Mở rộng quy mô để đạt 260 sinh viên/vạn dân cần cả chiều rộng lẫn chiều sâu

13/03/2024 06:27
Lưu Diễm

GDVN - Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: “Mở rộng quy mô giáo dục đại học không chỉ bàn về bề nổi, mà còn cần bàn về chiều sâu của mỗi cơ sở giáo dục đại học".

Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Quốc hội nêu rõ, phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á với tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân vào năm 2030.

Tỉ lệ sinh viên đạt 260 trên 1 vạn dân là một mục tiêu cụ thể và thiết thực

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, mục tiêu mở rộng quy mô đào tạo đại học đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mạng lưới giáo dục đại học tại Việt Nam. Việc chúng ta đặt ra chỉ số với mục tiêu tăng trưởng số lượng sinh viên cụ thể đã cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ định hướng chiến lược.

Mặt khác, chúng ta cần phát huy và mở rộng quy mô giáo dục đại học đi kèm với chất lượng tương xứng để đáp ứng sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, đòi hỏi trình độ nhân lực cao của đất nước.

Dựa vào số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên tiếp cận đại học của Việt Nam còn thấp so với khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung. Tỉ lệ sinh viên nhập học đại học so với tổng số người trong độ tuổi học đại học, cao đẳng trong năm 2021 của Việt Nam là 35,4%, thấp hơn Indonesia (36,3%), Thái Lan (43,8%), Malaysia (43,1%) hay Singapore (91,1%).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, để tự tin “cất cánh” hoà nhập vào sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng các cường quốc châu Á, chúng ta cần xác định rõ hơn về những nguồn lực cần thiết cho giáo dục hiện nay.

Nhằm đáp ứng được mục tiêu mở rộng quy mô giáo dục đại học tầm nhìn cho năm 2030, nước ta cần tăng thêm khoảng 20.000 giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ trở lên; diện tích đất khoảng 2.500.000 m2 để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; đặc biệt là chương trình học tập cần liên tục cải tiến, cập nhật, nâng cấp để tiệm cận với thế giới.

Trong khoảng thời gian 5-6 năm, chúng ta cần tìm kiếm, chuẩn bị và xây dựng những kế hoạch, giải pháp hợp lý để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút đội ngũ giảng viên và phát triển giáo dục đại học. Đó là bài toán cần phải tính đến.

thay-nguyen-duc-nghia-2183.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thuý - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân về tỉ lệ sinh viên đại học trên một vạn dân ở nước ta là khoảng 5,8 - 6% mỗi năm.

Như vậy, với mục tiêu tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân vào năm 2030, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo đại học.

“Mục tiêu với con số 260 sinh viên trên 1 vạn dân là khả thi và có căn cứ để thực hiện. Có thể nói, nhiệm vụ này cũng đã thể hiện rõ ràng mục tiêu phát triển nền giáo dục, xem "giáo dục là quốc sách hàng đầu" của nước ta, cá nhân tôi rất ủng hộ.

Song, để có thể hoàn toàn tự tin thực hiện được mục tiêu này, Nhà nước và các cơ sở đào tạo cần định hướng rõ ràng giải pháp cụ thể, vạch ra lộ trình triển khai đúng hướng, có chiến lược hoàn thiện mục tiêu vĩ mô, giúp những người làm công tác giáo dục không bị lúng túng trong quá trình thực hiện”, Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thuý nhận định.

Thuý .jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thuý - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: website nhà trường.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh cho hay: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã góp phần cải thiện hệ thống giáo dục của nước ta trong hơn 10 năm qua.

Trong thực tiễn, chúng ta nhận thấy nhiều sự thay đổi và phát triển như về quy mô, đa dạng về hình thức, phương thức đào tạo,... Mạng lưới các trường đại học ở Việt Nam cũng được phân bổ tương đối đồng đều ở nhiều vùng miền trên khắp cả nước.

Nhìn nhận góc độ khách quan, vấn đề mục tiêu này đã được đặt ra trước đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 3704/QĐ-BGDĐT năm 2013 Ban hành chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của ngành giáo dục, theo đó, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân vào khoảng 256.

Có thể thấy, phát triển nền giáo dục là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm xuyên suốt qua các thời kỳ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo đồng bộ với các mục tiêu quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể khác. Như vậy, tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân vào năm 2030 là một chỉ số khả thi.

Những bài toán đặt ra hiện nay cho hệ thống giáo dục đại học

Bàn luận về những thuận lợi hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng: “Thứ nhất, xuyên suốt các thời kỳ trong lịch sử, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục đại học.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, chiến lược tăng trưởng xanh của nước ta được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về nguồn lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đó chính là điều kiện đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học nói riêng và hệ thống giáo dục đào tạo nói chung mở rộng số lượng sinh viên.

Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội tiếp cận hình thức đào tạo, phương thức học tập đa dạng, sáng tạo khi vận dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Như trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh vừa qua, giáo dục đại học vẫn luôn chủ động, thích ứng tốt, không chỉ tiếp tục phát triển về quy mô, mà chất lượng cũng được đảm bảo”.

Song, theo thầy Hiền, chúng ta đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: khả năng đầu tư cho giáo dục đại học của nước ta so với các quốc gia phát triển khác trong khu vực còn thấp; cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; nhiều cơ sở chưa mở rộng và phát triển được theo định hướng chiến lược mà nhà trường và Nhà nước đặt ra; điều kiện đảm bảo cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế trong bối cảnh gia tăng sức ép về đào tạo nguồn nhân lực;...

cong-bo-quyet-dinh-chu-tich-hoi-dong-truong-hieu-truong-dhv-6.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh. Ảnh: website nhà trường.

