Giá dịch vụ giáo dục đào tạo được tính theo công thức nào?

24/02/2024 06:33
Kim Minh Châu

GDVN - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Khi dự thảo Thông tư này được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Theo đó, dự thảo Thông tư áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan); các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đối tượng khác tham gia đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ dịch vụ giáo dục đào tạo từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.

Còn đối với các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc lực lượng vũ trang, cần thực hiện theo quy định đặc thù của từng lĩnh vực và quy định của pháp luật liên quan.

ht28,3.png
Trước đó, ngày 28/09, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội nghị góp ý xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 về việc hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ảnh: Mộc Hương

Dự thảo nêu rõ mục tiêu và nguyên tắc xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật. Theo đó, định mức kinh tế - kỹ thuật là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện kế hoạch, xây dựng, phê duyệt đơn giá, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý kinh tế trong hoạt động giáo dục đào tạo theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tiết kiệm.

Các cơ sở giáo dục công lập xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục; xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo để thực hiện các dịch vụ giáo dục đào tạo do cơ sở giáo dục cung cấp.

Thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ để hoàn thành việc giáo dục đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành.

Về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Căn cứ vào tình hình thực tế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, các cơ sở giáo dục có thể phân loại định mức kinh tế kỹ thuật theo các nhóm sau:

Thứ nhất là, định mức kinh tế - kỹ thuật cấp Bộ: Đây là định mức kinh tế - kỹ thuật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các dịch vụ giáo dục đại học để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thuộc quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thứ hai là, định mức kinh tế - kỹ thuật cấp địa phương: Đây là định mức kinh tế - kỹ thuật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các ngành, nghề thuộc dịch vụ giáo dục mầm non và phổ thông, dịch vụ giáo dục trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm, dịch vụ giáo dục thường xuyên của địa phương để áp dụng trong phạm vi các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trực thuộc địa phương.

Thứ ba là, định mức kinh tế - kỹ thuật cấp cơ sở: Đây là định mức kinh tế - kỹ thuật do các cơ sở giáo dục xây dựng, thẩm định và ban hành, phục vụ cho hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục.

Thứ tư là, định mức kinh tế - kỹ thuật theo 05 nhóm Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Dựa vào phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng định mức thành phần gồm định mức lao động, định mức thiết bị, định mức vật tư, định mức cơ sở vật chất.

Về phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt theo cấp học, nhóm ngành và chương trình đào tạo và được điều chỉnh khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.

Công thức tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo như sau:

Giá dịch vụ giáo dục đào tạo = Chi phí tiền lương + Chi phí vật tư + Chi phí quản lý + Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định (tích lũy đầu tư) + Chi phí, khác + Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

Trong đó, các chi phí được xác định như sau:

Chi phí tiền lương:

Đây là các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí tiền lương = Định mức lao động
(Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (giảng dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý; phục vụ...)
x Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công
(Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể)

Chi phí vật tư:

Là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư.

Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật như sau: Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật;

Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

Đơn giá vật tư được dùng để tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể:

- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định cộng (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

- Đối với vật tư mua ngoài: Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp;

Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết cộng (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng: Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất kho cộng (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công cộng (+) chi phí gia công cộng (+) các chi phí hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,… phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

gdvn-gio-day-8894.jpg
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Chi phí quản lý

Đây là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm: chi phí tuyển sinh; Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu (nếu có);

Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung, ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí hợp lý khác.

Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định:

Đây là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục đào tạo do cấp có thẩm quyền quy định.

Chi phí khác: gồm thuế môn bài, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.

Và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

Dự thảo lấy ý kiến đến hết ngày 5/4/2024. Chi tiết dự thảo, độc giả xem Tại đây.

Kim Minh Châu