Cần trả IELTS về đúng vị trí, vai trò của nó

02/03/2024 06:42
Kim Minh Châu

GDVN - Không có quốc gia nào sử dụng IELTS hay chứng chỉ ngoại ngữ làm cốt lõi của chính sách giáo dục công.

Trước tình trạng một số địa phương trên cả nước thực hiện không đúng quy định về tuyển thẳng khi tuyển sinh vào lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông trên địa bàn theo đúng quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT.

Các tỉnh, thành phải dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 với thí sinh có giải học sinh giỏi tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS.

Chứng chỉ IELTS không đánh giá hết khả năng của học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Hiện nay, trong Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông số 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ nhóm đối tượng được tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên.

Quy định trên là thống nhất, đồng nghĩa với việc các tỉnh, thành cũng phải thực hiện đúng. Nhưng vì đã xuất hiện một số đơn vị thực hiện không đúng, nên việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh là điều đương nhiên”.

tranxuannhi-giaoduc-net-vn-1998.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Thùy Linh.

Chia sẻ thêm về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa chứng chỉ ngoại ngữ IELTS trở thành một trong những tiêu chí tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ hoàn toàn đồng tình với quy định này.

“Trong chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện nay được xây dựng với nhiều môn học khác nhau.

Nếu xét tuyển thẳng, ưu tiên cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, đồng nghĩa với việc tuyển thẳng, ưu tiên cộng điểm cho học sinh có năng lực ngoại ngữ - tiếng Anh tốt.

Tuy nhiên, tiếng Anh tốt cũng chỉ là một môn học phản ánh một phương diện năng lực của học sinh. Nếu học sinh không học các môn học khác mà chỉ tập trung ôn thi IELTS để được tuyển thẳng, thì cũng chưa chắc đã đánh giá được toàn diện thực lực của học sinh đó. Chưa chắc khi được tuyển thẳng nhờ IELTS, học sinh đã học được, học tốt các môn khác”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm

Trong những năm qua, Lâm Đồng là một trong những địa phương không tuyển sinh vào lớp 10 dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ.

nvm7735.jpg
Cô Phạm Thị Hồng Hải – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chia sẻ về lý do tỉnh này không đưa chứng chỉ IELTS vào làm tiêu chí tuyển thẳng, ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, cô Phạm Thị Hồng Hải – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cho hay: “Bắt đầu từ năm học 2017 – 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã triển khai công tác tuyển sinh vào lớp 10 bằng phương thức xét tuyển trực tuyến nhằm giảm tải thủ tục hành chính và giảm áp lực thi cử cho học sinh cũng như phụ huynh.

Công tác xét tuyển đảm bảo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công khai, minh bạch. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng không thực hiện tuyển thẳng vào lớp 10 đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ (trong đó có IELTS).

Theo quan điểm của chúng tôi, việc sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng, tuyển ưu tiên vào lớp 10 trung học phổ thông là không phù hợp, vì ngoại ngữ chỉ là một môn học bình thường như các môn học khác.

Vì thế, chứng chỉ này chỉ thể hiện, đánh giá được năng lực ngoại ngữ của học sinh, chứ không đánh giá toàn diện được năng lực của các em ở cả những môn học khác”.

Chia sẻ thêm về công tác tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của tỉnh trong thời gian tới, cô Hồng Hải cho biết, tùy vào điều kiện tình hình thực tế của từng địa phương trong tỉnh sẽ có phương thức tuyển sinh phù hợp.

Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đòi hỏi học sinh phải có sự phát triển, phẩm chất và năng lực. Vì thế, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 sao cho phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phù hợp với từng địa phương trong tỉnh, ví dụ như địa bàn thuận lợi sẽ tổ chức thi tuyển còn địa bàn khó khăn sẽ tiếp tục phương án xét tuyển.

Dùng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng là không công bằng đối với học sinh vùng khó khăn

Nhận định về những vấn đề liên quan đến việc đưa chứng chỉ IELTS vào làm tiêu chí tuyển thẳng, ưu tiên tuyển sinh cho học sinh lớp 10 trung học phổ thông, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường đào tạo IELTS và giá trị công nhận quốc tế của loại chứng chỉ này đã tạo nên “cơn sốt”, dẫn đến sự bùng nổ của việc luyện và thi chứng chỉ IELTS.

Điều này khiến IELTS dần trở thành một điểm mốc giáo dục và nhiều tỉnh thành cũng đưa ra các chính sách tuyển thẳng với những học sinh chuyển cấp.

thay-Tam-1.jpg
Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm. Ảnh: Phenikaa School

“Việc chương trình ngoại ngữ chính khoá không luyện thi IELTS nhưng lại dùng chứng chỉ này làm tiêu chí tuyển thẳng, ưu tiên đã dẫn tới nhiều tranh cãi như hiện nay.