Về vấn đề tăng quy mô gắn với quy hoạch hài hòa hệ thống giáo dục đại học, Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thuý cho hay: Vai trò của trường công lập và tư thục đều mang ý nghĩa quan trọng, đóng góp vượt trội cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, không nên gia tăng theo hướng ồ ạt, ảnh hưởng tới thị trường lao động Việt Nam mà phải giải quyết bài toán đảm bảo chất lượng đào tạo.

Cần tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển, song song đó, các trường tư thục cũng cần cam kết tự chủ phù hợp với yêu cầu, điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, chúng ta nên chủ động trong việc gia tăng tính quốc tế hóa ở các trường nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, các trường khối tư thục cần được hỗ trợ về chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học, quỹ đất, cơ sở vật chất,...; cần được tạo điều kiện thực hiện nhiều dự án, đề tài của Nhà nước. Bởi lẽ, các trường ngoài công lập cũng là một trong những nơi hội tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục.

Về vấn đề cân đối hài hoà giữa các ngành học, cô Ngọc Thuý bày tỏ: “Hiện nay, định hướng của xã hội đi theo xu hướng thị trường. Truyền thông cấp vĩ mô định hướng cho nhu cầu tìm hiểu của phụ huynh và học sinh đã và đang làm tương đối tốt.

Công tác truyền thông sẽ được phát huy tốt nhất khi có sự vào cuộc từ các bộ, ban, ngành; bởi vì nếu chỉ mỗi đơn vị trường đại học thực hiện có thể mang tính chủ quan. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đánh giá năng lực của từng trường đại học để tạo điều kiện cấp các chỉ tiêu phù hợp cho việc mở ngành mới theo xu hướng thị trường lao động".

Còn theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, sứ mạng của mỗi trường đại học hiện nay được nêu rất rõ xoay quanh ba trục là: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; phục vụ cộng đồng, phát triển xã hội bền vững.

Có thể nói, hiện nay, các trường đều thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo của mình. Song, thực tế cho thấy, một số cơ sở giáo dục đại học chưa phát huy được hết vai trò của mình trong nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.

Sự tham gia của các trường đại học vào những vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội là những hoạt động mang tính thực tiễn và cần thiết.

Chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: “Gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng là mục tiêu chúng ta cần hướng đến. Tuy nhiên, để thực hiện được không phải “một sớm một chiều”, mà cần những kế hoạch cụ thể, thường xuyên bám sát đánh giá, theo dõi để thay đổi lộ trình phù hợp trong trường hợp cần thiết.

Hơn nữa, mỗi địa phương và các trường đại học nên thảo luận với nhau để cùng đưa ra chiến lược, giải pháp, để các cơ sở giáo dục tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học, xã hội.

Chúng ta cũng không nhất thiết phải quá cứng nhắc trong việc đồng đều chỉ số sinh viên trên vạn dân ở tất cả các địa phương vì mỗi vùng kinh tế trọng điểm sẽ có mũi nhọn ở những vị trí khác nhau. Tương tự, việc quy hoạch các khối ngành học cũng cần tuỳ thuộc vào nhu cầu phát triển của mỗi địa phương".

Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải định hướng phát triển ngành học nào tại những cơ sở đào tạo nào, và Nhà nước cần đầu tư chuyên sâu về lĩnh vực đó, thay vì đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm.

Nhà nước cũng nên tham gia thực hiện quy hoạch ngành đào tạo của các trường đại học trên cả nước. Đối với những ngành đặc thù, khó tuyển sinh nhưng rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước, thì cần có chính sách khuyến khích người học, đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực này.

Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thuý nêu quan điểm: Chúng ta cần có bức tranh dự báo thị trường lao động về ngành nghề đang cần cho sự phát triển của đất nước trong 5-10 năm tới.

Điều này sẽ giúp công tác đào tạo con người được tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, mang ý nghĩa thiết thực hơn.

Ngoài ra, chúng ta nên đưa ra con số dự báo phù hợp với năng lực đào tạo của mỗi trường đại học. Bởi nếu như ta đưa ra yêu cầu cao hơn so với năng lực đáp ứng của nhà trường, thì vô hình trung sẽ tạo áp lực cho cơ sở giáo dục đạt được chỉ tiêu. Ngược lại, nếu yêu cầu đưa ra dưới ngưỡng khả năng của cơ sở đào tạo, thì chúng ta sẽ khó lòng đạt được mục tiêu dài hạn.

Bên cạnh đó, để tạo môi trường hội nhập quốc tế hóa, cơ chế, quy trình tuyển dụng các giảng viên, chuyên gia nước ngoài về làm việc tại các trường đại học ở Việt Nam nên thông thoáng hơn và rộng mở hơn, không chỉ cho trường tư nói riêng mà cả hệ thống trường công lập nói chung.

Về việc mở rộng quy mô giáo dục đại học, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền nêu lên 5 giải pháp định hướng.

Một là, cần sớm ban hành và thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 một cách tích cực, cụ thể và thực tiễn trong việc tổ chức thực hiện.

Hai là, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt ưu tiên đồng bộ hệ thống pháp luật về tự chủ đại học. Đồng thời, tăng cường chính sách khuyến khích thu hút khu vực tư nhân đầu tư và phát triển giáo dục đại học linh hoạt.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục đại học, lực lượng giảng viên và cán bộ quản lý trình độ cao theo tinh thần thu hút, bồi dưỡng người tài, người giỏi và có thành tích xuất sắc ở cả trong và ngoài nước về làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học.

Bốn là, tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ tài chính và tăng cường đầu tư hiệu quả cho giáo dục đại học. Định hướng xây dựng và thực hiện lộ trình nguồn chi cho giáo dục đại học trong tổng ngân sách Nhà nước, phấn đấu đến năm 2030 đạt được mức trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức quản trị cơ sở giáo dục đại học theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Lưu Diễm