Đề cập về thực trạng lao động, trên trang thông tin tuyển sinh của một trường đại học có đào tạo ngành Công nghệ chế biến lâm sản nêu: "Hiện nay, ngành gỗ đang thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao. Kỹ sư Công nghệ chế biến lâm sản chỉ chiếm 20-30% lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông (70-80%) chưa qua đào tạo" (1).
Bên cạnh đó, một lãnh đạo trường đại học cũng nêu lên con số thống kê tính đến năm 2023, trên cả nước có khoảng 1.863 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, 700 doanh nghiệp FDI và 340 làng nghề chế biến gỗ, với hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan.
Qua đó cho thấy nhu cầu về nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ chế biến lâm sản là rất lớn. Theo dự báo, đến năm 2025 cần 106.800 lao động có trình độ đại học, trên đại học tốt nghiệp ngành học này.
Mức lương qua khảo sát với sinh viên ngành này sau khi ra trường khởi điểm từ 8 đến 15 triệu đồng/tháng và sẽ tăng rất nhanh theo năng lực và kinh nghiệm của mỗi người trong quá trình làm việc. (2)
Cam kết trả học phí nếu không liên hệ được việc làm cho sinh viên ra trường sau tốt nghiệp
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Tuấn Trường - Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ và nội thất Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, cơ hội việc làm rộng mở và mức lương sau khi ra trường của sinh viên hấp dẫn như vậy, tuy nhiên ngành này đang trong tình cảnh "lao đao" vì hiện đang có rất ít sinh viên lựa chọn theo học.
Vị này chia sẻ thêm: "Về chương trình đào tạo, trong những năm gần đây chúng tôi cũng đã thay đổi rất nhiều để có thể thích ứng với yêu cầu của thực tế. Theo đó, chúng tôi đang điều chỉnh theo hướng phù hợp với các yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu trước đây chúng tôi đào tạo tổng hợp cả về mảng ván nhân tạo và sản xuất đồ gỗ thì hiện tại thì chúng tôi đang tập trung vào đào tạo mảng sản xuất đồ gỗ, nội thất.
Qua thực tế chúng tôi nhận thấy, thị trường lao động ở mảng đồ gỗ hiện nay đang rất lớn với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động. Còn với mảng ván nhân tạo thì cũng có nhưng không phải là số đông".
Nhận định về nguyên nhân của việc có rất ít sinh viên theo học ngành Công nghệ chế biến lâm sản hiện nay, lãnh đạo Viện Công nghiệp gỗ và nội thất cho rằng, một phần do nhận thức của người có nhu cầu học chưa thật đúng về ngành đào tạo này.
Thầy Trường bày tỏ: "Có thể phụ huynh và các đối tượng tìm hiểu về ngành học này cho rằng, họ mất 4 đến 5 năm học đại học nhưng khi trường vẫn đi làm ở các công ty chế biến gỗ và phải làm các công việc chân tay, nặng nhọc như lao động phổ thông. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.
Có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành học này khi ra trường đã tìm được vị trí việc làm tốt, mức lương cao tại các doanh nghiệp chuyên về chế biến lâm sản, mà đa số là công việc văn phòng nếu bạn đó chọn làm tại nơi đúng với chuyên ngành đã học.
Trong việc này, có thể cách truyền thông về ngành của chúng tôi vẫn chưa thật tốt khiến người học có nhu cầu chưa tiếp cận và hiểu đúng về những điểm mạnh và lợi thế về ngành nghề chúng tôi đang đào tạo.
Chẳng hạn như việc Viện cam kết giới thiệu việc làm, trả lại học phí cho sinh viên nếu không kiếm được việc làm cũng được chúng tôi truyền thông khá mạnh mẽ, nhưng có thể nhiều người chưa tiếp cận được nên hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng".
Bên cạnh đó, vị này cũng nhấn mạnh, Trường Đại học Lâm nghiệp là cơ sở đào tạo lâu đời nhất về ngành gỗ, đội ngũ đối tác của nhà trường, thậm chí có nhiều ông chủ của các doanh nghiệp lớn chuyên về chế biến gỗ ở trong nước là cựu sinh viên của nhà trường.
Điều này cho thấy khả năng phát triển sau khi sinh viên theo học ngành Công nghệ chế biến lâm sản là rất cao. Đồng thời đội ngũ cựu sinh viên đó cũng chính là đầu mối tuyển dụng dồi dào giúp nhà trường quẳng được gánh lo về đầu ra cho sinh viên.
Vị này cũng cho biết thêm, để thay đổi suy nghĩ của mọi người về ngành học này là điều không hề đơn giản.
