Lãnh đạo Viện Hàn lâm KH&CN VN: Đội ngũ trí thức nước ta đã tiệm cận quốc tế

13/02/2024 06:33
Doãn Nhàn

GDVN -Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức.

LTS: Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò to lớn của đội ngũ trí thức đối với phát triển kinh tế – xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ trí thức, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức sáng tạo, cống hiến cho Tổ quốc. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII.

Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xung quanh chủ đề này.

pgs-tran-anh-tuan-5253.png
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 27), theo ông đội ngũ trí thức Việt Nam đã có bước phát triển như thế nào, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ?

Phó giáo sư Trần Tuấn Anh: Với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức.

Nhìn tổng thể, đội ngũ trí thức Việt Nam dần phát triển lớn mạnh, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Về trình độ, đội ngũ trí thức nhìn chung đã đáp ứng dần tiệm cận yêu cầu hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, trong nhiều lĩnh vực đã đạt được trình độ khu vực và quốc tế; chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học; là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

hoinghitkvienhanlam2.JPG.jpg
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024”. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Phóng viên: Tháng 11/2023, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45).

Để tăng cường tiềm lực các nhà khoa học theo tinh thần Nghị quyết mới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có kế hoạch ra sao để triển khai?

Phó giáo sư Trần Tuấn Anh: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, việc Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 45 về việc tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức thể hiện sự quan tâm đặc biệt, xuyên suốt của Đảng đến đội ngũ trí thức và nhận thức đúng đắn về vai trò của đội ngũ trí thức với sự phát triển của đất nước.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao. Để thực hiện chức năng được giao, Viện Hàn lâm đã sớm xây dựng Chiến lược phát triển của mình. Ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Ngay sau khi Nghị quyết 45 được ban hành và quán triệt, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã phân công trong lãnh đạo Viện lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch thực hiện trong Viện Hàn lâm, trong đó đặc biệt chú trọng vào việc chủ động xây dựng Đề án tăng cường năng lực Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất Đảng và Chính phủ cho phép tổ chức thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù.

Phóng viên: Về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong những năm qua Viện đã có những chính sách gì để thu hút, hỗ trợ và phát triển đội ngũ các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ?

Phó giáo sư Trần Tuấn Anh: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện Hàn lâm đã chủ động xây dựng và thực hiện nhiều chủ trương và giải pháp để thu hút, hỗ trợ và phát triển đội ngũ các nhà khoa học.

z4736268081806_46657ae4e0c1f84781a4e0b052359d8f.jpg
Được biết, năm 2023 là năm thứ ba triển khai Chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ vào công tác tại Viện và đã thu hút được 15 cán bộ trẻ tham gia. Kết quả sau 3 năm triển khai, chương trình thu hút được 52 cán bộ trẻ tham gia. Trong ảnh là Tiến sĩ trẻ Ngô Ngọc Hải (áo đỏ, thuộc Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng chuyên gia nghiên cứu nước ngoài trong một chuyến khảo sát thực địa. Ảnh: Viện Hàn lâm Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bắt đầu từ năm 2018, Viện Hàn lâm đã triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ các nghiên cứu viên cao cấp để nắm bắt các xu thế mới, lĩnh vực mới trong khoa học và công nghệ; xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc trong từng lĩnh vực chuyên môn sâu để phát triển lĩnh vực chuyên môn; xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành, đa ngành để giải quyết các vấn đề có tính chất đa ngành, liên ngành.

Viện luôn chú trọng hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ cho các cán bộ khoa học trẻ; đã có những chính sách thích hợp nhằm thu hút cán bộ khoa học trẻ, giỏi như ưu tiên xét tuyển viên chức, ưu tiên tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học; đặc biệt Viện đã xây dựng chương trình thu hút các cán bộ trẻ tài năng, ưu tiên dành riêng cho cán bộ khoa học trẻ, giỏi dưới 40 tuổi; ưu tiên trong việc đào tạo tại nước ngoài; có chính sách hỗ trợ, khen thưởng đối với các công bố quốc tế và quốc gia có chất lượng tốt.

