Chuyên gia cảnh báo về áp lực, bất công, lãng phí khi nở rộ nhiều kỳ thi riêng

11/03/2024 06:17
Ngân Chi

GDVN-Nở rộ quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng, dễ khiến thí sinh đối mặt thêm áp lực, kéo theo lò luyện thi, gây lãng phí, tốn kém.

Mùa tuyển sinh năm 2024, tiếp tục có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố phương thức tuyển sinh mới - tổ chức kỳ thi riêng. Hiện nay, ngoài hai kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; còn có những kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức...

Năm nay, có thêm Trường Đại học Cần Thơ sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) với 7 môn thi độc lập để tuyển sinh.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, việc nở rộ quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

GDVN_ảnh mh.JPG
Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Kỳ thi riêng nở rộ, tăng áp lực, gây tốn kém, lãng phí

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhìn nhận: “Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hay các kỳ thi đánh giá đầu vào đại học... tùy từng cơ sở đào tạo và được gọi chung là các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học, những năm gần đây gần như đã trở thành một xu hướng khi ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức.

Thực chất, theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh, do đó, các trường căn cứ trên quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng đề án tuyển sinh, nếu xét về góc độ quy định của pháp luật, thì hoàn toàn được phép tổ chức các kỳ thi riêng. Bởi vậy, ban đầu, chỉ có một số ít trường thực hiện, nhưng càng về sau, lại càng nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng. Có một số cơ sở đào tạo không tổ chức kỳ thi riêng nhưng lại sử dụng kết quả của các kỳ thi riêng của cơ sở đào tạo khác để làm căn cứ tuyển sinh.

Ưu điểm của các kỳ thi riêng này là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển; đồng thời, cũng giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn sinh viên cho mình. Bởi, đối với mỗi khối ngành hay mỗi cơ sở đào tạo đều sẽ có những đặc thù đào tạo riêng nên sẽ hướng đến đòi hỏi những kỹ năng riêng ở sinh viên. Tổ chức kỳ thi riêng là hướng đến mục đích đó. Thứ nữa, các kỳ thi đánh giá năng lực này bao giờ cũng diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cho nên các thí sinh cũng có cơ hội cọ xát nhiều hơn”.

z5219142049501_3719fa7c2bef9df5f4f5d005f5707669.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng chỉ ra nhược điểm của các kỳ thi riêng này: “Một mặt, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt chất lượng và hiệu quả, giảm tải cho thí sinh, cố gắng để cùng một kỳ thi, các trường có thể sử dụng kết quả xét tuyển. Như vậy, khi nở rộ các kỳ thi riêng, sẽ làm mất đi ý nghĩa này của kỳ thi tốt nghiệp.

Mặt khác, theo tôi, việc nở rộ các kỳ thi đánh giá năng lực sẽ dẫn đến tình trạng tăng áp lực cho thí sinh. Tại sao tôi nói tăng áp lực cho thí sinh? Đương nhiên, bây giờ có những trường tổ chức thi theo hình thức trực tiếp, có những trường tổ chức theo hình thức trực tuyến. Nhưng việc có quá nhiều trường mở ra kỳ thi riêng sẽ rất dễ gây mệt mỏi cho thí sinh, bởi các em có thể tham gia những kỳ thi của rất nhiều trường vì muốn tăng cơ hội, tăng tỉ lệ có thể đỗ vào ngành mình yêu thích.

Trong khoảng thời gian mà các trường tổ chức kỳ thi riêng thường diễn ra từ đầu tháng 4 cho đến hết tháng 7, cũng là lúc các em cũng đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy mà cùng một lúc, phải ôn luyện cho 2, 3, thậm chí 4 kỳ thi. Tôi được biết, nhiều thí sinh “quay cuồng trong các kỳ thi”.

Một vấn đề nữa, qua theo dõi mấy năm gần đây, có một thực trạng nữa kéo theo các kỳ thi riêng nở rộ là hiện tượng “lò luyện thi” đối với các kỳ thi riêng này cũng được dịp “trăm hoa đua nở” nên nhiều thí sinh mải miết luyện thi. Nêu ra như vậy để thấy áp lực lên thí sinh là vô cùng lớn.

Chưa kể, để tham gia mỗi kỳ thi riêng, thí sinh cũng phải đóng các mức lệ phí thi khác nhau, có trường thu đến 450.000 - 500.000 đồng/lượt. Nếu thí sinh đăng ký thêm nhiều kỳ thi của nhiều trường khác nhau, cũng đồng nghĩa với việc phải chi số tiền lớn hơn”.

Đồng tình với những phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Xu thế nở rộ tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng hiện nay phần nào thể hiện rằng cơ sở giáo dục đại học chưa thực sự tin tưởng vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng không sai quy định. Tuy nhiên, lạm dụng điều này có thể dẫn đến một số hệ lụy:

Thứ nhất, gây bất công ở chỗ các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa thì không có nhiều điều kiện, mà chủ yếu thường là các em ở thành phố mới tham gia được. Qua theo dõi, tôi thấy các cơ sở giáo dục đại học cũng có tổ chức thêm điểm thi trên địa bàn một số tỉnh, song thường là ở các thành phố lớn. Như vậy, vô hình trung lại khiến các em ở vùng không thuận lợi khó có cơ hội tiếp cận hơn.