"Hiện tại, Viện Công nghiệp gỗ và nội thất cũng đang sở hữu đội ngũ giảng viên chất lượng. Có 2 người là giáo sư vừa là nhà giáo nhân dân và có 7 phó giáo sư. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng thường xuyên được nhà trường mua sắm, đổi mới.
Đối với các sinh viên đang theo học ngành này, ngay từ đầu khóa chúng tôi đã cho các em trải nghiệm thực tế ở một số công ty chế biến lâm sản. Vào đó các em cũng đã thấy phần lớn các công việc nặng nhọc đã được máy móc đã hỗ trợ vì các doanh nghiệp họ đã áp dụng tự động hóa rất nhiều.
Những điều kiện như vậy cũng đã được chúng tôi giới thiệu trong các đợt tư vấn tuyển sinh nhưng xem ra người học vẫn chưa mặn mà", thầy Trường nhận định.
Nói thêm về cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Phó Giáo sư Lý Tuấn Trường cho hay, ông cùng các thành viên trong Viện này hoàn toàn "tự tin" khi đưa ra cam kết này.
Chia sẻ thêm về điều này, lãnh đạo Viện Công nghiệp gỗ và nội thất cho hay: "Hiện tại đứng sau Viện là rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành gỗ và họ cũng đang rất cần nhân lực, lao động do nhà trường đào tạo.
Có nhiều đầu mối cần nhân lực nhưng với tỷ lệ sinh viên theo học trong những năm gần đây lượng lao động để cung ứng luôn không đủ. Đó là lý do vì sao chúng tôi vừa cam kết giới thiệu việc làm và vừa cam kết trả lại tiền cho sinh viên nếu không kiếm được việc".
Mức lương tốt nhưng không dễ tuyển được lao động có trình độ
Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên đã có trao đổi với một số doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động tốt nghiệp trình độ đại học ngành Công nghệ chế biến lâm sản.
Đa phần lãnh đạo các doanh nghiệp này đều khẳng định, chắc chắn sinh viên được đào tạo từ các trường đại học khi ra trường sẽ có mức lương và vị trí công việc tốt hơn so với lao động phổ thông. Tuy nhiên cũng không dễ dàng để tuyển được lao động.
Anh Nguyễn Văn Lưu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và nội thất Hoàn Cầu (là cựu sinh viên của ngành Công nghệ chế biến lâm sản Trường Đại học Lâm nghiệp) cho rằng: "Điều này có thể do nhận thức của phụ huynh và người có nhu cầu học trong thời điểm hiện nay chưa đúng về ngành học này. Trên thực tế tôi thấy nó là một ngành triển vọng và cơ hội nghề nghiệp cao.
Bản thân tôi cũng đi lên từ sinh viên theo học ngành Công nghệ chế biến lâm sản. Có thể là do sự nhạy bén của bản thân nên ngày hôm nay tôi được làm chủ doanh nghiệp, tuy nhiên ngày mới ra trường tôi vẫn phải đi làm nhân viên tại các doanh nghiệp chế biến gỗ giống như nhiều sinh viên mới tốt nghiệp khác.
Trong xu thế hiện nay, khi lĩnh vực nội thất tại Việt Nam đang rất phát triển, thị trường của ngành này cũng đã đi theo hướng xuất khẩu nên cơ hội đối với ngành Công nghệ chế biến lâm sản càng cao. Ngay cả doanh nghiệp của tôi cũng đang cần số lượng lớn lao động có trình độ cao để đáp ứng với các định hướng phát triển trong tương lai".
Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp nói trên cũng bày tỏ quan điểm rằng, để thay đổi được nhận thức của người học có nhu cầu trong thời gian ngắn là điều rất khó, qua đó cần các trường đại học có phương án tiếp cận và quảng bá ngành học theo phương án thực tế nhất.
"Những sinh viên học ngành Công nghệ chế biến lâm sản sau khi ra trường nếu vào làm tại các doanh nghiệp như công ty tôi đa phần có mức khởi điểm từ 8 triệu đồng. Công việc phải làm chủ yếu là kỹ thuật, ít nặng nhọc như lao động phổ thông. Nếu so sánh với sinh viên tốt nghiệp đại học của một số ngành đào tạo khác thì tôi thấy mức thu nhập đó với sinh viên mới ra trường là khá hấp dẫn", anh Lưu cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngành Công nghệ chế biến lâm sản, Trường Đại học Lâm nghiệp tình hình tuyển sinh không được khả quan. Theo đó, Ngành Công nghệ chế biến lâm sản số thí sinh nhập 2 năm liên tiếp thấp (năm 2021 chỉ có khoảng 1/4 sinh viên trúng tuyển nhập học so với chỉ tiêu và chưa được 1/2 so với chỉ tiêu ở mùa tuyển sinh năm 2022).
Tư liệu tham khảo:
(1) (2): https://vcng.vnuf.edu.vn/tin-tuc