Đại học tư thục khó tăng quy mô sinh viên vì chính sách đất đai, vay vốn hạn chế

10/03/2024 06:28
Tường San

GDVN -Cần chú trọng đến giải pháp để quản lý được "quá trình mở rộng quy mô" với "đảm bảo chất lượng đào tạo" cho các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Có thể thấy, hệ thống các trường đại học ngoài công lập ở nước ta đã dần khẳng định được vị thế của mình với sự phát triển cả về chất lượng và số lượng, là một bộ phận không thể thiếu của giáo dục đại học nước ta.

Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại ngoài công lập có vai trò và trách nhiệm tương đối quan trọng trong việc góp phần vào thực hiện mục tiêu tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân theo mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, đây là một mục tiêu rất quan trọng và thể hiện sự quyết tâm cao của đất nước trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

“Tôi cho rằng, mục tiêu đến năm 2030 có tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân là hết sức ý nghĩa và có tính khả thi cao nếu Việt Nam tập trung vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên”, thầy Lộc nói.

809094-sinh-vien-hutech-danh-gia-ren-luyen.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Theo thầy Lộc, việc đạt được tỷ lệ sinh viên đại học như mục tiêu đã đề ra sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho đất nước.

Thứ nhất, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng lao động. Bởi, tỷ lệ sinh viên đại học cao sẽ góp phần tạo ra một lực lượng lao động có trình độ cao, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động cả trong nước và quốc tế.

Thứ hai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Có thể thấy, một xã hội có trình độ học vấn cao thường có khả năng đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, cải thiện năng suất lao động và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, cải thiện chất lượng sống. Không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn, giáo dục đại học còn giáo dục về các giá trị xã hội, kỹ năng sống, do đó, việc có tỷ lệ sinh viên đại học cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống và tạo ra một xã hội học thuật, văn minh và tiến bộ.

Thứ tư, hỗ trợ phát triển bền vững. Giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra các nhà lãnh đạo, chuyên gia, và nhà nghiên cứu trong tương lai, những người sẽ đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Giáo sư Hồ Đắc Lộc cho rằng, Việt Nam phải đối mặt và giải quyết các thách thức như tăng cường chất lượng giáo dục đại học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và liên kết chặt chẽ giữa giáo dục với thị trường lao động.

Cùng bày tỏ quan điểm về mục tiêu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ miền Đông cho rằng, mục tiêu trên là hoàn toàn có thể đạt được.

Bởi, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo đại học năm học 2021-2022 là 2.145.426 sinh viên, tương đương 215 sinh viên/vạn dân. Trong khi đó, tình hình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau đại dịch đang có những tín hiệu tích cực, mở ra nguồn lực tài chính cho việc đầu tư vào hệ thống giáo dục. Việt Nam còn đang trong qua giai đoạn "dân số trẻ", nghĩa là số lượng sinh viên tiềm năng cao và truyền thống của người Việt Nam ta coi trọng việc học và xem đó là chìa khóa cho sự phát triển cá nhân.

423694014_830123009125044_3143853838203953133_n.jpeg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ miền Đông (Ảnh: Website nhà trường).

Hơn nữa, chủ trương đa dạng hóa loại hình đào tạo, tạo điều kiện học tập suốt đời cho người học, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện như sự phát triển về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học góp phần chuẩn hóa chất lượng đào tạo; sự mở rộng của các chương trình hợp tác quốc tế cũng góp phần tăng thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh;

Chính sách xã hội hóa giáo dục và mô hình tự chủ giáo dục đại học trong những năm gần đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục đại học. Đơn cử như chủ trương tạo điều kiện học tập suốt đời cho người học, khuyến khích liên kết quốc tế cũng đang góp phần xây dựng một xã hội học tập, trong đó việc theo học đại học không chỉ dành cho người trẻ;

Các cơ sở giáo dục đại học đã chú trọng hơn trong đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, kết hợp với việc trình độ của lực lượng giảng viên ngày càng được nâng cao, nhất là nhiều giảng viên được tham gia chương trình học tập và tu nghiệp tại các quốc gia tiên tiến tạo nên uy tín và tên tuổi cho các trường để thu hút nhiều người học;

Không những vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho giáo dục đại học Việt Nam.

