu có thêm thưởng, quà Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học chắc chắn sẽ mang lại niềm vui dịp đầu năm mới, động viên mỗi nhà giáo gắn bó, chia sẻ với trường.

Ngọc Mai