Học ngành Công nghệ đa phương tiện, SV có thu nhập tốt ngay khi đi thực tập

18/03/2024 06:50
Tường San

GDVN- Dù là ngành học mới mở nhưng Công nghệ đa phương tiện của nhiều trường lại có số lượng thí sinh đăng ký rất đông nên điểm chuẩn đầu vào năm 2023 khá cao.

Trong xu thế hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và thương mại điện tử, ngành Công nghệ đa phương tiện đang được đánh giá là một trong những ngành học cần thiết và tương đối quan trọng. Bởi nó có thể áp dụng các công nghệ, kỹ thuật vào nhiều mảng khác nhau từ sản xuất, phim ảnh đến giáo dục, y tế và đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực này khá lớn.

Báo cáo Digital Vietnam 2023 đã chỉ ra, số lượng người sử dụng internet tại Việt Nam tính đến tháng đầu năm 2023 là khoảng 77.93 triệu người; tính đến tháng 01/2023, có khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 71% tổng dân số); có khoảng 161,6 triệu thiết bị di động đã hoạt động ở Việt Nam vào đầu năm 2023. Điều này cho thấy, nhu cầu về nhân lực nhóm ngành Công nghệ đa phương tiện là rất tiềm năng.

Công việc “lai” giữa công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dư Đình Viên – Trưởng khoa Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông (Trường Đại học Hòa Bình) cho hay, trong bối cảnh công nghệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động về nhân lực công nghệ đa phương tiện cho hầu hết các lĩnh vực là rất lớn ở cả trong nước và trên thế giới.

z5247968133869_dacbadfd2be56ce1c18423958fa23e8a.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ đa phương tiện, Trường Đại học Hòa Bình trong giờ học (Ảnh: NTCC).

Theo đó, sau khi tốt nghiệp, hoặc thậm chí ngay từ khi đi thực tập, người học có thể đảm nhận ở nhiều vị trí chuyên viên thiết kế đa phương tiện, chuyên gia phát triển nội dung số, hệ thống số, đồ họa, game, phát triển website, ứng dụng riêng, xử lý dữ liệu, hình ảnh, âm thanh, sản phẩm thực tế ảo, chuyên viên triển khai các dự án sáng tạo,…

Thầy Viên cho hay, thu nhập của những bạn khi mới đi làm sau tốt nghiệp, hay thậm chí mới đi thực tập ở năm tư đại học của ngành Công nghệ đa phương tiện thường rơi vào khoảng 8 triệu đồng/tháng, tuy nhiên khi có khoảng 2 năm kinh nghiệm, mức lương có thể vào khoảng 12 – 15 triệu đồng/tháng hoặc thậm chí cao hơn nhiều lần nếu có những ý tưởng sáng tạo độc đáo.

Bên cạnh nhiều thuận lợi về đầu ra, thầy Viên cho biết thêm, với tính sáng tạo mà ngành học mang lại đã tạo ra sự thích thú cho giới trẻ hiện nay khi muốn vượt qua những thách thức, giới hạn, mạo hiểm. Do vậy, ngành Công nghệ đa phương tiện đang ngày càng thu hút được nhiều người học quan tâm.

Tuy nhiên, để theo học ngành này, sinh viên cũng nên có tư duy về toán, lập trình và đặc biệt là tư duy sáng tạo để tạo ra sự khác biệt, nổi bật cho riêng mình trong cả quá trình học và sau khi ra trường.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Đỗ Mạnh Hùng - Trưởng bộ môn Công nghệ đa phương tiện, khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho hay, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin đã tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển. Do đó nền kinh tế số của nước ta trong thời gian gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Cũng chính vì vậy, nhu cầu về nhân lực công nghệ đa phương tiện lại càng trở nên quan trọng và gia tăng với sự hiện diện trong tất cả các lĩnh vực từ đào tạo đến kinh tế, nội dung số, y học,...

Nếu như trước kia, mọi hoạt động, mô hình đều phải được thực hiện trực tiếp thì nay với sự xử lý bằng công nghệ đa phương tiện, việc đào tạo có thể diễn ra với hình thức trực tuyến cùng các mô phỏng bám sát với thực tế. Đặc biệt là với xu hướng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay, những người bán hàng đều cần nhờ đến công nghệ đa phương tiện nếu muốn tăng trưởng được doanh số mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, theo thầy Hùng, khác với ngành Truyền thông đa phương tiện mà nhiều cơ sở hiện nay đang đào tạo hiện nay, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Công nghệ đa phương tiện có lợi thế hơn với phạm vi công việc rộng hơn.

Bởi, đây là công việc “lai” giữa công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện. Do vậy, bên cạnh những kiến thức về báo chí, truyền thông, sinh viên ngành Công nghệ đa phương tiện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội còn có điểm mạnh hơn về kỹ thuật với nền tảng về công nghệ thông tin vững chắc vì trong chương trình có dạy các kiến thức có liên quan đến marketing số, lập trình, xử lý dữ liệu,...

Trong quá trình học, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức cơ sở của ngành học công nghệ đa phương tiện; có kiến thức chuyên ngành đáp ứng được nhu cầu của xã hội về lĩnh vực đa phương tiện như thiết kế các sản phẩm đa phương tiện; tích hợp các tài nguyên đa phương tiện; phát triển sản phẩm phần mềm sử dụng tài nguyên đa phương tiện.

