Tiêu chí công bố quốc tế có thể khiến CSGDĐH không theo hướng nghiên cứu gặp khó

21/03/2024 06:22
Nhật Lệ

GDVN - Theo lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, tiêu chí số bài báo quốc tế có thể gây khó khăn với các trường chưa nhiều kinh nghiệm nghiên cứu. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Trong đó, tiêu chuẩn số 6 liên quan tới “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” quy định:

Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.

Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.

Điểm b, khoản 1, Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT cũng nêu rõ: "Công bố kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề". Như vậy, chỉ còn 1 năm nữa các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải tiến hành báo cáo.

Tiêu chí số lượng công bố khoa học và công nghệ có thể gây khó khăn cho các trường không theo hướng nghiên cứu

Đánh giá về tiêu chuẩn này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho hay:

“Theo tôi, khi ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên thực trạng của các trường đại học Việt Nam cũng như đã tham khảo tiêu chuẩn tương tự của các trường đại học ở các nước trong khu vực.

Theo tôi được biết, một số trường đại học ở Thái Lan và Trung Quốc cũng đã đặt ra tiêu chí về số xuất bản khoa học/ giảng viên là khoảng 1-1,3 bài/năm. Các trường ở Nhật Bản thì đã đạt khoảng 2,37 bài/ giảng viên/năm. Trong tiêu chuẩn của hệ thống xếp hạng các trường đại học trên thế giới The Times Higher Education thì tiêu chí nghiên cứu (gồm số lượng nghiên cứu, kinh phí nghiên cứu và danh tiếng về nghiên cứu) chiếm tỷ trọng 30% và tiêu chí trích dẫn nghiên cứu cũng chiếm tỷ trọng 30%.

Chính vì vậy, với các trường đã và đang có xu hướng phát triển để hội nhập quốc tế thì tiêu chí 0,3 bài hoặc thậm chí 0,6 bài trên một giảng viên toàn thời gian là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, tiêu chí này cũng là khó khăn với các trường chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu".

thay-minh.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: website Bộ Y tế)

Thầy Minh cũng cho biết, hiện tại Trường Đại học Y tế công cộng đã đạt tiêu chí này, số liệu trong 3 năm qua cho thấy trung bình số bài báo trong nước đạt khoảng 1,7 bài/giảng viên và số xuất bản quốc tế đạt khoảng 0,7 bài/giảng viên/ năm. Theo bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2024 (VNUR-2024, Viet Nam’s University Rankings) vừa công bố Top 100 trường đại học trong nước năm 2024 trong tổng cộng 193 trường có đầy đủ số liệu để tiến hành xếp hạng thì Trường Đại học Y tế công cộng xếp thứ 30. Trong đó chỉ tiêu “công bố bài báo khoa học” của nhà trường xếp thứ 12 toàn quốc.

Chia sẻ về nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học của trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng thông tin: Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Y tế công cộng luôn cao hơn 10% tổng nguồn thu của trường. Nhà trường cũng rất chú trọng tăng cường nghiên cứu khoa học và đây là một mục tiêu chiến lược quan trọng của trường.

Trong khi đó, Tiến sĩ Bùi Nhất Vương, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Học viện Hàng không Việt Nam cho rằng: Tiêu chuẩn này có thể khiến nhiều trường gặp khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Học viện Hàng không Việt Nam nói riêng đã có những chính sách để hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

“Ví dụ như thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm (20 triệu đồng/năm), ưu tiên đăng ký tham gia các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, cấp bộ và cấp nhà nước. Trong năm học 2022-2023, chúng tôi đã thực 3 đề tài cấp tỉnh, 2 đề tài cấp bộ. Con số này tiếp tục tăng trong những năm tới.

Từ đó, doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn thu của học viện”, thầy Vương thông tin.

Cũng theo thầy Vương, quy định về số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm hoàn toàn nằm trong khả năng của các cơ sở giáo dục.

