ĐH Tài nguyên và Môi trường HN thêm phương thức xét tuyển để đa dạng chất lượng

05/03/2024 06:25
Phạm Thi

GDVN - Năm 2024, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (HUNRE) có thêm phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy. 

Cụ thể 6 phương thức xét tuyển năm 2024 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội như sau:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương thức 2: Xét tuyển đặc cách theo quy định của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Phương thức 4: Xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ trung học phổ thông).

Phương thức 5: Xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024.

Phương thức 6: Xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024.

hieu truong hunre.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

Về lý do có thêm phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Đây là năm đầu tiên nhà trường đưa phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội vào đề án tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh của nhà trường đã trao đổi, thảo luận về quy trình tổ chức kỳ thi, nội dung và chất lượng của bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội qua các năm tổ chức gần đây và tham khảo kinh nghiệm của các trường Đại học đã sử dụng phương thức này. Từ đó cho thấy bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có cấu trúc và nội dung phù hợp để đánh giá kiến thức trung học phổ thông, đánh giá tư duy của thí sinh phục vụ cho công tác tuyển sinh trình độ đại học.

Trên cơ sở đó, hội đồng tuyển sinh của nhà trường đã thống nhất đưa phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 để xét tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy của trường. Qua đó, nhằm tăng cơ hội cho thí sinh trúng tuyển vào trường và đa dạng thêm chất lượng người học cho nhà trường.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, thông qua việc mở rộng phương thức xét tuyển, nhà trường kỳ vọng số lượng thí sinh đăng ký vào trường sẽ tăng lên, cơ hội trúng tuyển vào trường cao hơn, qua đó giúp nhà trường nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng theo thầy Huy, căn cứ vào số lượng hồ sơ, nguyện vọng xét tuyển của thí sinh và số lượng trúng tuyển nhập học theo từng phương thức tuyển sinh của các năm tuyển sinh trước, năm 2024 nhà trường đưa ra chỉ tiêu cho từng phương thức cụ thể nhằm đảm bảo mục tiêu tăng cơ hội vào ngành học mà các thí sinh mong muốn, cùng với đó chất lượng đầu vào của nhà trường được cải thiện.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội tại trụ sở chính ở Hà Nội cụ thể như sau:

a1.jpg
b.jpg
c.jpg

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội tại phân hiệu Thanh Hóa cụ thể như sau:

12.jpg

Theo thông báo tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm nay nhà trường tuyển 3.350 chỉ tiêu. Trong đó, tại trụ sở chính ở Hà Nội tuyển 3.280 chỉ tiêu. Tại phân hiệu Thanh Hóa, nhà trường chỉ tuyển 70 chỉ tiêu. Quản lý đất đai là ngành tuyển nhiều chỉ tiêu nhất với 440 sinh viên, tiếp theo là ngành Quản lý Tài nguyên môi trường 340 chỉ tiêu.

Về nội dung này, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ thêm: "Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được nhà trường tính toán, phân bổ căn cứ vào các quy định hiện hành liên quan đến công tác tuyển sinh. Bên cạnh đó nhà trường cũng kế thừa kết quả tuyển sinh và nguyện vọng xét tuyển của thí sinh được tổng hợp qua số liệu của các năm trước, trong đó, Quản lý đất đai và Quản lý Tài nguyên môi trường là những ngành truyền thống của trường, có kinh nghiệm đào tạo lâu năm và có đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, tâm huyết với nghề.

Đồng thời đây là những ngành gắn với công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy việc đào tạo nguồn nhân lực của những ngành này rất cần thiết đối ngành Tài nguyên Môi trường và xã hội nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, cùng với đó là việc triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua".

Về thuận lợi và khó khăn trong công tác tuyển sinh đại học năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy bày tỏ, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường là trường đại học công lập chính quy trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nên luôn được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ chủ quản để nhà trường phát triển. Đồng thời, nhà trường có truyền thống gần 70 năm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên môi trường và xã hội, cùng với đó thương hiệu và uy tín của trường ngày càng được khẳng định trong những năm gần đây, thông qua việc thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo, môi trường học tập năng động, nghiêm túc, thái độ phục vụ thân thiện.

Bên cạnh những thuận lợi nêu, công tác tuyển sinh của trường cũng gặp một số khó khăn nhất định trong việc tuyển sinh một số ngành đặc thù. Vì vậy nhà trường mong muốn nhà nước có cơ chế đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với những ngành thiết yếu nhưng khó tuyển khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mở rộng chính sách ưu đãi tín dụng đối với sinh viên…

9f39d1cf-634f-453f-b41f-825cda4b1483.jpg
Sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC

Ngoài ra, thầy Huy cũng chia sẻ thêm các đối tượng được xét tuyển thẳng vào đại học theo ngành phù hợp như sau:

Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng và đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cử đi; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng và đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hiệu trưởng căn cứ kết quả học tập cấp trung học phổ thông của thí sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định nhận vào học những trường hợp quy định dưới đây (trường hợp cần thiết thí sinh phải học 01 năm bổ sung kiến thức trước khi vào học):

Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, có khả năng theo học một số ngành do cơ sở đào tạo quy định nhưng không có khả năng dự tuyển theo phương thức tuyển sinh bình thường.

Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

Thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực Tiếng Việt đáp ứng quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đối tượng được ưu tiên xét tuyển là các thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải tư trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia; thời gian đoạt giải không 27 quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển, đã tốt nghiệp trung học phổ thông thì Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho vào học theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải.

Được biết, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có tầm nhìn đến năm 2035 trở thành trường đại học định hướng đổi mới sáng tạo, đa ngành hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và liên quan. Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành hàng đầu khu vực về lĩnh vực tài nguyên môi trường và liên quan.

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, chịu sự quản lý quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, được thành lập theo Quyết định số 1583/2010/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Trường là cơ sở đào tạo đa ngành với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường và nhu cầu xã hội ở trình độ thạc sỹ, đại học; từ trung ương, địa phương, các doanh nghiệp đến cộng đồng.

Phạm Thi