ĐHQGHN thêm môn ngoại ngữ vào tổ hợp thi đánh giá năng lực năm 2025

29/02/2024 06:22
Minh Chi

GDVN -Kỳ thi Đánh giá năng lực ngày càng lan tỏa, duy trì ổn định hằng năm, cung cấp nguồn tuyển chất lượng đầu vào đại học bằng kỳ thi này.

Ngày 28/2/2024, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội do Giám đốc Lê Quân chủ trì đã có buổi làm việc với Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội về hoạt động của Trung tâm giai đoạn 2016 - 2024 và định hướng phát triển 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Gần 80 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu mối triển khai các kỳ thi Đánh giá năng lực cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2021, Trung tâm đã tổ chức thi 150.840 lượt thi. Bên cạnh các trường/khoa của Đại học Quốc gia Hà Nội, số trường đại học, ngành đào tạo dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh bằng kết quả bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng tăng, trong đó phải kể đến các trường khối quân đội. Tính đến thời điểm này, trong cả nước đã có gần 80 cơ sở giáo dục đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội làm phương án xét tuyển.

z5057734463090_1e88f4c18c811254626da73650c72b94.jpg
Thí sinh dự thi kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngoài ra, hằng năm, Trung tâm Khảo thí tổ chức thi kết thúc học phần trên máy tính cho gần 30.000 lượt sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội thi học phần Kinh tế Chính trị, Triết học Mác - Lênin, Nhà nước và Pháp luật đại cương, các học phần của các khoa, trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2023, Trung tâm Khảo thí chuẩn hóa các tài liệu ấn phẩm liên quan đến kỳ thi chuẩn hóa Đánh giá năng lực như đăng ký quyền tác giả quy trình tổ chức thi Đánh giá năng lực, đăng ký sáng chế quy trình tổ chức kỳ thi chuẩn hóa trên máy tính; công bố kết quả nghiên cứu ứng dụng bài thi Đánh giá năng lực trên 03 tạp chí khoa học quốc gia.

Từ năm 2023, căn cứ kho dữ liệu kỳ thi Đánh giá năng lực, Trung tâm Khảo thí thực hiện gửi báo cáo tư vấn giáo dục bậc trung học phổ thông cho các sở Giáo dục và Đào tạo phía Bắc (Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…). Kỳ thi ngày càng lan tỏa, duy trì ổn định hằng năm, cung cấp nguồn tuyển chất lượng đầu vào đại học bằng kỳ thi Đánh giá năng lực.

Không ngừng đổi mới và tiên phong trong lĩnh vực khảo thí của cả nước

2 (1).jpg
Giám đốc Trung tâm Khảo thí Nguyễn Tiến Thảo phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VNU

Tại buổi làm việc với Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Nguyễn Tiến Thảo cho biết, từ năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Khảo thí xây dựng đề án tổ chức thi các học phần chung thuộc khối kiến thức chung (M1) trong chương trình đào tạo bậc đại học. Nhiệm vụ này không có trong chức năng nhiệm vụ của Quy chế tổ chức hoạt động ban hành mà thực hiện do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giao. Hai học phần Kinh tế Chính trị và Triết học Mác - Lênin được tổ chức thi trên máy tính cho toàn bộ sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Song song với đó, Trung tâm Khảo thí xây dựng đề án tổ chức môn thi Đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ năm 2021 trở lại đây, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực đa mục đích trong đó có tuyển sinh đại học. Do đó, bài thi được thiết kế đánh giá năng lực người học theo thông lệ quốc tế. Bài thi đánh giá 3 nhóm năng lực theo chính: (i) Sáng tạo và giải quyết vấn đề; (ii) Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; (iii) Tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội). Dạng thức chung của bài thi Đánh giá năng lực (HSA) gồm 3 phần, 150 câu hỏi thi: Tư duy định lượng, Tư duy định tính và Khoa học.

1(1).jpg
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VNU

Tại buổi làm việc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nhấn mạnh về trách nhiệm của Trung tâm là cần tiên phong, đi đầu trong cả nước về công tác khảo thí. Năm 2024, Trung tâm Khảo thí cần giữ ổn định kỳ thi Đánh giá năng lực như năm 2023, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ thông tin cho kỳ thi Đánh giá năng lực, đảm bảo an toàn, đồng bộ về dữ liệu và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh khi đăng ký và tham dự kỳ thi. Thời gian tới, Trung tâm cần có giải pháp phân luồng khu vực hoặc kéo dài thời gian đăng ký ca thi để đảm bảo không có thí sinh không đăng ký được hoặc mất quá nhiều thời gian để đăng ký.