“Theo quy định, mỗi năm giảng viên phải dành 1/3 thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học (tương đương 586 giờ). Để đảm bảo số giờ này mỗi giảng viên phải công bố ít nhất một công trình khoa học.

Bên cạnh đó, Học viện hàng không Việt Nam có chính sách thưởng cho mỗi bài báo khoa học. Tùy theo chất lượng công bố sẽ nhận được mức thưởng khác nhau. Tối đa là 100 triệu đồng/bài báo. Đây chính là động lực để giảng viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu và gia tăng số lượng công bố.

thay-vuong-hvhk.jpg
Tiến sĩ Bùi Nhất Vương, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Học viện Hàng không Việt Nam. (Ảnh: website Học viện Hàng không Việt Nam)

Không nên cào bằng các tiêu chuẩn với tất cơ sở giáo dục đại học?

Cùng bàn về vấn đề này, đại diện ban lãnh đạo Học viện Ngân hàng bày tỏ: Quy định về việc tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, số lượng công bố khoa học và công nghệ có mục đích tốt nhằm thực hiện nâng cao năng lực nghiên cứu và thực hiện xếp hạng các cơ sở sở giáo dục đại học hiện nay. Từ đó phát triển chất lượng đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, không nên cào bằng các tiêu chuẩn này đối với tất cả các trường mà cần phải xem xét lại các tỉ lệ đã phù hợp với thực trạng của từng nhóm trường, theo định hướng nghiên cứu hay theo định hướng ứng dụng.

Bên cạnh đó, số lượng công bố khoa học và công nghệ tính riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, cần xem xét phân chia giữa ngành đào tạo tiến sĩ và ngành không đào tạo tiến sĩ thay vì đánh giá chung trong toàn trường. Vì trong cùng một trường, không phải ngành học nào cũng đào tạo tiến sĩ.

Ngoài ra, cần xem xét thêm thời gian lộ trình để các trường đạt chuẩn về số lượng công bố quốc tế. Mốc thời gian ngắn như vậy sẽ gây ra khó khăn cho các trường khi không kịp để phấn đấu trở thành chuẩn như quy định. Nhìn vào thực tế, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường đại học ở nước ta hiện nay đang còn thấp, đặc biệt là ở các trường mới mở hoặc có quy mô tuyển sinh thấp.

Theo báo cáo công khai tài chính cơ sở giáo dục năm học 2022-2023, năm 2022 nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện Ngân hàng là 1,800 tỷ đồng (tổng thu là 385,016 tỷ đồng, tức chỉ chiếm 0,47%). Khi được phóng viên đề cập tính đến năm 2025 - thời điểm bắt đầu phải tiến hành báo cáo, Học viện Ngân hàng dự kiến có thể đạt được con số 5% nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của trường theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT hay không, đại diện ban lãnh đạo Học viện Ngân hàng cho hay:

Học viện Ngân hàng đang từng bước hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ tại Học viện Ngân hàng để đạt được các mục tiêu theo Chiến lược phát triển Học viện Ngân hàng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2045. Đối với việc gia tăng nguồn thu từ khoa học công nghệ, trong năm vừa qua, Học viện Ngân hàng đã đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức khác trong và ngoài nước, đặc biệt trong hợp tác trao đổi chuyên gia, nghiên cứu. Đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, tìm kiếm các nguồn lực tài chính bên ngoài để hỗ trợ và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học và công nghệ.

Học viện Ngân hàng tiếp tục chú trọng tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trên nhiều cấp độ và hình thức. Tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới trong các hoạt động tổ chức các sự kiện khoa học quốc tế; hợp tác công bố quốc tế, xuất bản sách; hợp tác trong các chương trình, dự án nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trực tiếp và trực tuyến của Học viện Ngân hàng

Học viện Ngân hàng cũng chú trọng hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Trong đó, chú trọng đến các nhóm nghiên cứu khoa học trẻ; hợp tác trong công tác kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo nhằm tạo thuận lợi cho Học viện Ngân hàng trong việc kết nối các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên, nhờ đó củng cố thương hiệu nhà trường và nâng cao uy tín học thuật trên trường quốc tế.

