Trường Đại học Gia Định nêu lý do mở 4 chuyên ngành mới

07/03/2024 11:40
Thu Trang

GDVN - Năm 2024, Trường Đại học Gia Định đào tạo thêm 04 chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại.

Năm 2024, Trường Đại học Gia Định (GDU) đào tạo thêm 04 chuyên ngành mới: Thiết kế vi mạch; Quản trị tài chính; Quản trị nguồn nhân lực; Xây dựng và Quản trị kênh truyền thông độc lập.

Chuyên ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong 5 đến 10 năm tới

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết, những chuyên ngành mới nhằm mục đích đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong 5 đến 10 năm tới.

Mỗi chuyên ngành sẽ đào tạo chuyên sâu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc cụ thể trong lĩnh vực.

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường

Bên cạnh đó, nhà trường đã có những khảo sát về thị trường cũng như tìm hiểu về mong muốn, nhu cầu của học sinh trung học phổ thông để đưa được 04 chuyên ngành đào tạo mới này.

Việc mở thêm chuyên ngành mới giúp học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội.

Đặc biệt, với chuyên ngành Thiết kế vi mạch, thầy Chung cho biết, chuyên ngành này đang rất cần nhân lực trong 3-5 năm tới vì Việt Nam sẽ trở thành một điểm đầu tư trọng điểm của các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới và đây cũng là ngành nghề mũi nhọn trong tương lai.

Theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn Thành phố Hồ Chí Minh (HSIA), từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch.

Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo trong 5 năm tới, trong lĩnh vực chip bán dẫn sẽ cần 20.000 nhân lực và 10 năm tới nhu cầu nhân lực có thể là 50.000 người từ trình độ đại học trở lên. Nhu cầu về nhân lực không chỉ gói gọn trong thị trường trong nước mà còn thu hút ở các quốc gia lân cận.

Sinh viên theo học Thiết kế vi mạch tại nhà trường sẽ được đào tạo từ kiến thức cơ sở ngành bán dẫn, máy tính, công nghệ thông tin đến các kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch ứng dụng. Sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành như: lập trình thiết kế bằng Verilog, cơ sở điện tử và phân tích mạch, mạch số, thiết kế vi mạch, kiểm thử thiết kế vi mạch trên FPGA…

Sinh viên ngành Công nghệ thông tin trong một giờ học tại giảng đường. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin trong một giờ học tại giảng đường. Ảnh: Website nhà trường

Về học phí, theo Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, 04 chuyên ngành này có mức học phí thấp, dao động từ 14.25 -15 triệu/học kỳ.

Cụ thể chuyên ngành Thiết kế vi mạch có học phí 14.25 triệu/học kỳ, Quản trị nguồn nhân lực có học phí là 14.25 triệu/học kỳ, Quản trị tài chính có mức học phí 14.25 triệu/học kỳ và chuyên ngành Xây dựng – Quản trị kênh truyền thông độc lập là 15 triệu/học kỳ.

Bên cạnh đó, nhà trường đã chuẩn bị chuẩn bị cơ sở vật chất, giảng viên cho công tác tuyển sinh năm 2024, nhà trường có cơ sở được đầu tư trọng điểm và là cơ sở duy nhất của nhà trường để đào tạo tập trung tất cả các em, tránh tình trạng chạy cơ sở.

Cơ sở của Trường Đại học Gia Định có khuôn viên thoáng mát, với nhiều mảng xanh để sinh viên học tập, thư giãn. Nằm gần ngay sân bay Tân Sơn Nhất, thuận tiện cho việc di chuyển, cơ sở mới của trường trở thành không gian học “xanh” giữa lòng Sài thành với đầy đủ các tiện ích để sinh viên học tập, sinh hoạt và rèn luyện.

Ngoài ra, Trường Đại học Gia Định cũng không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Đội ngũ giảng viên là các chuyên gia, giám đốc chương trình ngành với kiến thức, chuyên môn sâu rộng.

Đặc biệt, phần lớn giảng viên của nhà trường đều là giảng viên doanh nhân, vận hành các doanh nghiệp thực, có thể cung cấp cho sinh viên kinh nghiệm, kiến thức thực tế ngay từ sớm.

Không có ngành "hot" mà chỉ có con người "hot"

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, mục tiêu của trường là mở ra những chuyên ngành phù hợp với giới trẻ cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động để các em sau khi học tập tại trường có thể tìm kiếm được việc làm như mong muốn.