Có thể thấy, công nghệ hiện đại đã giúp giảng viên và sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận tài nguyên giáo dục; đa dạng các hình thức đại học trực tuyến, đại học trực tuyến mở (MOOCs), trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn giúp cá nhân hóa quá trình học tập, theo dõi tiến độ của sinh viên và cung cấp phản hồi cá nhân hóa, tối ưu hóa trải nghiệm; các công nghệ thực tế ảo tạo môi trường trải nghiệm, thực tập an toàn, tiết kiệm…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi chúng ta cũng cần thấy rõ ngoài mục tiêu số lượng phải cần quan tâm đến chất lượng đào tạo. Hiện nay, chất lượng giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế, điều này rõ thể hiện qua quy mô đào tạo sau đại học, qua các đánh giá về việc đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, sự thiếu hụt kỹ năng mềm của sinh viên, hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế…

Nhiều hạn chế khiến các trường đại học ngoài công lập khó tăng quy mô trường, sinh viên

Trên thực tế, có 2 cách để để tăng quy mô sinh viên đại học đối với khối trường đại học ngoài công lập là tăng số trường và tăng số sinh viên.

Theo thầy Song, tuy Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương để tạo điều kiện và ưu đãi cho hệ thống trường ngoài công lập tuy nhiên để tăng quy mô sinh viên, số trường của khối trường này vẫn gặp rất nhiều khó khăn cần sớm đưa ra giải pháp khắc phục.

Về chính sách đất đai, trước đây, các trường đại học được giao đất sạch để thành lập trường còn hiện nay phải qua đấu giá. Đáng nói, vấn đề không nằm ở việc giao đất hay đấu giá mà nằm ở thủ tục còn nhiều ngặt nghèo và tốn quá nhiều thời gian từ quy hoạch, thu hồi, điều chỉnh quy hoạch, đợi phương án đấu giá….

Do đó, nếu không có cơ chế “cởi trói” thì nhiều trường ngoài công lập sẽ không thể có được 5 ha tối thiểu theo đúng yêu cầu, một số trường muốn mở rộng diện tích cũng rất khó khăn; Chi phí bỏ ra cho các thủ tục đất đai không nhỏ nhưng thời gian lại quá dài. Và tất nhiên, nếu giải quyết được vấn đề này nhanh chóng sẽ giúp các trường ổn định cơ sở, tạo điều kiện thực hiện các bước tiếp theo.

Về chính sách vay vốn cho sinh viên, có thể thấy rằng, chính sách vay vốn cho sinh viên ngoài công lập là chính sách rất có lợi cho người học nhưng hiện nay nguồn vốn vay còn hạn chế, mức cho vay trần chưa đủ cho sinh viên đóng học phí tại một số trường, thủ tục vay còn khó khăn, cào bằng giữa các tỉnh, thành; lãi suất cho vay cao; thời gian cho vay còn hạn chế, ...

Trong khi đó, ngoài học phí, sinh viên còn phải chịu các chi phí sinh hoạt khá lớn trong suốt 4-5 năm học. Để khắc phục được vấn đề này, thầy Song cho rằng, cần tăng mức trần cho vay, ngoài học phí nên tính tới cả chi phí sinh hoạt, ăn ở dựa trên chi phí của mỗi tỉnh/thành; Tăng thời gian vay bởi hiện nay; Giảm lãi suất cho vay cho sinh viên ở các trường đại học ngoài công lập.

