Đề xuất bổ sung biên chế để mỗi trường có 1 nhân viên y tế học đường

10/03/2024 06:21
Kim Minh Châu

GDVN -"Chúng tôi mong được giao thêm biên chế, để ít nhất mỗi trường phải có 1 nhân viên y tế học đường” – Trưởng phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đề xuất.

Khi nói đến công việc trong trường học, mọi người thường nhắc nhiều đến vai trò của các thầy/cô giáo – những người đứng trên bục giảng truyền đạt tri thức đến học trò. Nhưng cũng có một lực lượng không nhỏ góp phần đảm bảo sự an toàn trong nhà trường, đó là đội ngũ nhân viên y tế học đường.

Nhưng hiện nay, vai trò của đội ngũ này chưa được quan tâm đúng mức.

Bộ Nội Vụ phản hồi đề xuất bổ sung biên chế nhân viên y tế học đường

Sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cử tri Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã có kiến nghị với Bộ Nội vụ về việc nghiên cứu điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng.

Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Trước những kiến nghị của cử tri, cuối tháng 2, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 1017/BNV-TCBC trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.

Bộ Nội vụ cho biết, nhiệm vụ của vị trí việc làm y tế học đường cơ bản là tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, bảo đảm vệ sinh trường học và an toàn thực phẩm; thống kê báo cáo và đánh giá về công tác y tế trường học.

Căn cứ vào tính chất, yêu cầu, khối lượng công việc của vị trí việc làm này, các cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động hoặc thuê đơn vị cung ứng dịch vụ y tế tại trường học để thực hiện xã hội hóa và tạo sự chủ động cho từng cơ sở giáo dục - đào tạo công lập.

Điều này giúp giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị.

Trước mắt, để bảo đảm ổn định về tổ chức và chế độ, chính sách cho đội ngũ viên chức làm nhiệm vụ về y tế học đường, Bộ Nội vụ ghi nhận nội dung kiến nghị của Quảng Ngãi và sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm y tế học đường tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ; Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phù hợp.

Nhiều trường thiếu biên chế nhân viên y tế học đường

Thực tế hiện nay, công tác y tế học đường hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi thu nhập của nhân viên y tế học đường thuộc nhóm thấp; trong khi áp lực công việc lớn, thậm chí nhiều việc “không tên” khiến việc tuyển dụng nhân viên y tế học đường lại càng gian nan hơn.

co-hong-1021.jpg
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng– Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đội ngũ nhân viên y tế học đường đóng vai trò quan trọng trong các cơ sở giáo dục.

Công việc của đội ngũ nhân viên y tế học đường tuy không căng thẳng, nhưng khối lượng công việc nhiều, dàn trải.

Trên thực tế, công việc của đội ngũ này cũng vô cùng vất vả. Họ phải đi làm từ trước lúc học sinh đến, về nhà sau khi học sinh tan học; hằng ngày, họ phải túc trực tại trường đề phòng trường hợp có học sinh xảy ra tai nạn, thương tích, và chăm lo sức khỏe ban đầu cho hàng trăm học sinh và đội ngũ giáo viên,...

Không chỉ có vậy, nhân viên y tế học đường còn phụ trách cả việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu mẫu thức ăn bán trú, thường xuyên tham gia công tác tập huấn chuyên môn, phòng ngừa dịch bệnh,… Nhiều nơi, nhân viên y tế còn kiêm nhiệm thêm cả các vị trí khác trong trường học.

Trong thời đại ngày nay, yêu cầu đối với đội ngũ này ngày càng cao. Bên cạnh trình độ chuyên môn về mặt y tế (yêu cầu từ y sĩ trung cấp trở lên), còn đòi hỏi về nghiệp vụ sư phạm, tâm lý học (cách ứng xử mềm mỏng, sự khéo léo khi giao tiếp với học sinh) và cả kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

“Có thể thấy, đội ngũ nhân viên y tế học đường có vai trò cực kỳ quan trọng. Trường học nếu không có nhân viên y tế sẽ rất vất vả, nhiều công việc không sắp xếp được, vì cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường không có chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện công việc của đội ngũ này.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường không có biên chế nhân viên y tế học đường, mà chỉ có nhân viên y tế hợp đồng hoặc phối hợp với các trạm y tế, bệnh viện gần trường để được hỗ trợ.

