Trường ĐH Kinh tế, Ngoại thương mở ngành về công nghệ, kỹ thuật có đáng lo?

20/02/2024 06:36
Mộc Trà

GDVN - Mùa tuyển sinh 2024, một số trường khối kinh tế mở thêm ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Mùa tuyển sinh 2024, một số trường “top đầu” khối kinh tế mở thêm ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo đó, năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó 4 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Cả 4 ngành đều đào tạo 2 hệ cử nhân và kỹ sư, chỉ tiêu dự kiến 50-100 sinh viên mỗi ngành. Trường Đại học Ngoại thương (FTU) cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, với chỉ tiêu dự kiến trong năm nay là 30.

Đây không phải năm đầu tiên các trường chuyên sâu khối ngành kinh tế mở đào tạo ngành công nghệ, ngành học mới.

Từ năm 2020, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã mở ngành mới “Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh”. Năm 2021, Học viện Ngân hàng mở mới và tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin. Năm 2023, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh mở loạt ngành mới, trong đó có một số ngành công nghệ như Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics.

Mở ngành mới về công nghệ, kỹ thuật, các trường nói gì?

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình đào tạo Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đã chia sẻ một số thông tin xung quanh việc mở ngành này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Mộc Trà.

Thầy Tuấn cho biết: “Thực hiện chiến lược phát triển ngành đào tạo theo chủ trương đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo đã đặt ra trong Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, Trường Đại học Ngoại thương định hướng trở thành Đại học đa lĩnh vực theo hướng đổi mới sáng tạo.

Nói như vậy, có nghĩa, nhà trường đã có một kế hoạch, lộ trình phát triển các ngành nghề đào tạo, không phải chuyện “một sớm một chiều”.

Thứ hai, xã hội đã và đang chuyển sang cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo AI, Internet vạn vật (IoT)..., ngày càng khẳng định vai trò của công nghệ thông tin, khoa học máy tính trong mọi mặt của cuộc sống hiện đại. Xuất phát từ nhu cầu nhân lực có khả năng phát hiện vấn đề và tìm kiếm các giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề, đòi hỏi việc tiếp cận mang tính liên ngành, đặc biệt là liên ngành giữa công nghệ với kinh tế, kinh doanh trong đào tạo.

Trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng khảo sát nhu cầu từ xã hội, từ chính các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng và bản thân các cựu sinh viên... phần lớn các em đều nói rằng, trong thời đại hiện nay, sinh viên ra trường cần được trang bị thêm những kiến thức về số, về dữ liệu, về khoa học máy tính,... để các em có cơ hội rộng mở hơn về cơ hội nghề nghiệp sau này.

Trường Đại học Ngoại thương có phương thức để từng bước phát triển một ngành mới, đó là bắt đầu từ các môn học, các chương trình vệ tinh, tức là các chương trình ngắn hạn cấp chứng chỉ cho sinh viên trong và ngoài trường, một mặt, giúp các em sinh viên có thêm kiến thức, mặt khác cũng là quá trình thử nghiệm của nhà trường. Chẳng hạn, đối với ngành này, nhà trường đã tiến hành việc đào tạo chương trình vệ tinh Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh từ năm 2021, hiện nay đang chuẩn bị đào tạo khóa 6. Qua phương thức này để nhà trường xây dựng dần chương trình, kết nối các đối tác trong và ngoài nước, và quan trọng nhất là chuẩn bị nguồn lực trong đó có nguồn nhân lực.

Đội ngũ giảng viên của cả trong và ngoài trường, cùng các chuyên gia quốc tế, hay cộng sự từ các công ty bên ngoài như Trường Đại học Keio (Nhật Bản), Trung tâm Datapot, Ngân hàng MB, ... đã tham gia đào tạo chương trình vệ tinh này”.

“Lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật là một lĩnh vực mới mà nhà trường xác định sẽ dành đầu tư thích đáng để phát triển, tạo nên một trụ cột đào tạo mới mà nhà trường sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội. Là trường đại học có thế mạnh, uy tín cao trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương khởi đầu lĩnh vực công nghệ với cách tiếp cận khoa học máy tính ứng dụng trong kinh tế và kinh doanh.

