Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông chia sẻ kỳ vọng phát triển giáo dục trong năm 2024

12/02/2024 06:30
Phạm Minh (thực hiện)

GDVN-Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh kỳ vọng năm 2024 sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ hơn công cuộc đổi mới giáo dục, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Năm 2023 đã khép lại, toàn ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mỗi địa phương cũng đã nỗ lực vượt qua những thử thách, khó khăn để hướng tới mục tiêu chung của ngành giáo dục.

Bước sang năm mới, năm 2024 cũng là một năm đặc biệt với ngành giáo dục, là chặng đường cuối đánh dấu sự kết thúc của chương trình giáo dục phổ thông 2006, để từ đây, ngành giáo dục triển khai thực hiện đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, để lắng nghe những chia sẻ về kết quả giáo dục của địa phương trong năm qua cũng như những kỳ vọng về sự phát triển của giáo dục trong năm mới.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Thưa bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, nhân dịp đầu xuân năm mới, kính chúc bà sức khỏe, hạnh phúc! Thưa bà, năm 2023, toàn ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cùng nhìn lại chặng đường một năm qua, theo bà, đâu là những dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Năm 2023 là năm thứ 10 triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Đắk Nông.

Trong năm 2023, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đã đạt được những dấu ấn nổi bật.

Cụ thể, về quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục: Sau khi thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông công lập nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đến nay, toàn tỉnh hiện có 370 cơ sở giáo dục từ mầm non đến giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, mạng lưới cơ sở giáo dục ở các cấp học được bố trí lại phù hợp hơn so với quy hoạch, phát triển cân đối, phù hợp, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có 1,7 cơ sở giáo dục mầm non; 1,6 trường tiểu học; 1,1 trường trung học cơ sở và 01 Trung tâm học tập cộng đồng. Mỗi đơn vị cấp huyện có 4,1 trường trung học phổ thông và 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên, qua đó đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, cũng như yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học: Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa, trang thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng hiện đại hóa, từng bước đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện tốt hơn, trong năm 2023, ngành giáo dục đã công nhận mới 18 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 163,6% kế hoạch tỉnh giao). Tổng số trường chuẩn quốc gia hiện có là 191 trường, đạt tỷ lệ 60,3%.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông dự Lễ kỉ niệm 10 năm thành lập Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: NVCC

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông dự Lễ kỉ niệm 10 năm thành lập Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: NVCC

Về xây dựng, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo: Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đã được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh hết sức quan tâm; Ngành Giáo dục đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cử giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019, đến nay tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn đã vượt chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao theo giai đoạn. Qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ nhà giáo đã đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Việc bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo Thông tư số 08/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT; Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT; Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với thực hiện chính sách tiền lương mới từ 01/7/2023 nên mức lương, thu nhập của giáo viên có sự cải thiện, qua đó giúp giáo viên phần nào đảm bảo cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề.

Về chất lượng giáo dục toàn diện có sự chuyển biến mạnh mẽ: Chất lượng giáo dục có những bước khởi sắc, bứt phá, trên cả lĩnh vực giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, chuyển biến từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh được quan tâm hơn. Công bằng trong giáo dục được đảm bảo, thực hiện tốt hơn.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được nâng lên ở mức trung bình chung của cả nước và cao hơn một số tỉnh trong khu vực Tây Nguyên (đạt 97,5%, tăng 0,78% so với năm 2022, điểm trung bình các môn của thí sinh đạt 6,08 điểm, tăng 0,17 điểm so với năm 2022).

Thành tích của các đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia và khu vực tăng cả số lượng và chất lượng (có 12 giải, trong đó: có 01 giải Nhì, 05 giải Ba, 6 giải Khuyến khích). Lần đầu tiên có 01 học sinh môn Tin học được tham gia thi chọn đội tuyển tham gia kỳ thi khu vực và quốc tế.

Về biên soạn tài liệu giáo dục địa phương: Tính đến nay, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành biên soạn tài liệu địa phương các lớp 1, 2, 3, 4 đối với cấp tiểu học và lớp 6, 7, 8 đối với cấp và lớp 10, 11 đối với cấp trung học phổ thông, đảm bảo đúng tiến độ theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện ngành giáo dục đang triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, 9, 12.

Đối với nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập: Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trung học cơ sở mức độ 1, xóa mù chữ mức độ 1. Công tác khuyến học, khuyến tài, định hướng nghề nghiệp, xây dựng xã hội học tập có bước phát triển.

Các chính sách phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn luôn được tỉnh chăm lo phát triển.

Các trường, điểm trường tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn luôn được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục tăng cường tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh trong khu vực được đến trường tham gia học tập, từng bước khắc phục khó khăn để nâng chất lượng giáo dục ngang tầm với các vùng có điều kiện thuận lợi.

Phóng viên: Toàn ngành đang tiếp tục nỗ lực trên chặng đường thực hiện đổi mới giáo dục, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm 2023, ngành giáo dục cũng đã thực hiện tổng kết Nghị số 29-NQ/TW. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, diện mạo của giáo dục tỉnh Đắc Nông đã có những thay đổi ra sao, thưa bà?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển mạnh, toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp trong tỉnh, phủ kín đến các xã, phường, thị trấn. Các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đều được đảm bảo điều kiện tham gia học tập.