Còn Giáo sư Hồ Đắc Lộc bày tỏ, đối với việc tăng số lượng trường cho hệ thống cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, khung pháp lý hiện hành đã tạm ổn, tuy nhiên, cần giải quyết những vấn đề lớn hơn như: cấp đất; giảm thuế; hỗ trợ tài chính (cho vay lãi suất thấp, ....), song song với đó là cơ chế quản lý dòng tiền này một cách hiệu quả.

Đặc biệt, cần chú trọng đến giải pháp để quản lý được "quá trình mở rộng quy mô" với "đảm bảo chất lượng đào tạo" cho các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp tiên quyết

Mặt khác, theo thầy Lộc, việc mở rộng hệ thống các trường đại học ngoài công lập cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục đại học, nhằm thực hiện xã hội hóa giáo dục, giảm bớt gánh nặng về ngân sách cho nhà nước, và đồng thời tăng cường chất lượng cũng như quy mô đào tạo cho giáo dục đại học.

Chính vì vậy, để góp phần vào việc đạt được mục tiêu phát triển quy mô sinh viên đại học của nước ta, có một số giải pháp cần được các trường đại học ngoài công lập thực hiện.

Trước hết, các trường đại học ngoài công lập cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học thuật thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, phát triển chương trình giảng dạy hiện đại, và tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu cũng là yếu tố quan trọng.

12.jpg
Sinh viên Trường Đại học Gia Định (Ảnh: Website nhà trường).

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp. Theo đó, các trường đại học ngoài công lập cần mở rộng mối liên kết với doanh nghiệp và các tổ chức ngoài nhà trường để tạo cơ hội thực tập, đào tạo dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường lao động, từ đó giúp sinh viên tốt nghiệp có khả năng việc làm cao;

Phát triển các chương trình đào tạo linh hoạt. Để thu hút nhiều sinh viên hơn, các trường đại học ngoài công lập cần phát triển các chương trình đào tạo linh hoạt, bao gồm cả chương trình đào tạo trực tuyến, giáo dục từ xa, và các khóa học ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người học;

Đảm bảo công bằng và minh bạch trong tuyển sinh. Các trường đại học ngoài công lập cần xây dựng quy trình tuyển sinh công bằng, minh bạch, dựa trên năng lực và sở thích của học sinh, nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học;

Ngoài ra, các trường cần phát triển các chương trình hỗ trợ sinh viên như học bổng, tư vấn nghề nghiệp, và dịch vụ hỗ trợ tâm lý, giúp sinh viên vượt qua khó khăn trong quá trình học tập và phát triển cá nhân;

Khuyến khích đổi mới sáng tạo. Việc tạo môi trường kích thích tư duy sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy và học tập, khuyến khích sinh viên và giảng viên tham gia vào các dự án nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, góp phần vào sự phát triển của xã hội và kinh tế.

Bằng cách thực hiện những giải pháp trên, thầy Lộc cho rằng, các trường đại học ngoài công lập có thể góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục đại học của nước ta, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và toàn diện của xã hội.

Còn theo thầy Song, những kết quả đạt được của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở nước ta hiện nay đã chỉ rõ, xã hội hóa giáo dục đại học là giải pháp hữu hiệu để có thể huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí. Và để góp phần thực hiện mục tiêu đạt 260 sinh viên đại học đến năm 2030, các trường các trường đại học ngoài công lập cần thực hiện một số giải pháp đáng chú ý.

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo. Thầy Song nhấn mạnh, chỉ có nâng cao chất lượng đồng nghĩa với việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, từ đó uy tín của các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nâng cao, mới thu hút được người học.

Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, việc đầu tư không chỉ dừng ở các tài sản hữu hình mà cần kết hợp với các tài sản vô hình như phần mềm mô phỏng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…để sinh viên có thể bắt kịp và làm chủ công nghệ.