Về tiêu chuẩn số bài báo quốc tế, đại diện ban lãnh đạo Học viện Ngân hàng cũng cho biết thêm: Số liệu năm 2023 cho thấy số công bố quốc tế bình quân của giảng viên Học viện Ngân hàng cũng xấp xỉ mức đề ra của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT. Trong những năm qua, Học viện Ngân hàng đã rất chú trọng tới việc nâng cao năng lực khoa học của giảng viên, thông qua việc tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, việc đào tạo bồi dưỡng giảng viên trong hoạt động nghiên cứu. Các cơ chế chính sách thúc đẩy giảng viên trong việc nghiên cứu cũng được ban hành đảm bảo theo đúng định hướng đề ra của Chiến lược phát triển Học viện Ngân hàng.

hvnh-tuong-san-3989.jpg
Tỷ trọng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện Ngân hàng năm 2022 chỉ chiếm 0,47%/ tổng nguồn thu. (Ảnh: website Học viện Ngân hàng)

Cần có cơ chế tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Minh với tiêu chí “Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm” nên quy định rõ ràng hơn.

“0,3 bài/năm và 0,6 bài/năm là chỉ tính các bài báo xuất bản trên các tạp quốc tế hay tính cả bài quốc tế và bài báo xuất bản trên các tạp chí khoa học trong nước. Trong tiêu chí này có 3 tiểu mục thì chỉ có tiểu mục về “số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm” là rõ ràng, còn 2 tiểu mục còn lại theo tôi cần rõ ràng hơn để đảm bảo công tác báo cáo thống nhất giữa các đơn vị”, thầy Minh nhấn mạnh.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, để tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các cơ sở giáo dục cần có cơ chế phù hợp để thúc đẩy cán bộ giảng viên nghiên cứu khoa học, xuất bản quốc tế. Cần đưa vào quy chế thi đua khen thưởng, tăng cường năng lực, cơ chế động viên khuyến khích để giảng viên chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và xuất bản. Các trường cũng cần khuyến khích và tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học.

thumb-chuan.jpg
Cần có thêm các chính sách khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học. (Ảnh minh họa: website Trường Đại học Y tế công cộng)

Trong khi đó, đại diện ban lãnh đạo Học viện ngân hàng cũng nêu ra một số đề xuất với tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo:

Đối với tiêu chí tỷ trọng thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở đại học có đào tạo tiến sĩ tính trung bình trong 3 năm gần nhất không dưới 5% được đánh giá khó khả thi đối với cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hiện nay. Do đó Học viện Ngân hàng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các trường lộ trình dài hơn để chuẩn bị và có kế hoạch phát triển nguồn lực và nhân lực nhằm phát triển khoa học và công nghệ từng bước tạo doanh thu.

Bên cạnh đó, cần có thêm các cơ chế gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Cụ thể:

Chính phủ và các bộ, ngành tạo môi trường để mở rộng mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức khác. Đặc biệt trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, giúp giảng viên, nghiên cứu viên có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi phương pháp nghiên cứu khoa học và hợp tác, triển khai các dự án nghiên cứu có chất lượng, hiệu quả cao.

Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu tăng nguồn tài trợ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là kinh phí cho việc mời các giáo sư, chuyên gia nghiên cứu khoa học hàng đầu trong và ngoài nước đến giảng dạy, tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Có cơ chế tiền lương, chính sách đãi ngộ phù hợp hơn với đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao nhằm khuyến khích, động viên đối tượng này phát huy và cống hiến hơn nữa.

Bộ Tài chính cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn về việc sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ, giúp các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại mạnh dạn trích lập, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ để phát triển nghiên cứu khoa học và cải tiến công nghệ… tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường khoa học và công nghệ hiệu quả, bền vững, lâu dài.

Nhật Lệ