Với thế mạnh từ nhu cầu của xã hội và điểm nổi bật trong cách thức đào tạo, thầy Hùng cho hay, sau khi tốt nghiệp cử nhân Công nghệ đa phương tiện, người học có thể công tác, làm việc tại các công ty phần mềm (phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm, cung cấp nội dung số, lập trình, sản xuất game, …); Các công ty truyền thông, thiết kế quảng cáo, điện ảnh, truyền hình;Các công ty kinh doanh dịch vụ và các sản phẩm công nghệ thông tin; Bộ phận truyền thông của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; Bộ thông tin truyền thông, đài phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí; Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm tích hợp công nghệ đa phương tiện.

Mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường được thầy Hùng chia sẻ là phụ thuộc theo từng năng lực. Tuy nhiên, mức lương trung bình thường thường không dưới 10 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có một số bạn sinh viên của ngành học này ngay từ năm 3 đại học đã được các công ty tuyển dụng hoặc làm tự do với mức thu nhập tương đối khủng.

Ngành học được nhiều sinh viên nữ giỏi công nghệ thông tin lựa chọn

Thầy Hùng cho biết thêm, ngành học còn có lợi thế về việc làm và nhu cầu xã hội, đặc biệt là đối với các bạn nữ. Bởi, nữ giới dù giỏi và yêu thích công nghệ thông tin nhưng thường không muốn học và làm sâu về lập trình, xử lý dữ liệu do thấy công việc này khá vất vả và khô khan.

Trong khi đó, ngành Công nghệ đa phương tiện lại có tính thú vị nhiều hơn, công việc làm sau khi ra trường cũng sẽ nhàn hơn so với ngành Công nghệ thông tin. Do vậy, ngành học này của nhà trường đã thu hút được rất nhiều bạn nữ giỏi về công nghệ thông tin theo học.

A7402319.JPG
Sinh viên ngành Công nghệ đa phương tiện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong giờ học (Ảnh: NTCC).

Với những thuận lợi như vậy, dù là ngành học mới mở nhưng Công nghệ đa phương tiện lại có số lượng thí sinh có nhu cầu đăng ký rất đông dẫn đến tính cạnh tranh cao. Năm 2023, điểm chuẩn đầu vào cao nhất của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với 24.63 điểm theo hình thức xét kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Mặt khác, về công tác đào tạo, theo Trưởng khoa Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông (Trường Đại học Hòa Bình), thực tế hiện nay, hệ thống truyền thông đa phương tiện luôn đòi hỏi sự sống động, sáng tạo, đổi mới không ngừng từ người học, do vậy, khoa và nhà trường luôn cố gắng cung cấp kiến thức tốt nhất để các em sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể hành nghề luôn được, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

Ngoài ra, những ngành thuộc về công nghệ như ngành Công nghệ đa phương tiện luôn đòi hỏi những cái mới nên đây cũng là thách thức đối với các giảng viên giảng dạy và đối với nhà trường khi phải tìm được những giảng viên đáp ứng được nhu cầu của người học.

Tuy nhiên, hiện sự đầu tư của các doanh nghiệp, nhà máy đối với các cơ sở đào tạo về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế cũng là khó khăn cho các trường đại học tư thục.

Để ngành học này ngày càng phát triển, thầy Viên chia sẻ, hiện nhà trường cũng đang triển khai việc hợp tác với các doanh nghiệp, nhằm tăng cơ hội việc làm cả trong nước và quốc tế cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là ở những quốc gia đang rất thiếu nguồn nhân lực.

Cùng bàn về các điều kiện phục vụ công tác đào tạo, Trưởng bộ môn Công nghệ đa phương tiện, khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết thêm, nhà trường luôn đầu tư rất mạnh và bài bản về cơ sở vật chất cho sinh viên. Bên cạnh đó, thuộc một trong những khoa lớn và lâu đời của trường nên ngành học cũng có đội ngũ giảng viên trình độ chuyên môn cao.

Ngoài ra, nhà trường còn kết hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, đài phát thanh - truyền hình để có thể mời các chuyên gia vào giảng dạy nhằm giúp sinh viên tiếp cận được với nhiều kiến thức thực tế trong một số tiết học; đưa sinh viên đến tham quan, thực hành tại các công ty đa phương tiện chuyên nghiệp,...

Em Vũ Trang Nhung, sinh viên năm 2 ngành Công nghệ đa phương tiện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho hay, bản thân em luôn cảm thấy khá may mắn khi lựa chọn vào ngành học này.

Theo đó, trước khi lựa chọn ngành học, em có niềm yêu thích đặc biệt mảng truyền thông và muốn học hỏi, tò mò, trau dồi thêm kiến thức về mặt công nghệ và tìm được ngành Công nghệ đa phương tiện đáp ứng được cả 2 nhu cầu của bản thân nên đã đăng ký xét tuyển vào ngành học này.

Và sau gần 2 năm tham gia học, em nhận thấy rằng, đây là một ngành học rất nhiều tiềm năng và sau khi tốt nghiệp, những kiến thức và kỹ năng đã được trau dồi có thể giúp người lao động ứng dụng vào đa dạng lĩnh vực, ngành nghề trong cuộc sống, đặc biệt là trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh như hiện nay.

Đơn cử, em có thể sử dụng những kiến thức công nghệ của mình ứng dụng vào các mảng giáo dục, truyền thông, giải trí,... nên đáp ứng khá đầy đủ với định hướng phát triển của bản thân.

Nhung nói thêm, trong thời gian ban đầu tham gia học, em cũng gặp phải một số khó khăn khi để chọn ra một định hướng cụ thể cho mình do ngành học này quá rộng mở và do là ngành học về công nghệ nên lúc nào cũng phải cố gắng bắt kịp với xu thế. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng tạo thêm động lực để em cố gắng nhiều hơn trong thời gian học tập tới và cho công việc trong tương lai.

Tường San