Nhưng không phải ở đâu cũng có những điều kiện thuận lợi để làm điều đó. Ví dụ ở các thành phố lớn, khi trạm xá, bệnh viện cách xa, lại thường xuyên quá tải hay gặp phải tình trạng tắc nghẽn giao thông, cũng là một mối nguy khi có trường hợp ốm đau, tai nạn đột xuất xảy ra trong nhà trường.

Việc tuyển dụng nhân viên y tế học đường cũng gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư thục, các doanh nghiệp về lương bổng, chính sách hỗ trợ...

Có những giai đoạn không tuyển được nhân viên y tế, nhiều trường phải đi mượn, đi thuê, ký hợp đồng có thời hạn đối với với các y bác sĩ lớn tuổi đủ trình độ chuyên môn để “lấp đầy” khoảng trống nhân viên y tế học đường đang thiếu.

Vì thế, chúng tôi rất mong muốn mỗi trường có ít nhất một biên chế cho nhân viên y tế học đường, và có thêm nhiều chính sách đãi ngộ giúp đội ngũ này, nhằm cải thiện tình hình hiện nay” – cô Vân Hồng chia sẻ.

Khó giữ chân, tuyển dụng nhân viên y tế học đường

Chia sẻ vấn đề này, cô Phí Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mỹ Đình 1 (Hà Nội) cho biết, các cơ sở giáo dục luôn cố gắng tạo điều kiện trong khả năng (bố trí phòng làm việc, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị sơ cấp cứu, thuốc thang, chế độ,…) để nhân viên y tế học đường có thể làm việc.

“Tuy nhiên, số lượng học sinh trong trường hiện rất đông, nhưng chỉ có 1 nhân viên y tế, nên công việc của họ cũng không hề dễ dàng.

Nhiều khi khó khăn, các trường phải phối hợp với trung tâm y tế của phường/xã, nhưng không phải trong trường hợp nào nhà trường cũng có thể chủ động, liên hệ được ngay cán bộ trung tâm y tế bên ngoài. Đây thực sự là điều rất bị động, vô cùng khó khăn” – cô Phí Thị Thu Hương cho hay.

Cũng theo cô Hương, việc tuyển dụng nhân viên y tế học đường hợp đồng hiện cũng rất khó khăn. Bởi, chế độ đãi ngộ của nhân viên y tế học đường còn thấp, chưa đảm bảo được cuộc sống.

“Chúng tôi cũng rất mong muốn có được biên chế cho vị trí nhân viên y tế học đường để đội ngũ này có một vị trí việc làm ổn định và có những chế độ chính sách tốt, giúp họ yên tâm công tác trong nhà trường” – cô Hương bày tỏ mong muốn.

Là một huyện còn nhiều khó khăn ở khu vực miền núi phía Bắc, các trường thuộc huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đa phần đều là trường bán trú.

Trung bình mỗi xã của huyện, sẽ có 3 trường học (gồm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở).

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Thư – Trưởng phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang: “ Huyện Mèo Vạc được giao 35 chỉ tiêu biên chế nhân viên y tế học đường. Trước đây, 1 nhân viên y tế học đường sẽ phụ trách từ 2 – 3 trường trong 1 xã.

Tuy nhiên, vì chế độ chính sách, lương thưởng không cao nên nhân viên y tế học đường không còn mặn mà với công việc, mà có xu hướng xin thuyên chuyển sang những vị trí việc làm khác.

Hiện nay, số nhân viên y tế học đường của huyện còn có 16 người, chưa được một nửa chỉ tiêu được giao”.

Cũng theo ông Thư, với đặc thù của huyện vùng cao là có các trường bán trú, nên công việc của đội ngũ nhân viên y tế học đường vô cùng quan trọng. Khi thiếu vắng đội ngũ này, công việc của các trường thực sự rất khó khăn.

“Kể cả muốn thuê hợp đồng, các trường cũng không đủ ngân sách để thực hiện. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho đối tượng này.

Và đặc biệt, chúng tôi mong được giao thêm biên chế, để ít nhất mỗi trường phải có 1 nhân viên y tế học đường” – Trưởng phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đề xuất.

Kim Minh Châu