Thiếu thông tin công khai quy mô đào tạo ĐH, trường nói do chuyên viên sơ suất

27/02/2024 06:36
Tường San

GDVN- Trong báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh không có thông tin quy mô đào tạo đại học.

Thu nhập bình quân/tháng của cán bộ giảng có xu hướng tăng

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tại báo cáo thu nhập bình quân trong 2 năm gần đây của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), thu nhập bình quân/tháng của toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường có xu hướng tăng.

Mức thu nhập của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Mức thu nhập của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Đình Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) cho biết, có nhiều lý do khiến thu nhập bình quân/tháng của cán bộ giảng viên nhà trường có xu hướng tăng trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu nằm ở một số lý do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, mặc dù mức lương cơ sở vào năm 2021, 2022 chưa được Chính phủ tăng. Tuy nhiên, hàng năm cán bộ nhà trường đều được nâng lương nên có mức lương năm sau cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn tạo điều kiện khuyến khích cán bộ, giảng viên phấn đấu, thi đua để có được đủ các điều kiện được xét nâng lương trước hạn. Đây cũng là một động lực để động viên cán bộ, giảng viên gắn bó lâu dài.

Thứ hai, thu nhập ngoài lương của cán bộ giảng viên nhà trường chủ yếu đến từ tiền công khi tham gia các đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh.

Do các đề tài, dự án của năm 2021 được cấp ít kinh phí vào năm 2021 và được cấp nhiều vào năm 2022 nên đã làm tăng nguồn thu nhập cho cán bộ, giảng viên khi tham gia vào những đề tài, dự án này vào năm 2022.

Cũng theo thầy Long: "Việc thu nhập giảng viên thấp đang là tình trạng chung tại nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập trên cả nước với nguồn ngân sách nhà nước cấp eo hẹp và có xu hướng giảm dần hàng năm, cơ cấu nguồn thu chủ yếu đến từ thu học phí và đặc biệt là không được tăng học phí trong 3 năm gần đây.

Chính vì vậy, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện thu nhập cho cán bộ, giảng viên.

Tuy nhiên, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) luôn đề ra nhiều chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học tiếp tục cống hiến cho Nhà trường như có chính sách hỗ trợ kinh phí khi giảng viên có công bố bài báo quốc tế, tăng mức chi phúc lợi ngày lễ Tết, ngày kỷ niệm, có chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao đến làm việc tại Nhà trường,…".

Bên cạnh đó, trong báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của trường năm học 2021-2022, trường chỉ công khai về thông tin quy mô đào tạo sau đại học chứ không có thông tin công khai quy mô đào tạo đại học.

Ảnh chụp màn hình báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021-2022 của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Ảnh chụp màn hình báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021-2022 của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Lý giải nguyên nhân vì sao có tình trạng trên, thầy Long cho biết: "Vào tháng 6 năm 2022, Phòng Đào tạo của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) được giao nhiệm vụ cập nhật công khai quy mô đào tạo sinh viên đại học và quy mô đào tạo sau đại học.

Phòng đã thực hiện đầy đủ các biểu tổng hợp và in đầy đủ các bảng biểu theo quy định. Tuy nhiên, do sơ suất của chuyên viên khi cập nhật thông tin nên đã xảy ra tình trạng thiếu thông tin như trên.

Sau khi nhận được thông tin từ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ngày 09/01/2024, Phòng Đào tạo đã kiểm tra lại bản gốc báo cáo công khai vào thời điểm tháng 6/2022 và đã cập nhật bổ sung đầy đủ về quy mô đào tạo đại học và sau đại học tại biểu 18A trên website của nhà trường".

Quy mô đào tạo thạc sĩ giảm, tiến sĩ lại tăng

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, so sánh quy mô đào tạo sau đại học, có thể thấy, số người học hệ thạc sĩ của trường đang có xu hướng giảm nhưng quy mô người học tiến sĩ lại có xu hướng tăng qua các năm.

Quy mô đào tạo sau đại học trong 2 năm học gần đây của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Quy mô đào tạo sau đại học trong 2 năm học gần đây của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Lý giải về việc quy mô số người học thạc sĩ của trường đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây, thầy Long cho hay, hiện nay, số lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng đào tạo trình độ thạc sĩ có cùng ngành học với nhà trường đang ngày càng tăng, do đó, người học cũng ngày càng có nhiều cơ hội để lựa chọn trường hơn.

Hơn nữa, qua tìm hiểu, nhà trường nhận thấy rằng, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học thường có nhu cầu tìm việc làm ngay thay vì tiếp tục học lên trình độ cao hơn.

Ngoài ra, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, nhiều người học lựa chọn phương án đi du học trình độ sau đại học có xu hướng gia tăng cũng là một trong những lý do khiến số người học thạc sĩ của trường giảm trong những năm gần đây.

Còn đối với việc số lượng người học trình độ tiến sĩ đang có xu hướng tăng qua các năm, thầy Long cho rằng, năng lực đào tạo của nhà trường đang không ngừng tăng lên cùng đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng đều hàng năm đã khiến đội ngũ tham gia học chương trình tiến sĩ của trường tăng.

Không những vậy, việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học làm cho nhu cầu người học trình độ tiến sĩ tăng lên; nhà trường cũng được nhiều giảng viên tại một số trường đại học trong cả nước lựa chọn tham gia học tập.

Thêm nữa, chất lượng đào tạo tiến sĩ luôn được nhà trường chú trọng cùng mức học phí hợp lý cũng là lý do khiến quy mô người học trình độ này có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên từ báo cáo công khai liên quan đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo đại học của trường những năm gần đây cho thấy, trường đã 3 năm liền không có giảng viên cơ hữu là giáo sư.

Hơn nữa, tổng số giảng viên cơ hữu toàn trường đang có xu hướng giảm, từ 280 người (năm học 2020-2021) xuống 268 người (năm học 2021-2022) và tiếp tục giảm xuống còn 256 người (năm học 2022-2023).

Về vấn đề này, thầy Long chia sẻ, kể từ ngày thành lập đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa có giảng viên là giáo sư nên khó để có sự so sánh và nêu ra được những thách thức.

Tuy nhiên, với xu thế cần phải tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ cao, có học hàm, học vị, trường luôn tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tích cực nghiên cứu, công bố các đề tài, công bố bài báo khoa học, … để đủ điều kiện đăng ký tiêu chuẩn phong hàm phó giáo sư.

Bên cạnh đó, trường cũng có chính sách hỗ trợ, động viên các ứng viên giáo sư với kinh phí hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ là 70 triệu đồng/người.

Hơn nữa, ngay sau khi giảng viên được phong học hàm phó giáo sư, nhà trường cũng nhanh chóng làm thủ tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ xét đặc cách thăng hạng và bổ nhiệm chức danh giảng viên cao cấp cũng như đưa ra đề xuất khen thưởng cho những giảng viên này.

Về chính sách thu hút, với điều kiện và khuôn khổ tài chính cho phép, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) cũng có mức thu hút giảng viên chất lượng cao, thu hút nhân tài. Cụ thể, mức thu hút đối với phó giáo sư nếu cam kết làm việc với nhà trường trong 7 năm là 70 triệu đồng/người.

Tường San