Ngày 12/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 11 môn Toán và Ngữ văn.
Sau khi đọc đề khảo sát môn Ngữ văn lớp 11 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn cho rằng, một số câu trong Phần I Đọc hiểu sử dụng dấu chấm hỏi (?) tuỳ tiện, chưa đúng chức năng của câu.
Cụ thể, trong Phần I Đọc hiểu, cuối câu 1 (Xác định ngôi kể của người kể chuyện ở văn bản trên?) và cuối câu 2 (Tìm và ghi lại các từ ngữ, hình ảnh thể hiện sự vất vả, đảm đang của cô Tâm trong đoạn trích?) đặt dấu (?) là chưa hợp lý vì đây là câu cầu khiến (các từ “tìm”, “ghi lại”, “xác định” có ngữ điệu cần cầu khiến; dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị,…), không phải câu để hỏi.
Do câu 1 và câu 2 trong Phần I Đọc hiểu của đề khảo sát môn Ngữ văn lớp 11 là câu cầu khiến nên chỉ kết thúc bằng dấu chấm (.) sẽ hợp lý.
Về nội dung này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Vị này cho biết, hiện Sở chưa nhận được phán ánh, chia sẻ nào liên quan đến cách đặt dấu (?) trong câu 1 và câu 2 Phần I Đọc hiểu của đề khảo sát môn Ngữ văn lớp 11.
Vị này chia sẻ thêm, dấu (?) được sử dụng đối với những câu mang ý hỏi “sao”, “chưa”, “phải không”,… hoặc dùng dấu (?) với mục đích nhấn mạnh. Nếu câu không phải là hỏi nhưng lại để dấu (?) mới là vô lý. Còn câu 1 và câu 2 trong Phần I Đọc hiểu sử dụng dấu (?) ở cuối câu là đúng. Vì câu 1 hỏi xác định ngôi kể, câu 2 hỏi tìm và ghi lại.
Với các câu hỏi trong Phần I Đọc hiểu, thầy cô nên xét theo góc độ, việc đặt dấu (?) và không đặt dấu (?) có làm sai lệch ngữ nghĩa của câu không? Nếu không làm sai lệch ngữ nghĩa thì không có vấn đề gì.
Vị này khẳng định, trong Phần I Đọc hiểu, cuối các câu 3, 4, 5 không sử dụng dấu (?), hay cuối câu 1, 2 dùng dấu (?) đều không làm ảnh hướng đến nội dung, mục đích của câu. Cuối câu 1 và câu 2 đặt dấu (?) không phải sử dụng dấu câu tuỳ tiện mà là một cách nhấn mạnh của người ra đề.
Cũng theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, quy trình ra đề khảo sát môn Ngữ văn của Sở rất chặt chẽ (tổng có 6 người, trong đó có 3 người ra đề, 3 người phản biện) nên thầy cô, học sinh có thể yên tâm.