Đầu năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4774/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành chương trình và giao nhiệm vụ đào tạo chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật y sinh cho Trường Quốc tế.
Như vậy, trong năm 2024, Trường sẽ tổ chức triển khai tuyển sinh ngành học mới – ngành học có nhiều triển vọng, ngành học liên ngành có gắn bó mật thiết với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh là chương trình thuộc lĩnh vực đào tạo mới, có tính liên ngành, tích hợp với các ngành/ lĩnh vực đang đào tạo tại Trường Quốc tế để hoàn thành các vòng tròn và mô hình đào tạo.
Chương trình được xây dựng dựa trên một chiến lược phát triển bền vững về nhân sự, cơ sở vật chất và hướng nghiên cứu thế mạnh của Trường, với nền tảng là các hướng nghiên cứu/nhóm nghiên cứu về y sinh, công nghệ thông tin và điện tử y sinh của Khoa Các khoa học ứng dụng và Trung tâm Y sinh và Sức khoẻ cộng đồng.
Công nghệ kỹ thuật y sinh hiện nay là lĩnh vực có nhiều triển vọng, xu thế phát triển mạnh ở khu vực và trên thế giới cùng nhu cầu, cơ hội việc làm cao.
Chương trình được xây dựng và phát triển phù hợp cho các học viên tốt nghiệp đại học các ngành/ nhóm ngành về Kỹ thuật y sinh, Khoa học y sinh, Sinh học, Sinh học ứng dụng, sư phạm sinh học, các ngành thuộc nhóm Y học, các ngành thuộc nhóm Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y sinh học thể dục thể thao, và ngành/nhóm ngành liên quan đến về Y - sinh – dược và Khoa học sự sống, công nghệ và kỹ thuật ứng dụng trong sức khoẻ...
Thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh trang bị cho người học ba khối kiến thức và kỹ năng: Y sinh học phân tử (tế bào gốc, di truyền y học...), ứng dụng IT và AI/IoT trong sức khoẻ, và Điện tử y sinh.
Những kiến thức và kỹ năng này giúp người học có lợi thế cạnh tranh cao trong quá trình xin việc cũng như phù hợp việc làm của thị trường lao động.
Đội ngũ giảng viên giảng dạy trong chương trình là các chuyên gia/giảng viên cơ hữu chất lượng, kinh nghiệm, được đào tạo bài bản ở nước ngoài về lĩnh vực Kỹ thuật y sinh và y sinh học phân tử, gồm 01 giáo sư tiến sĩ, 01 phó giáo sư tiến sĩ, và 9 tiến sĩ, trong đó có Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuận – cha đẻ của ngành Kỹ thuật y sinh ở Việt Nam.
Tham gia giảng dạy còn có các chuyên gia, doanh nghiệp về Kỹ thuật y sinh và Sinh y học phân tử trong hệ sinh thái Đại học Quốc gia Hà Nội, các đối tác trong và ngoài nước như Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ Phacogen, Công ty Cổ phần dịch vụ phân tích di truyền – GENTIS, Trường Đại học Quốc gia Thành Công Đài Loan (Trung Quốc).
Học viên cũng có cơ hội được học tập và hướng dẫn nghiên cứu với các chuyên gia nước ngoài ở EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài ra, chương trình thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh được xây dựng, phát triển với các nhóm nghiên cứu liên quan đến sức khoẻ của Trường Quốc tế, trong đó có 02 nhóm trong 36 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hàng năm, các nhóm này thực hiện khoảng 10 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố khoảng 30 công trình WoS/Scopus và 10 sách/chương sách quốc tế uy tín liên quan đến sức khoẻ và y sinh.
Trường Quốc tế có môi trường học tập và nghiên cứu hội nhập, chuyên nghiệp, năng động. Trường cũng tự hào là đơn vị nằm trong top 3 các đơn vị có năng lực nghiên cứu và công bố tốt nhất trong Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tốt nghiệp chương trình, người học có nhiều cơ hội việc làm, thăng tiến trong sự nghiệp và đặc biệt cơ hội nhận học bổng trao đổi hoặc tiến sĩ sang học tập tại các trường đối tác của Trường Quốc tế về lĩnh vực Kỹ thuật y sinh, Công nghệ thông tin và AI ứng dụng trong sức khoẻ, y sinh.