Trường Đại học Điện lực là trường đại học công lập đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Tiền thân của Trường Đại học Điện lực là Trường Kỹ nghệ Thực hành được thành lập năm 1898. Sau đó Trường được tách thành Trường Kỹ thuật I và trường Kỹ thuật II.
Tháng 8/1962, Trường Kỹ thuật I đổi tên thành Trường Trung Cao Cơ điện và đến ngày 08/02/1966, Bộ Công nghiệp nặng quyết định tách Trường Trung Cao Cơ điện thành Trường Trung học Kỹ thuật Điện và trường Trung học Cơ khí.
Đến tháng 7/1997, Bộ Công nghiệp quyết định đổi tên thành trường Trung học Điện 1. Tháng 04/2000, Bộ Công nghiệp quyết định hợp nhất Trường Trung học Điện 1 và Trường Bồi dưỡng Tại chức thành Trường Trung học Điện 1 thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Ngày 26/10/2001, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập Trường Cao đẳng Điện lực trên cơ sở Trường Trung học Điện 1; sau 5 năm xây dựng và phát triển, ngày 19/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học Điện lực trên cơ sở Trường Cao đẳng Điện lực.
Ngày 24/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định số 10268/QĐ-BCT về việc chuyển Trường Đại học Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương.
Cơ sở chính của Trường Đại học Điện lực có địa chỉ tại số 235 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Cơ sở thứ hai của trường nằm ở Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội.
Hiện, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Điện lực là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ; và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu giữ chức Quyền Hiệu trưởng nhà trường.
Theo thông báo Công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2023-2024, nhà trường hiện có tổng số 452 giảng viên, trong đó có 4 giáo sư, 43 phó giáo sư, 180 tiến sĩ, 217 thạc sĩ và 8 giảng viên trình độ đại học.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Điện lực thực hiện các nhiệm vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu của thực tiễn đặt ra và nghiên cứu các lĩnh vực thế mạnh bao gồm: hệ thống kỹ thuật trong các nhà máy điện, trạm điện và đường dây truyền tải điện; hệ thống đo lường, điều khiển, bảo vệ, giám sát và truyền tin trên diện rộng; vấn đề liên quan đến cơ khí, chế tạo và xây dựng điện;....
Về hợp tác quốc tế, nhà trường thực hiện hoạt động hợp tác liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài như Viện Grenoble, Đại học Khoa học và Công nghệ (Pháp), Đại học Curtin, Học viện Chisholm (Úc), Đại học Bách khoa Prague (Séc), Đại học Palermo (Ý),…
Mở rộng nhiều ngành/chuyên ngành đào tạo mới
Trong 6 năm trở lại đây, Trường Đại học Điện lực bắt đầu tuyển sinh và đào tạo thêm một số ngành/chuyên ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình mới.
Cụ thể, năm 2018, trường bắt đầu đào tạo các ngành mới là: Kiểm toán, Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Quản lý năng lượng, Kỹ thuật nhiệt, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Năm 2019, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Thương mại điện tử. Năm 2020, Trường Đại học Điện lực không mở ngành học mới nào.
Vào năm 2021, Trường Đại học Điện lực tiếp tục mở ngành đào tạo Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Hai năm gần đây, nhà trường duy trì tuyển sinh và đào tạo các ngành học, không mở thêm ngành mới.
Theo thông báo Công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học năm học 2023-2024, tính đến ngày 31 tháng 7 năm 2023, Trường Đại học Điện lực có quy mô 13072 sinh viên thuộc đại học chính quy, 1477 vừa làm vừa học, 33 tiến sĩ và 363 thạc sĩ.
Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh đáng chú ý
Từ năm 2019 đến năm 2021, trường thực hiện 3 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển bằng kết quả học tập của bậc trung học phổ thông (học bạ trung học phổ thông); Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh ban hành theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2022, Trường Đại học Điện lực bổ sung thêm phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cụ thể, thí sinh có điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 80/150 trở lên, điểm xét tuyển được quy về thang điểm 30 như sau: Điểm xét tuyển = Điểm đánh giá năng lực * 30/150 + Điểm ưu tiên.
Đặc biệt, năm 2023 vừa qua, nhà trường sử dụng thêm một phương thức tuyển sinh là xét tuyển kết hợp.
Nhóm 1 là những thí sinh kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả học tập (học bạ) qua 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển. Nhóm 2 là những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn lại trong tổ hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, mới đây, theo thông báo phương án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Điện lực vừa dự kiến sẽ có 4 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như sau:
Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Điện lực vẫn duy trì sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển là: A00 (Toán, Vật lý, Hoá học); A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh); D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh).
Biến động chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn một số ngành qua các năm
Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Điện lực, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cập nhật biểu đồ thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường và chỉ tiêu của các ngành hot nhất qua các năm:
Theo số liệu nêu trong đề án tuyển sinh, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là ngành luôn có số chỉ tiêu nhiều nhất của Trường Đại học Điện lực. Con số dao động trong khoảng từ 480 (năm 2020) đến 550 sinh viên (năm 2023).
Có số lượng chỉ tiêu đứng ở vị trí thứ hai là ngành Công nghệ thông tin với 450 chỉ tiêu trong năm 2020 và đạt 480 (năm 2023).
Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Điện lực, các ngành Thương mại điện tử; Quản lý công nghiệp; Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử;... luôn nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất.
Dưới đây là biểu đồ so sánh biến động điểm chuẩn giữa các ngành đào tạo đại học chính quy có điểm trúng tuyển cao nhất trong 5 năm trở lại đây, theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông:
Từ năm 2019 đến năm 2020, ba ngành học Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử và Quản lý công nghiệp đều giữ nguyên không đổi mức điểm chuẩn. Cụ thể, nếu ngành Công nghệ thông tin ổn định ở 16.50 điểm, thì Thương mại điện tử và Quản lý công nghiệp đều có chung điểm là 14.00.
Đối với Công nghệ thông tin, đây là một trong số những ngành học luôn nằm trong top có điểm trúng tuyển cao nhất toàn trường. Vào năm 2021, ngành này đạt mức điểm chuẩn cao nhất là 24.25. Sau đó, trong hai năm học kế tiếp, điểm chuẩn của Công nghệ thông tin giảm dần còn 24.40 và 23.25.
Đáng chú ý, ngành Thương mại điện tử mới bắt đầu tuyển sinh vào năm 2019 và chỉ có điểm chuẩn dao động trong khoảng 14.00. Nhưng trong 3 năm trở lại đây, điểm chuẩn ngành này có xu hướng tăng, cụ thể là 23.50 điểm từ 2021; và trở thành ngành có điểm trúng tuyển cao nhất Trường Đại học Điện lực vào năm 2023 (đạt 24.00).
Kế tiếp sau đó là ngành Quản lý công nghiệp cũng có điểm chuẩn tăng dần qua từng năm. Từ năm 2020-2022, ngành học này có điểm trúng tuyển lần lượt là 14.00, 17.00 và 20.50. Riêng năm vừa qua, Quản lý công nghiệp đạt điểm trúng tuyển là 23.50, đứng vị trí cao thứ hai toàn trường.