"Hiện nay các em học sinh có xu hướng lựa chọn các ngành "hot", tuy nhiên, theo tôi thì không có ngành "hot" mà chỉ có con người "hot". Các em nên cân nhắc và tránh lựa chọn các ngành chạy theo số đông.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia hướng nghiệp, 04 chuyên ngành mới của Trường Đại học Gia Định là những ngành có triển vọng trong tương lai với nhu cầu về nguồn nhân lực cao tại các công ty trong và ngoài nước", Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung chia sẻ.

Đối với chuyên ngành Quản trị tài chính, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành các nhà quản trị tài chính, chuyên viên tài chính, nhân viên kinh doanh, nghiên cứu viên trong các lĩnh vực: quản trị tài chính doanh nghiệp, quản trị tài chính ngân hàng, quản trị tài chính quốc tế.

Với chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực, khi ra trường sinh viên dễ dàng tìm được việc tại các doanh nghiệp với những vị trí, công việc hấp dẫn như: nhân viên hành chính nhân sự, tuyển dụng, giảng viên nội bộ, nhân viên quản lý đào tạo nhân sự.

Đồng thời sẽ có cơ hội thăng tiến lên các chức danh Trưởng/Phó phòng nhân sự, Giám đốc điều hành nhân sự.

Còn cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng – Quản trị kênh truyền thông độc lập rất đa dạng như: nhà sản xuất nội dung đa phương tiện (Content creator), chuyên gia Tiếp thị Truyền thông, chuyên gia xây dựng kênh truyền thông cho doanh nghiệp, người nổi tiếng,…

Với chuyên ngành Thiết kế vi mạch, mức lương khởi điểm của kỹ sư khoảng 15-20 triệu đồng, nhưng nếu theo nghề 5-10 năm, lương kỹ sư ngành này có thể cao gấp rưỡi ngành IT (Công nghệ thông tin), lên tới 2.500-3.000 USD một tháng (60-70 triệu đồng). Có thể thấy, đây là ngành học xu hướng trong tương lai.

Hướng đến môi trường giáo dục đại chúng, sinh viên Trường Đại học Gia Định được hưởng mức học phí thấp nhất với học phí toàn khóa chỉ từ 80 triệu đồng. Đây được xem là mức học phí cực kỳ cạnh tranh giữa thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, các bạn còn có cơ hội nhận được các ưu đãi học phí 8% (khi đóng học phí 1 năm), 20% (khi đóng học phí toàn khóa).

Chương trình đào tạo được thiết kế tinh gọn chỉ còn 3 năm với 8 học kỳ. Năm đầu tiên, sinh viên học 2 học kỳ. Năm 2 và năm 3 sinh viên sẽ học với 3 học kỳ/năm.

Sinh viên được giảm tải các học phần lý thuyết và tăng cường các giờ học thực hành, trải nghiệm thực tế. Các em sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí học tập khi tham gia học chương trình đại học chỉ đào tạo 3 năm tại Trường Đại học Gia Định.

Đặc biệt, ngay từ năm nhất các bạn đã được hỗ trợ, tạo điều kiện để tham quan, kiến tập doanh nghiệp. Đây là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong ngành, Trường Đại học Gia Định cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp có giới thiệu việc làm.

Ngoài ra, để trau dồi các kỹ năng mềm cho sinh viên, trường thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, workshop, chương trình với sự chia sẻ của các diễn giả là các khách mời trong ngành, trong nghề.

Qua đó, các bạn học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng và có lộ trình chuẩn bị, trau dồi bản thân. Sinh viên cũng được trải nghiệm qua sân chơi, câu lạc bộ, tham quan bảo tàng, kết nghĩa giao lưu với các đơn vị khác.

Hiện, Trường Đại học Gia Định xét tuyển đại học chính quy 49 ngành/chuyên ngành theo 03 phương thức.

• Xét kết quả học bạ trung học phổ thông: Điểm trung bình học kỳ I lớp 11 + điểm trung bình học kỳ II lớp 11 + điểm trung bình học kỳ I lớp 12 từ 16.5 điểm.

• Xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 từ 15 điểm.

• Xét kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ 600 điểm.

Trong đó, nhà trường tăng tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông lên khoảng 60-70%.

Thu Trang