Chương trình được mở thuộc ngành Khoa học máy tính tại Trường Đại học Ngoại thương sẽ có tên là “Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh”, mang những điểm mạnh đặc sắc của trường, trong đó, chú trọng tính ứng dụng của khoa học máy tính trong lĩnh vực kinh tế - kinh doanh vốn là thế mạnh của trường. Đồng thời, trường cũng xây dựng mô hình đào tạo gắn kết thực tiễn mang tính thực chiến, tính quốc tế hóa cao, cũng đều là những điểm mạnh vốn có của trường đã khẳng định được ở các chương trình đào tạo hiện có” - thầy Tuấn thông tin thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương trao chứng nhận cho sinh viên học chương trình vệ tinh Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Ảnh: NTCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương trao chứng nhận cho sinh viên học chương trình vệ tinh Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Ảnh: NTCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn chia sẻ thêm về quá trình chuẩn bị: “Để mở ngành, điều đương nhiên là nhà trường phải xây kế hoạch rất chi tiết cho việc tổ chức đào tạo, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng theo các quy định về mở ngành, về chuẩn chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng các mục tiêu, chuẩn đầu ra mà nhà trường cam kết với xã hội khi công bố chương trình đào tạo.

Mặt khác, nhà trường đã có chủ trương về phát triển các ngành công nghệ - kỹ thuật từ nhiều năm trước đây, nên đã bắt đầu chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đào tạo ngành Khoa học máy tính từ năm 2021, bao gồm việc tuyển dụng và đào tạo giảng viên, chuẩn bị cơ sở vật chất và các nguồn lực cho giảng dạy, xây dựng hệ sinh thái cho đào tạo và nghiên cứu trong ngành này. Trường Đại học Ngoại thương có chính sách đặc biệt về tuyển dụng, thu hút nhân tài trong lĩnh vực này, đảm bảo chất lượng đội ngũ”.

“Nếu mở một ngành mới, đối với Trường Đại học Ngoại thương không phải vấn đề khó, nhưng nhà trường mong muốn phải có những chuyên gia, phải có sự đầu tư đủ mạnh để có thể cạnh tranh, định vị ở một thị trường cao” - thầy Tuấn nhấn mạnh.

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc mở loạt ngành kỹ thuật, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) lý giải: “Chiến lược của NEU là thành Đại học Kinh tế Quốc dân, trở thành đại học thông minh, đa ngành, đa lĩnh vực, vì vậy để phù hợp với mục tiêu và thời đại công nghệ số việc phát triển thêm một số ngành thuộc lĩnh vực Khoa học, Công nghệ (đã có ở trường như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính) là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của trường.

Những ngành dự kiến mở về cơ bản tương tự như các trường khác, tuy nhiên có khác biệt về định hướng ứng dụng, của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là trong lĩnh vực Kinh tế và Quản trị kinh doanh”.

Về tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, về cơ bản nhà trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển đã thực hiện trong 3 năm qua. Tuy nhiên, để tuyển sinh được các thí sinh phù hợp cho chương trình, với từng phương thức sẽ có những đặc thù riêng, chẳng hạn, điều chỉnh trong công thức tính điểm xét tuyển, ví dụ như tăng trọng số môn Toán, môn Tin vì những môn học này cung cấp những nền tảng logic và tư duy cần thiết cho việc học tập trong ngành này.

Về mức học phí dự kiến đối với các ngành học mới, thầy Tuấn cho biết, nhà trường vẫn đang cân nhắc để trình Hội đồng trường thông qua, dự kiến mức học phí cũng tương đương với các chương trình khác trong trường.

Trước ý kiến băn khoăn về việc mở các ngành mới của trường có phù hợp, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng: “Xu hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng phát triển tất yếu của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Một trường đại học cần có một hệ thống các ngành đa dạng để sinh viên lựa chọn, đồng thời, khi sinh viên đã lựa chọn một ngành học cụ thể để theo đuổi, thì cũng phải có kiến thức liên ngành để giải quyết được những vấn đề thực tiễn của công việc và cuộc sống khi tốt nghiệp ra trường.