Một số nhận định cho rằng, học sinh đạt điểm IELTS cao thường là những em học tốt các môn học còn lại. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào gắn năng lực ngoại ngữ tương đồng với sự vượt trội ở các năng lực học tập khác.

Bên cạnh đó, chi phí để luyện thi IELTS vốn là một con số không hề nhỏ. Bởi về cốt lõi, luyện thi IELTS cần có nguồn lực về học liệu, phương tiện hỗ trợ học tập, và cơ hội để tiếp cận dịch vụ đào tạo chất lượng với giáo viên tốt.

Với học sinh không có điều kiện tài chính, việc mua tài liệu, đề luyện thi, có máy tính để thực hành các bài tập nghe, đọc, là một gánh nặng chi phí nói chung.

Đặc biệt, việc không có nguồn lực để học sinh được tiếp cận với dịch vụ đào tạo chất lượng và giáo viên tốt mới là rào cản bất bình đẳng lớn nhất. Vì không phải vùng nào cũng được “phủ sóng đào tạo luyện thi IELTS” với giáo viên có đủ năng lực, phẩm chất.

Các học sinh có đủ điều kiện tài chính để học và thi IELTS cũng thường là nhóm có lợi thế về đầu tư giáo dục. Và các học sinh ở những tỉnh, thành lớn sẽ có ưu thế rõ rệt hơn so với các bạn ở vùng khó khăn” – Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm nhận định.

Thực hiện Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 và hướng dẫn các cơ sở giáo dục tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 –2024 đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định, trong đó không cộng điểm khuyến khích học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh vào lớp 10.

Theo thầy Đinh Trung Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu: “Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 – 2025 và dự kiến tiếp tục không cộng điểm khuyến khích đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo tôi, quy định không xét tuyển thẳng các chứng chỉ ngoại ngữ (trong đó có chứng chỉ IELTS) khi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý.

Vì hiện nay, như Lai Châu là một tỉnh có học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn (trên 86%), điều kiện dạy và học ngoại ngữ còn nhiều khó khăn. Nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sẽ ít có điều kiện tham gia học, ôn luyện các chứng chỉ ngoại ngữ. Quy định thống nhất cũng giúp đảm bảo công bằng cho học sinh”.

ad3312e4e0cd347c669439dd9921907fIMG_0954vui-mung-tuu-truong (1).jpg
Tỉnh Lai Châu có trên 86% học sinh là người dân tộc thiểu số nên ít có điều kiện tham gia học, ôn luyện các chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu

Như vậy, có thể thấy việc một số tỉnh, thành sử dụng giải học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS để tuyển thẳng hoặc ưu tiên cho học sinh khi tuyển sinh vào lớp 10 là không đúng quy định, đã gây ra nhiều tranh cãi.

Còn chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm cho hay: “Không phủ nhận chất lượng và giá trị của kỳ thi IELTS, nhưng tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần trả IELTS về đúng vị trí, vai trò của nó, là thang đo năng lực tiếng Anh được quốc tế công nhận, nhằm định hình các quyết định về du học, nhập cư, làm việc.

Chứng chỉ này có giá trị quy đổi với các thang đo năng lực Anh ngữ khác để đa dạng hoá lựa chọn cho học sinh nhưng không có giá trị nào khác với học thuật nói chung.

Theo tôi, quy định không đưa IELTS vào tuyển thẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phù hợp, tránh tạo tiền lệ sử dụng các chứng chỉ không có tính phổ cập.

Và nhìn rộng ra, thì cũng không có quốc gia nào sử dụng IELTS hay chứng chỉ ngoại ngữ làm cốt lõi của chính sách giáo dục công”.

Điều 7, Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT 2019 hợp nhất Quy chế tuyển sinh trung học phổ thông quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên như sau:

1. Tuyển thẳng vào trung học phổ thông các đối tượng sau đây:

a) Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú;

b) Học sinh là người dân tộc rất ít người;

c) Học sinh khuyết tật;

d) Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

2. Đối tượng được cộng điểm ưu tiên

Sở giáo dục và đào tạo quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10, gồm:

a) Nhóm đối tượng 1:

- Con liệt sĩ;

- Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;

- Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;

- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”;

- Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

- Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

b) Nhóm đối tượng 2:

- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;

- Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;

- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.

c) Nhóm đối tượng 3:

- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;

- Người dân tộc thiểu số;

- Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Kim Minh Châu