Thứ ba, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, đào tạo. Cách mạng công nghệ 4.0 mang lại nhiều thách thức nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học. Việc nhanh chóng nắm bắt và chuyển đổi số trở thành yêu cầu sống còn mà các trường đại học cần quan tâm, chú trọng vì nó sẽ giúp, tiết kiệm chi phí, tăng cường hiệu quả quản lý về thời gian và nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ tư, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Khác với trước đây, các trường đại học chỉ chú trọng trang bị kiến thức cho người học, hiện nay các trường cần xác định kỹ năng và kiến thức cũng quan trọng không kém để phát triển sự nghiệp. Đơn cử như tại Trường Đại học Công nghệ Miền Đông đã và đang chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên với nhiều kỹ năng cần thiết trong thời đại mới như: Kĩ năng định hướng nghề nghiệp; Kỹ năng ứng dụng AI, Kĩ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…

Thứ năm, tăng cường kết hợp với các doanh nghiệp, Hiện nay, các doanh nghiệp là đơn vị sử dụng sản phẩm đầu ra của trường đại học. Vì vậy, rất cần sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong công tác mở ngành, đào tạo, kiến tập, thực tập, giới thiệu việc làm, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Trên thực tế, những năm vừa qua, tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm lên tới 97% của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông có được chính nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Có như vậy, mới có thể giảm được “độ vênh” giữa đào tạo đại học và thực tế nhu cầu của thị trường lao động.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học. Thầy Song cho rằng, đây là khó khăn chung của các trường đại học ngoài công lập vì nguồn thu đa số chỉ đến từ học phí. Thế nhưng, chỉ có đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học thì lực lượng giảng viên, sinh viên của trường mới có thể tiếp cận được với tri thức mới của nhân loại, phát huy được tính đổi mới, sáng tạo, là cốt lõi của đào tạo giáo dục đại học. Vì vậy, “nghiên cứu khoa học” và “đào tạo” phải song hành với nhau.

Ngoài ra, cần nhanh chóng ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 để giáo dục đại học trở thành thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của quốc gia, là động lực then chốt thúc đẩy phát triển đất nước. Người dân được tiếp cận dễ dàng, công bằng với giáo dục đại học chất lượng tốt.

Đây sẽ là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học trong đó có hệ thống ngoài công lập xây dựng chiến lược phát triển riêng của mình cho phù hợp với nhu cầu nhân lực của nền kinh tế xã hội

Còn Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cũng đưa ra một số góp ý đối với vai trò của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập trong việc góp phần vào thực hiện mục tiêu có tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân của Nghị quyết số 81/2023/QH15.

Theo thầy Chung, để tăng được quy mô sinh viên, các trường đại học ngoài công lập phải có sự đầu tư mạnh để tăng chất lượng, trong đó, cần tăng đầu tư cho yếu tố con người (đội ngũ cán bộ, giảng viên), đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt chú trọng vấn đề về công nghệ.

Đây là những yếu tố giúp các cơ sở đào tạo duy trì và phát triển chất lượng nhằm giúp người học thấy được những mặt thuận lợi trong và sau khi học đại học.

Một số trường đại học trên thế giới có đến hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu sinh viên do họ đã đảm bảo được về nguồn lực để có thể sử dụng đa dạng cách thức đào tạo và vẫn đảm bảo được chất lượng.

Có thể thấy rằng, hiện nay có những trường đại học ngoài công lập đang có hướng đi, sự đầu tư một cách bài bản, trọng điểm làm rất tốt, thậm chí còn tốt và mạnh hơn nhiều trường đại học công lập.

Cũng theo thầy Chung, về cơ bản, các trường đại học ngoài công lập hầu như tự chủ về tài chính, đặc biệt là những cơ sở thuộc các tập đoàn, họ có các nhà đầu tư nên rất dễ quyết định để bỏ nguồn vốn đầu tư lớn nhằm đáp ứng được mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, các trường đại học ngoài công lập nếu không đào tạo tốt dần dần sẽ bị đào thải bởi quy luật bù trừ. Do đó, các trường cũng cần tìm được hướng đi riêng phù hợp cho mình.

Tường San