Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết về một số vấn đề bất cập khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không được tổ chức, quản lý thống nhất theo ngành dọc và đề xuất trao thêm quyền cho Bộ. Nhiều ý kiến chuyên gia, người trong cuộc đã có thêm ý kiến đóng góp về vấn đề liên quan.
Trách nhiệm ngành giáo dục nặng nề nhưng quyền "tự quyết" lại hạn chế
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, xét về tổng thể với cơ chế hiện tại, vẫn sẽ có một số bất cập khi ngành giáo dục không được quản lý theo ngành dọc. Trong đó, các hạn chế đến từ quá trình vận hành, ngành này bị hạn chế quyền “tự quyết” đối với cả lĩnh vực tài chính lẫn con người.
Qua đó, vị lãnh đạo này nêu ra một số dẫn chứng của tình trạng thừa thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều địa phương trong những năm gần đây, điều này có phần nguyên nhân đến từ việc ngành giáo dục đang “phụ thuộc” rất lớn vào cơ chế phân bổ, điều chuyển giáo viên được thực hiện bởi một cơ quan khác. Trong khi ngành giáo dục là đơn vị nắm rõ nhất “thực trạng” của chính mình nhưng lại phải đi đề xuất cho những thứ mình thấy thiếu, thấy bất cập đó.
Bên cạnh đó, đối với việc bổ nhiệm, xếp lương cũng vậy, vị này cho rằng hiện ngành giáo dục cũng đang thiếu tính “chủ động” trong giải quyết quyền lợi cho giáo viên dẫn đến việc thu hút nguồn lực cho ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Vị này cũng nêu quan điểm: “Trong bất kỳ một cơ chế hoạt động nào của bộ máy nó sẽ có những ưu điểm, nhược điểm nhất định.
Xét trên góc độ của sở giáo dục và đào tạo, nếu ngành giáo dục được trao quyền đối với khâu quản lý thì chúng tôi cũng mong muốn được chủ động đối với việc bổ nhiệm các lãnh đạo của phòng giáo dục và đào tạo và thủ trưởng các trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non trên địa bàn.
Nghĩa là, Sở cũng phải có thẩm quyền trong việc quản lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị giáo dục hiện nay. Về việc này, hiện nay việc xét bổ nhiệm lãnh đạo, tính định mức biên chế giáo viên đang do một đơn vị khác đảm nhiệm”.
Qua đó, vị lãnh đạo này bày tỏ rằng, nếu ngành giáo dục được trao quyền quản lý theo ngành dọc thì có thể tạo ra một số đột phá trong việc giải quyết một số bất cập đang tồn tại hiện nay. Tuy nhiên theo vị này, nó cần phải có lộ trình và những bước đi thận trọng nếu được thực thi.
“Trước mắt, khi chưa có thay đổi lớn nào trong cơ chế chính sách hiện tại, ngành giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có những quyết sách, chiến lược mới để hoạt động của ngành có thể linh hoạt được với các điều kiện thực tế đang diễn ra.
Trong đó, đối với việc phân cấp cho các đơn vị trực thuộc, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã “giao hẳn” về kinh phí chi thường xuyên, kinh phí đầu tư và con người cho các đơn vị này.
Sau đó các đơn vị này sẽ chủ động trong việc trình đề án, Sở sẽ kiểm định và phê duyệt, khi nào được bố trí vốn, Sở sẽ bàn giao cho các đơn vị đó ngay.
Lâu nay chúng ta cứ đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục ở các địa phương nhưng trên thực tế, chúng ta giao nhiều trách nhiệm chứ chưa giao quyền nhiều cho họ.
Việc mà Sở Giáo dục và Đào tạo đang làm chính là giao quyền cho người đứng đầu đối với những đơn vị mà Sở đang quản lý để họ có thể chủ động trong mọi việc.
Để làm được việc này thì bộ phận phía trên phải nắm rõ các kế hoạch, các quy chế. Trong quá trình thực hiện lãnh đạo Sở cũng phải rà lại các quy chế đó,. Người đứng đầu các đơn vị sẽ theo đó để thực hiện, tránh việc khi gặp khó khăn lại nói rằng do Sở chưa hướng dẫn”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Về đề xuất cần xem xét, đánh giá trao thêm quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến vấn đề nhân sự, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, cá nhân ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất này.
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, mà hai nội dung rất quan trọng là nhân sự và tài chính thì hiện nay ngành giáo dục lại không được chủ động.