Đặc biệt, Trung tâm cần phối hợp với Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng các chính sách về học bổng, thu hút các thí sinh dự thi và thu hút sinh viên theo học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, hoặc trao danh hiệu cho các thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi khi đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Qua việc gắn với các tỉnh phối hợp tổ chức thi để truyền thông lan tỏa kết quả thí sinh đạt điểm cao và các chính sách học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội dành cho thí sinh….

Về kế hoạch kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2025, Trung tâm Khảo thí cần tiên phong trong công tác khảo thí của cả nước về cấu trúc bài thi, cách thức thực hiện, tổ hợp bài thi,… Bài thi phục vụ xét tuyển đầu vào cho các trường trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, Trung tâm cần căn cứ vào thực trạng xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học, học viện khi có ký kết sử dụng kết quả thi của Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm hỗ trợ thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi Đánh giá năng lực có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn học bổng khác nhau.

Năm 2025, Trung tâm cần tăng quy mô số lượng đợt thi và thời gian mở cổng đăng ký thi cho thí sinh, đặc biệt thí sinh có thể tham gia thi nhiều lần với nhiều lựa chọn khác nhau theo khả năng của bản thân.

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn 2045, căn cứ vào nguồn lực hiện có và chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng, Trung tâm Khảo thí xác định mục tiêu và nhóm các nhiệm vụ, trong công tác thi Đánh giá năng lực. Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực theo cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực áp dụng từ năm 2025 để duy trì ổn định lâu dài.

Bên cạnh đó, xây dựng bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào khối ngành khoa học sức khỏe và kiểm tra chứng chỉ nghề nghiệp đội ngũ cán bộ bác sĩ y khoa; Xây dựng công cụ khảo thí tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực người lao động phục vụ doanh nghiệp tuyển dụng; Tổ chức các kỳ kiểm tra đánh giá các chương trình đào tạo chuyên biệt; Xây dựng ngân hàng câu hỏi và phối hợp tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức của các bộ, ban, ngành và các cơ quan nhà nước; Tổ chức thi bài thi ngoại ngữ phục vụ học sinh, sinh viên trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội; Duy trì phát triển hoạt động kiểm tra đánh giá sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội dựa trên các thành tựu khoa học công nghệ đo lường tiên tiến; Phát triển công cụ kiểm tra đánh giá quá trình học sinh bậc trung học phổ thông và sinh viên đại học.

Về hoạt động tư vấn hỗ trợ và khoa học công nghệ, gắn hoạt động thi, kết quả và dữ liệu kỳ thi với địa phương, doanh nghiệp phục vụ hoạt động tư vấn giáo dục, đào tạo, đào tạo nghề; tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao công nghệ khảo thí, đo lường tiên tiến trên thế giới; xây dựng bộ công cụ kiểm tra đánh giá trên không gian đổi mới sáng tạo và phát triển các loại hình dịch vụ khảo thí đo lường.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức liên kết đào tạo với các tổ chức khảo thí thế giới SAT, ACT, IELTS, TOEFT, TOEIC…

Nhấn mạnh thêm về công tác khảo thí, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị, trong năm 2025, sẽ áp dụng thêm môn ngoại ngữ vào tổ hợp thi Đánh giá năng lực để phục vụ kỳ thi chung và đảm bảo cho các trường xét tuyển. Trung tâm phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng phương án tổ chức tốt nhất cho thí sinh.

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ, đồng hành trong các công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo chuẩn hóa kỳ thi đánh giá năng lực nhằm xây dựng Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành tổ chức khảo thí uy tín trong nước và thế giới.

Tại buổi làm việc các chuyên gia về công nghệ thông tin, đào tạo, tổ chức cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã đưa ra các giải pháp hữu ích để Trung tâm Khảo thí dần khẳng định vị thế thương hiệu và nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyên môn trong thời gian tới.

Minh Chi