Nữ tiến sĩ đam mê nghiên cứu công nghệ vật liệu mới với hơn 40 bài báo khoa học

13/02/2024 06:37
Việt Dũng

GDVN - Dù chỉ mới 34 tuổi, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh đã có hơn 40 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín trong nước, quốc tế.

Sau hơn 10 năm gắn bó, nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh – Trưởng nhóm nghiên cứu Vật liệu Hóa, Sinh và Môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 40 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín trong nước, quốc tế.

Với nhà khoa học nữ sinh năm 1990 thì phương châm làm nghiên cứu khoa học chính là kiên trì và hợp tác.

Đam mê nghiên cứu công nghệ vật liệu mới

Là người đam mê nghiên cứu đến lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng cho các công trình nghiên cứu.

Từ khi còn là sinh viên, học viên rồi trở thành nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thùy Linh đã có các nghiên cứu nhận được bằng khen, giấy khen rồi đạt giải Ba, giải Nhất cho các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc dành cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong năm 2023, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh đã có 12 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế (vai trò là tác giả chính trong 5 công bố) với điểm IF (chỉ số ảnh hưởng) trung bình là 5,3, và trong năm 2021, 2022, cô cũng có 31 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí có uy tín của quốc tế, với điểm IF trung bình là 5,1.

Ngoài ra, Thùy Linh còn tham gia giảng dạy với vai trò thỉnh giảng tại khoa Y và Trường Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

NHTLinhDHQGTPHCMb.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh, nhà khoa học đam mê nghiên cứu công nghệ vật liệu mới (ảnh: NVCC)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, Tiến sĩ Thùy Linh cho hay, đầu tiên là việc tiếp cận các kiến thức mới, có những hạn chế về trang thiết bị máy móc, và sự phát triển nhanh đến mức chóng mặt của các đồng nghiệp trong và cả ngoài nước là những điều mà các nhà khoa trong nước, và cũng chính bản thân Linh luôn phải đối mặt trong quá trình nghiên cứu khoa học.

“Trong hành trình đã qua, những thách thức như vậy không làm tôi nản chí, bởi khó khăn đã giúp tôi nhận ra niềm đam mê nghiên cứu của mình, những hạn chế của bản thân, suy nghĩ vượt qua những gì đã làm, và hướng đến những thử thách mới, cao hơn” – Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh khẳng định.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dù có quá trình học tập hoàn toàn ở trong nước, nhưng những kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Thùy Linh đã có hiệu quả rất tốt.

Phó Giáo sư Đoàn Lê Hoàng Tân đưa ra dẫn chứng là bằng các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Tiến sĩ Thùy Linh, số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế có uy tín.

Thầy Đoàn Lê Hoàng Tân nhận xét: "Tiến sĩ Thùy Linh rất đam mê nghiên cứu khoa học, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, biết phát triển đội ngũ, nhóm nghiên cứu và đào tạo cho các nhân sự trẻ kế cận"

Tác giả của một chương sách quốc tế chuẩn ISSN

Ngoài việc có nhiều bài báo khoa học được công bố tại nhiều tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều bài báo là tác giả chính, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh còn là tác giả của cả một chương sách quốc tế chuẩn ISSN (Green Sustainable Process for Chemical and Environmental Engineering and Science) do Nhà Xuất bản Elsevier ra mắt năm 2021.

Những tưởng rằng con đường mà Tiến sĩ Thùy Linh chọn chỉ có thể là nghiên cứu, tuy nhiên trong giai đoạn tạm nghỉ vì dịch Covid-19 đã gợi ra cho Thùy Linh nhiều ý tưởng mới.

Sau giai đoạn này, Thùy Linh đã nhận ra rằng, khoa học là phải chia sẻ, nghiên cứu và phải kết hợp cả việc giảng dạy.

NHTLInhDHQGTPHCM.jpg
Nguyễn Hồ Thùy Linh nhận giải thưởng Quả Cầu vàng năm 2023 (ảnh: ĐHQG TPHCM)

“Nếu có giảng dạy sẽ giúp cho những người làm nghiên cứu khoa học củng cố, không ngừng cập nhật kiến thức. Nếu mãi làm những việc quen thuộc, thì bản thân có thể sẽ bị thụt lùi” – Tiến sĩ Thùy Linh chia sẻ.

Sau đại dịch, Thùy Linh đã nhận hướng dẫn cả sinh viên thực tập, để trau dồi khả năng chia sẻ, dẫn dắt. Cho đến năm 2021, Thùy Linh đã thành lập Nhóm nghiên cứu vật liệu Hóa – Sinh và Môi trường với 5 thành viên, gồm cả sinh viên và học viên cao học.

Nhằm giúp cho các thành viên yên tâm làm công tác nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh chủ động tìm kiếm kinh phí, tạo ra những cơ hội để các bạn thành viên được độc lập tìm hiểu, tự đề xuất các hướng nghiên cứu, cũng như chính bản thân Linh sẽ trao đổi với các bạn khi thành viên trong nhóm gặp khó khăn.

Với những thành tích rất nổi bật trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, năm 2023 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh đã đạt giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu vàng do Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh công bố.

Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh chia sẻ cảm tưởng của mình sau khi nhận giải thưởng cao quý này: “Đây chính là giải thưởng đã ghi nhận những nỗ lực, kết quả mà Linh đem lại trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, Linh nghĩ rằng giá trị lớn nhất mà giải thưởng này mang lại chính là cơ hội kết nối với các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực trong nước. Qua đó, Linh có thể trao đổi, mở rộng cơ hội hợp tác, nghiên cứu liên ngành, nâng cao chất lượng các công bố”.

Trong thời gian sắp đến, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh sẽ phát triển các nhóm nghiên cứu thông qua các công bố quốc tế, đồng thời tiến hành đào tạo các nhân sự kế thừa. Tiến sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh cũng hy vọng rằng, cô có thể đưa những kết quả nghiên cứu vào thực tế, và tiếp cận thêm nhiều loại vật liệu mới.

Việt Dũng