Do vậy, các ngành trong một trường cần phải đảm bảo sự đa dạng, hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra những sự kết hợp có giá trị, từ đó trường đại học đó mới thực hiện được sứ mệnh, giá trị đã cam kết với người học.

Khi nhà trường lựa chọn đào tạo ngành này, cũng sẽ tạo thêm cho các em sinh viên của nhà trường một nền tảng để phát triển. Nói một cách sâu xa hơn, đây vừa là giải quyết bài toán nhu cầu nhân lực chất lượng cao, vừa là trang bị kiến thức, kỹ năng thiết yếu cho người lao động trong tương lai mà đơn vị sử dụng lao động yêu cầu”.

Cần giám sát điều kiện mở ngành của các trường đảm bảo minh bạch, đúng quy định

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), việc mở ngành đã có quy định rõ ràng về điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất..., nếu trường nào muốn mở ngành, thực sự phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng.

“Nếu các trường tuân thủ đúng quy trình, điều kiện mở ngành, thì sẽ không có gì đáng lo ngại” - vị này khẳng định.

Đề cập đến việc nhiều trường kinh tế hướng đến mở ngành kỹ thuật, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng, đại học đào tạo đa ngành là xu hướng chung của thế giới, phù hợp với xu thế đào tạo liên ngành. Ở Việt Nam, việc đại học phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

“Theo tôi, đây là một xu hướng nên khuyến khích, vì sẽ tạo ra môi trường học tập toàn diện cho sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, có thêm trải nghiệm... Bởi hiện nay, không bao giờ có một vị trí việc làm nào là đơn ngành, mà hội tụ rất nhiều lĩnh vực, cần nhiều kiến thức, kỹ năng, năng lực khác nhau” - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng phân tích: “Thứ nhất, các trường đại học trên thế giới đa phần đều là các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực; tuy nhiên, vì lý do lịch sử, do mô hình đại học của Việt Nam từ trước đến nay đa số đều được hình thành theo kiểu đơn ngành. Vì vậy, theo tôi, các trường đại học đặt ra mục tiêu trong kế hoạch chiến lược là chuyển thành trường đa ngành, cũng đúng với xu thế của thế giới.

Thứ hai là trong bối cảnh phát triển của thời đại số hiện nay, đặc biệt là công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI những năm qua, đã làm thay đổi thị trường lao động rất nhanh chóng, nhất là đối với khối kinh tế như ngân hàng, kế toán... dần dần cũng sẽ có sự xâm nhập và thay thế của AI.

Thứ ba, trong những năm qua, việc hình thành các ngành theo hướng liên ngành trở thành một xu thế chung, bởi vì đào tạo đơn ngành ngày nay khó có thể tồn tại được”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng. Ảnh: Mộc Trà.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng. Ảnh: Mộc Trà.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cũng lưu ý: “Việc mở ngành theo trào lưu, đặt tên ngành theo xu hướng thực chất là hình thức quảng bá và thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ.

Có những trường mở ngành mới, tên mới, nhưng chương trình đào tạo thực chất lại không khác mấy so với ngành đã có. Như vậy, đó chỉ là sự thay đổi tên gọi, thêm vào tên gọi vài chữ nên nó mang tính hình thức nhiều hơn, không thay đổi bản chất. Điều này khác hoàn toàn với việc mở ngành mới với chương trình đào tạo được thiết kế mới.

Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo của các trường để chọn ngành đúng với nguyện vọng. Và tôi cũng cho rằng, người học cũng sẽ không bao giờ đơn thuần chỉ nhìn vào tên gọi của một ngành học để lựa chọn, mà phải có sự tìm hiểu thật cẩn trọng.

Về phía các cơ sở giáo dục, phải có trách nhiệm công khai minh bạch toàn bộ thông tin về ngành học đó: hồ sơ mở ngành, cam kết, điều kiện đảm bảo chất lượng, chi tiết chương trình đào tạo,... Tất cả các thông tin đều phải được công khai để người học có thể tiếp cận, để xã hội có thể cùng giám sát. Nhận thức của xã hội ngày càng cao, năng lực phản biện cũng ngày càng cao, trường nào không đáp ứng được yêu cầu công khai trước xã hội, thì sẽ mất uy tín và dẫn đến không thể tuyển sinh”.

Mộc Trà