“Hiện chúng ta đã có quy định sĩ số tối đa trên mỗi lớp ở các cấp học là bao nhiêu em, tính ra là có bao nhiêu lớp rồi căn cứ vào hệ số giáo viên dạy trên mỗi lớp sẽ ra số giáo viên cần sử dụng. Cái cần quan tâm nhất là nên đảm bảo chế độ thật tốt cho thầy cô giáo. Điều này sẽ đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” – ông Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, việc giao quyền chủ động về bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự ngành giáo dục theo ngành dọc chắc chắn sẽ có rất nhiều thuận lợi cho ngành.
“Việc này giúp cho ngành nắm chắn chắn sẽ có nguồn giáo viên trong tay, được chủ động điều phối thầy cô từ địa phương thừa sang nơi thiếu, tất nhiên là phải có kèm theo những chế độ, chính sách thích hợp” – ông Nguyễn Văn Ngai nói tiếp.
Đối với tài chính, đây cũng là một yếu tố quan trọng mà ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng để đảm bảo ngành giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu.
Nhiều địa phương dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ chi hợp lý (tối thiểu chi 20% ngân sách dành cho giáo dục) đã dẫn đến việc ngành giáo dục và đào tạo của một số địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai các hoạt động của ngành.
Ngành giáo dục đang có nhiều thuận lợi để đề xuất có tính khả thi
Cũng đồng quan điểm, ông Dương Văn Dân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc giao quyền tự chủ tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục sẽ có rất nhiều thuận lợi. Lúc đó ngành sẽ rất chủ động, tự quyết định về biên chế của mình trong số lượng biên chế được giao mà không phải tính toán chung với biên chế của những ngành khác trong quận như hiện nay.
Về cách giao biên chế cho ngành, ông Dương Văn Dân chia sẻ rằng có thể dựa trên sĩ số học sinh, sĩ số lớp và hệ số giáo viên/lớp để tính toán. Hiện nay, ngành giáo dục đang có một thực tế là giảm đi 2 người mà chỉ cho tuyển thêm 1 người là rất khó đảm bảo công việc. Ngành giáo dục có một đặc thù rất riêng, học sinh đông, nên không thể áp dụng tinh giản biên chế giống ngành khác.
Cùng liên quan đến đề xuất trên, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo ở tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc được chủ động về con người và tài chính không chỉ riêng ngành giáo dục mà nhiều ngành khác cũng mong muốn. Nếu được quản lý theo ngành dọc thì hiện ngành giáo dục cũng đang có những thuận lợi nhất định để việc đề xuất này mang tính khả thi.
“Mấu chốt của việc này là phải rõ được định mức cho con người và tài chính cho ngành giáo dục trong điều kiện thực tế hiện nay đang cần là bao nhiêu. Nếu ngành khác đóng vai trò quản lý thì dù ngành giáo dục có chủ động thì vẫn trong định mức đó cũng không thể chủ động, thay đổi được nhiều”, vị này bày tỏ.
Trước băn khoăn nếu thực hiện “quy về một mối” thì với nhân lực hiện nay ở các đơn vị chuyên môn ở địa phương có đáp ứng được? Về việc này lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cho hay: “Về cơ bản các đơn vị sẽ đáp ứng được khi được giao nhiệm vụ.
Bởi lẽ, hiện nay các Sở Giáo dục và Đào tạo đều có đầy đủ các phòng ban chức năng để thực hiện (cụ thể ở Sở có Phòng Tổ chức cán bộ và Phòng Tài chính). Bên cạnh đó, ở cấp huyện còn có Phòng Giáo dục và Đào tạo với số lượng biên chế tương đương như các phòng ban khác cùng cấp và ít hơn so với phòng Tài chính.
Theo thông tư hướng dẫn vị trí việc làm mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản đáp ứng được. Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ thêm cần tính toán bổ sung thêm biên chế gắn với vị trí việc làm”.
Qua đó, vị này cũng nêu lưu ý: “Đối với các huyện diện tích rộng, nhiều cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên lớn thì cần tính toán số biên chế phòng giáo dục và đào tạo tương ứng để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc này cần dựa trên cơ sở tính toán, cân đối chung giữa các đơn vị khi điều chuyển nhiệm vụ để không làm phát sinh tăng biên chế chung. Đồng thời, các nội dung thực hiện cần có lộ trình đánh giá tính hiệu quả, điều chỉnh cho phù hợp”.