Viện Hàn lâm cũng luôn tạo điều kiện để cán bộ nữ, cán bộ dân tộc phát huy năng lực trong công tác nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học. Hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học đều có cán bộ nữ tham gia, nhiều cán bộ nữ là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ, ngành và cấp Nhà nước. Nhiều nhà khoa học nữ đã nhận nhiều giải thưởng như học bổng L’Oreal dành cho các nhà khoa học nữ dưới 40 tuổi; giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, giải thưởng Kovalevskaia và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Đối với việc giải quyết nhà ở đối với cán bộ trẻ, Đảng ủy, lãnh đạo Viện đã thống nhất chủ trương xây dựng Khu ươm tạo trong khuôn viên của Viện Hàn lâm. Năm 2017, Khu ươm tạo được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ khoa học trẻ chưa lập gia đình của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm được vào ở với giá ưu đãi. Từ năm 2018 đến nay, đã có 699 lượt cán bộ trẻ được hỗ trợ chỗ ở tại Khu ươm tạo của Viện Hàn lâm.

Qua triển khai áp dụng khung cơ chế, chính sách ưu đãi mới để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm Viện Hàn lâm đã thu được nhiều kết quả như: nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cấp Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và tương đương; nhiều cán bộ khoa học trẻ được Bộ giáo dục và Đào tạo công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh học hàm, được nhận giải thưởng cao quý; thông qua chương trình Postdoc, nhiều chủ nhiệm đề tài là các nhà khoa học trẻ đã được xét tiếp nhận vào biên chế, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp tục được củng cố và phát triển.

traogiailoreal20232.JPG.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi (áo dài màu vàng) - Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 1 trong 3 nhà khoa học nữ Việt Nam xuất sắc đoạt giải thưởng L’Oréal-UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science). Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
htnutrithuc5.jpg
Phó giáo sư Trần Tuấn Anh trao Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho các nữ cán bộ khoa học của Viện Hàn lâm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư các năm 2021, 2022. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Phóng viên: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ cả nước. Xin ông hãy chia sẻ một số thành tựu nổi bật mà đội ngũ trí thức Viện Hàn lâm đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước thời gian qua?

Phó giáo sư Trần Tuấn Anh: Viện Hàn lâm là đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ hàng đầu của cả nước, có vị trí đầu tàu trong hệ thống khoa học công nghệ quốc gia, thực hiện nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ. Trong suốt 49 năm hình thành và phát triển, đội ngũ trí thức của Viện Hàn lâm đã có rất nhiều thành tựu đóng góp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể điểm qua một số thành tựu như:

Viện Hàn lâm luôn tiên phong đề xuất và chủ trì, thực hiện tốt các nhiệm vụ mang tầm cấp quốc gia và quốc tế: xây dựng trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam đến năm 2020”, tham gia xây dựng “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030”; triển khai thành công các nội dung lớn của Chiến lược như thành lập Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; chủ trì thực hiện thành công dự án vệ tinh “Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát Tài nguyên Thiên nhiên, Môi trường và Thiên tai – VNREDSat-1”. Việc chế tạo được các vệ tinh nhỏ là một dấu mốc quan trọng trong việc chinh phục không gian, khẳng định tiềm lực quốc gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Tập thể các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chế tạo và phóng thành công vệ tinh PicoDragon (2013), MicroDragon (2019) và Nano Dragon do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo và đã được phóng lên quỹ đạo ngày 9/11/2021.

phong-11-5-1636420023116.jpg
Vệ tinh NanoDragon được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Hình ảnh vệ tinh NanoDragon được phóng vào vũ trụ bởi tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản sáng ngày 9/11/2021. Ảnh: JAXA

Điều tra cơ bản là một thế mạnh truyền thống. Viện Hàn lâm đã chủ trì thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Quốc gia như Chương trình Tây Nguyên 1, 2, 3, Chương trình khoa học và công nghệ biển trong nhiều giai đoạn, Chương trình Atlas quốc gia..., Chương trình Vũ trụ 2016-2020, qua đó khẳng định sự phát triển của Viện và đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Viện Hàn lâm đã chủ động, tích cực tham gia trong công tác tư vấn thẩm định, cung cấp các cơ sở khoa học vững chắc về những vấn đề lớn, có tính cấp bách của quốc gia, các vấn đề nóng của xã hội như điện hạt nhân, động đất Sông Tranh, Formosa, cách mạng 4.0, vấn đề nhận chìm chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, cháy nhà máy bóng đèn Rạng Đông. Viện cũng đã tham gia tích cực trong xây dựng các văn kiện, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp ý về chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường, quốc phòng – an ninh, tư vấn cho Chính phủ về việc thực hiện các công ước quốc tế và Nghị định thư. Các ý kiến tư vấn được Chính phủ và các Bộ ngành địa phương đánh giá cao.