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 370 cơ sở giáo dục, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Quy mô học sinh phát triển nhanh và ổn định, hiện toàn tỉnh có hơn 187 ngàn học sinh, tỷ lệ học sinh ra lớp tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm (Tỷ lệ học sinh bỏ học năm học 2022-2023 là 0,32%).

Cơ sở vật chất trường lớp học được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa, tổng số trường chuẩn quốc gia là 196 (đạt 61,8)%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phát triển mạnh cả về số lượng (hiện có hơn 11 ngàn người), về cơ bản có trình độ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, trách nhiệm cao trong giảng dạy; hằng năm được bổ sung về số lượng với cơ cấu hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến, phát triển vững chắc và toàn diện ở các cấp học, rõ nét nhất chính là sự chuyển biến từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh, song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm đúng mức. Chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn từng bước được cải thiện.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông trao bằng khen cho các học sinh đạt thành tích trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024. Ảnh: Nguyễn Hiền - Báo Đắk Nông

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông trao bằng khen cho các học sinh đạt thành tích trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024. Ảnh: Nguyễn Hiền - Báo Đắk Nông

Số lượng và chất lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, bậc học ngày càng tăng, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm ở mức trung bình chung cả nước; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng lên hằng năm.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hòa nhập, kỷ cương, nề nếp trường học được chú trọng và phát triển. Công bằng trong giáo dục ngày càng tốt hơn, mọi người dân được học tập thường xuyên và học tập suốt đời; công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì bền vững và nâng cao chất lượng.

Phóng viên: Bước sang năm 2024 cũng là chặng đường cuối đánh dấu sự kết thúc của chương trình giáo dục phổ thông 2006, để từ đây, ngành giáo dục triển khai thực hiện đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) ở các cấp học. Thưa bà, trong giai đoạn tới, tỉnh Đắk Nông sẽ có những định hướng và các giải pháp nào để ngành giáo dục để thực hiện thành công những mục tiêu đổi mới đã đề ra?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục Đắk Nông đã từng bước khắc phục khó khăn để phát triển căn bản, toàn diện về mọi mặt, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế -văn hóa - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, trong thời gian tới, ngoài sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, để phát triển giáo dục và đào tạo, trước hết, tỉnh Đắk Nông luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng phát triển bền vững, ưu tiên nguồn lực phù hợp để phát triển giáo dục; chủ động đề xuất với Trung ương trong việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành các chính sách phát triển giáo dục phù hợp với tình hình của địa phương; kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo.

Để thực hiện hiệu quả các vấn đề trên, tỉnh tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, ưu tiên xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển. Có cơ chế, chính sách phát triển giáo dục ngoài công lập phù hợp với xu thế và điều kiện của địa phương. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong giáo dục, đào tạo.

Thứ hai, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đảm bảo “Kỷ cương-Tình thương-Trách nhiệm”.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

Giáo dục tỉnh Đắk Nông đạt được nhiều kết quả quan trọng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Ảnh: Báo Đắk Nông

Giáo dục tỉnh Đắk Nông đạt được nhiều kết quả quan trọng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Ảnh: Báo Đắk Nông

Thứ tư, chỉ đạo ngành giáo dục đẩy mạnh phân cấp cho các cơ sở giáo dục, trao quyền chủ động và trách nhiệm trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường. Đổi mới toàn diện và đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tập trung nguồn lực đầu tư, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.

Thứ sáu, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn; đáp ứng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ bảy, đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, đảm bảo mục tiêu kép vừa thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học, vừa đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao hình thành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thứ tám, tăng cường công tác truyền thông giáo dục, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của đội ngũ nhà giáo, CBQL và sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông sẽ chỉ đạo sát sao các Sở, Ban, ngành chức năng nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong ngành giáo dục trong thời gian qua.

Đồng thời, kiến nghị với Trung ương, các Bộ, ngành liên quan quan tâm, xem xét bổ sung biên chế, nguồn vốn đầu tư công để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ... để ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, bà có gửi gắm chia sẻ gì với các thầy cô giáo và các em học sinh, bà đặt kỳ vọng như thế nào đối với sự phát triển của ngành giáo dục nói chung và giáo dục tỉnh Đắc Nông nói riêng trong năm 2024?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, cũng là năm kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông, với ý chí và quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thay mặt lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, tôi trân trọng gửi lời tri ân sâu sắc, những tình cảm nồng thắm và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên và hơn 187 ngàn học sinh trên toàn tỉnh.

Xin được tri ân công lao, đóng góp của các thế hệ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục; chúc các em học sinh chăm ngoan, hiếu thảo, ham học, phấn đấu là công dân có ích cho quê hương, đất nước.

Năm 2023, ngành giáo dục diễn ra trong bối cảnh kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên và toàn ngành đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023. Những kết quả đạt được trong năm qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi đưa giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bước sang năm mới 2024, tôi mong muốn và đề nghị tất cả các lực lượng làm công tác giáo dục cần chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa công cuộc đổi mới giáo dục, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà và động lực thúc đẩy giáo dục Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng Đắk Nông của chúng ta ngày càng phát triển, cường thịnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà với cuộc trò chuyện đầu Xuân Giáp Thìn!

Phạm Minh (thực hiện)