Thứ hai, nếu ngày càng có nhiều kỳ thi riêng, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển riêng tăng lên, thì chỉ tiêu cho thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại càng giảm, như vậy, điểm chuẩn đối với phương thức này cũng sẽ ngày càng tăng lên. Thí sinh vùng khó khăn lại càng khó tiếp cận với giáo dục đại học.

Thứ ba, khi để quá nhiều kỳ thi riêng mở ra, sẽ xảy ra một tiêu cực là những nơi luyện thi cũng dễ “dựa hơi” mà “mọc lên”.

Một điểm nữa đó là gây tốn kém cho xã hội, cho cả thí sinh và gia đình. Ít ai để con đi thi ở các thành phố lớn một mình, mà thường phải sắp xếp để đưa con em đi, chẳng hạn, một thí sinh thi chừng 4-5 kỳ thi như vậy mà mỗi lần đi cũng rất tốn kém... Nói vậy để thấy là sẽ gây tốn kém rất lớn. Vừa trở thành gánh nặng tài chính cho phụ huynh, vừa gây áp lực cho thí sinh”.

gdvn-thay-dung-213.jpg
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, quá nhiều kỳ thi riêng được tổ chức sẽ gây bất công, lãng phí. Ảnh: Ngân Chi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cũng đề cập thêm: “Đặc biệt, các kỳ thi riêng này được ra đời, không sử dụng chung ngân hàng đề thi với kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của các đại học quốc gia..., mà mỗi trường tự ra đề riêng. Muốn ra đề chuẩn, phải có những người được đào tạo bài bản chuyên sâu về kiểm tra, đánh giá, chứ không thể nào mỗi trường lại để giảng viên tự xây dựng đề. Hơn nữa, giảng viên trong trường đại học cũng không quen với chương trình giáo dục phổ thông, nhất là chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên sẽ không tránh khỏi có những sai số, gần như không đánh giá được năng lực thực chất của học sinh phổ thông”.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng khẳng định: “Luật Giáo dục đại học không cấm các trường tự chủ phương án tuyển sinh, tức là không cấm các trường tổ chức những kỳ thi tuyển sinh riêng. Như vậy, về mặt về mặt pháp lý, các trường không vi phạm; nhưng về mặt chất lượng thì lại có mấy vấn đề như sau:

Thứ nhất, tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng trái với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Điều đó có nghĩa, hướng đến kỳ thi chung gọn nhẹ, giảm phiền hà cho người học và cho phụ huynh. Nếu ngày càng có nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng tức là đang đi ngược lại tinh thần ấy.

Thứ hai, các trường muốn tổ chức kỳ thi riêng, phải chứng minh được là kỳ thi đó sẽ được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức. Bên cạnh đó, đề thi của kỳ thi riêng bây giờ theo xu hướng phải đi vào những vấn đề chuyên sâu, chuyên gia phải thực sự am tường về đo lường, đánh giá trong giáo dục; mà chúng ta thực tế đang rất hiếm những chuyên gia như vậy, nhất là các trường chuyên ngành lại càng không có hoặc thiếu những chuyên gia ấy. Cho nên, nếu các trường cứ tổ chức kỳ thi riêng, chất lượng chưa chắc đảm bảo, mà còn gây phiền hà thêm cho thí sinh....”.

GDVN_bác Khuyến.jpg
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi.

Không nên xem kỳ thi riêng là một trào lưu “trăm hoa đua nở”

Từ những phân tích về hệ lụy khi các kỳ thi riêng “nở rộ”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: “Tôi cho rằng, các trường cần rà soát thật kỹ, nếu thực sự cần thiết phải có một sự đánh giá riêng biệt và thấy rằng chưa thể sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ xét tuyển, thì mới tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên, không nên xem đó là một trào lưu, đua nhau theo kiểu biến kỳ thi riêng trở thành đại trà, mỗi trường một phách”.

Và điều quan trọng nữa, để các trường yên tâm xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng ta phải nâng cao chất lượng kỳ thi, trước mắt là xây dựng ngân hàng đề thi thực sự chất lượng, có tính phân loại rõ ràng hơn...

Tôi mong chúng ta có thể nhìn nhận lại, để kết cấu lại đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tránh tình trạng để “lạm phát điểm số”, phần nào sẽ khiến các trường sẽ không phải chạy theo mở các kỳ thi riêng".

Mặt khác, chúng ta cũng phải rà soát thật kỹ, để kỳ thi diễn ra một cách nghiêm túc, công bằng".

Còn đối với các trường tổ chức kỳ thi riêng, nữ đại biểu cho rằng, bản thân mỗi nhà trường phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội.

Để ngăn tình trạng các trường “chạy đua” theo tổ chức kỳ thi riêng, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng: “Mặc dù luật không cấm, nhưng tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể “thả nổi”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án siết chặt tình trạng trên. Chẳng hạn, yêu cầu các trường làm đề án về phương thức xét tuyển một cách nghiêm túc, đầy đủ, trong đó, đối với việc tổ chức một kỳ thi riêng, trường phải chứng minh được là đủ khả năng tổ chức một kỳ thi tốt hơn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Ngân Chi