Viện Hàn lâm luôn thực hiện tốt chức năng nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng triển khai công nghệ của quốc gia.

Trong 10 năm gần đây, Viện Hàn lâm luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, số lượng các công trình công bố của Viện tăng đều trung bình hàng năm với tỷ lệ cao, từ 15 - 25%/ năm, đến nay đã đạt được trên 2000 công bố/năm. Hai Trung tâm quốc tế dạng II về Toán học và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO và bắt đầu hoạt động từ năm 2018. Điều này thể hiện năng lực, uy tín quốc tế của Viện trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về toán học và vật lý .

Số lượng bằng sở hữu trí tuệ đã có bước tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2015-2020, có 209 bằng sở hữu trí tuệ (trong đó có 6 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế), tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2010-2015 . Năm 2020 và 2021, Viện được Clarivate trao giải thưởng "Dẫn đầu về đổi mới sáng tạo năm 2020, 2021" trong nhóm các tổ chức nghiên cứu của Chính phủ (cùng Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Singapore) tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Viện Hàn lâm đang quản lý 12 tạp chí chuyên ngành quốc gia. Sau gần 5 năm tập trung nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và xuất bản bằng tiếng Anh, đến nay 6/12 tạp chí đã nằm trong danh mục quốc tế Web of Sciences và Scopus trên tổng số 14 tạp chí của Việt Nam được xếp hạng (tháng 1/2024), 7 tạp chí đạt tiêu chuẩn khu vực ACI .

Là một trong những đơn vị chủ chốt đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao cho đất nước. Với 3 cơ sở đào tạo (Học viện Khoa học và Công nghệ , Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội - USTH và Viện Toán học) đạt trình độ quốc tế, Viện Hàn lâm đã và đang cung cấp nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho phát triển đội ngũ trí thức.

dioxin.2.jpg
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia cùng Bộ Quốc phòng xử lý sinh học thành công hơn 7000 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay A So, xã Đông sơn, Huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế (năm 2023). Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Phóng viên: Trong thời gian gần đây, liêm chính khoa học là một vấn đề được giới khoa học bàn luận rất sôi nổi. Về phía Viện Hàn lâm, việc thực hành liêm chính khoa học đã và đang được quán triệt ra sao?

Phó giáo sư Trần Tuấn Anh: Liêm chính khoa học luôn được lãnh đạo và toàn thể các nhà khoa học trong Viện Hàn lâm hết sức quan tâm và thực hiện tốt. Đảng ủy Viện Hàn lâm đã ban hành Nghị quyết nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thu hút cán bộ trẻ và phát triển nhóm nghiên cứu xuất sắc, trong đó yêu cầu cấp ủy các cấp lãnh đạo, quán triệt nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học, tập trung nêu rõ tính liêm chính, đạo đức khoa học, đặc biệt là tính trung thực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thông lệ quốc tế.

Như đã trao đổi ở trên, trong rất nhiều năm, Viện Hàn lâm luôn là một trong những đơn vị đứng đầu về số công bố (79%) trên các tạp chí quốc tế có uy tín, với tỷ lệ công trình công bố quốc tế là 1,9 công trình/1 tiến sĩ/1 năm, tương đương với năng lực công bố của nhiều nước tiên tiến.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, ông có kỳ vọng ra sao đối với đội ngũ các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ?

Phó giáo sư Trần Tuấn Anh: Với sự quan tâm ngày càng cao của Đảng, Nhà nước đối với phát triển đội ngũ trí thức, tôi tin tưởng rằng đội ngũ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ sẽ phát huy tốt các tiềm năng, nhiệt tình cống hiến và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhân dịp năm Giáp Thìn 2024, tôi xin chúc các nhà khoa học, các đồng nghiệp một năm mới tràn đầy nhiệt huyết và nhiều thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và đào tạo.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Ông!

Doãn Nhàn