Tại phiên họp của Ủy ban Thường Quốc hội vào ngày 15/3 vừa qua, góp ý dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Khuất Việt Hùng (Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đề nghị bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy điện và xe dưới 50cc.
Đồng thời, ông Hùng cũng đề nghị việc cấp phép lái xe máy điện và xe dưới 50cc cần áp dụng cho cả trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông cũng lấy ví dụ, năm 2023, gần 1.000 trẻ dưới 18 tuổi thiệt mạng và 1.300 em bị thương do tai nạn giao thông. 80% nạn nhân thuộc độ tuổi 15-18 và tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn. [1]
Nội dung đề xuất trên nhận được sự ủng hộ đồng tình của xã hội, vì thực tế hiện nay, học sinh lái xe máy điện, xe dưới dưới 50cc đến trường học, tham gia giao thông là khá phổ biến. Những vụ tai nạn giao thông do học sinh không làm chủ tay lái, thiếu hiểu biết về luật giao thông đã không còn là hiếm gặp.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 9 (Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội) cho hay, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp với nhà trường để tổ chức cho học sinh trung học phổ thông hiểu về việc điều khiển phương tiện tham giao thông cần những yếu tố như nào. Đơn cử như là hiểu biết về sức khỏe và luật giao thông đường bộ, khi đó các em mới được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Từ đó, việc áp dụng chế tài cấp bằng lái với cả học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện, xe máy dưới 50cc là điều cần thiết. Bởi vì, tốc độ của các phương tiện này đều đạt 40km/h khi xảy ra va chạm hoàn toàn có thể gây thiệt hại về người.
"Đồng thời, luật cũng cần giới hạn độ tuổi không được phép điều khiển phương tiện xe máy điện, xe đạp điện. Hiện nay, có những học sinh trung học cơ sở cũng lái xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông", Thiếu tá Chinh nói.
Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 9 cho hay, để giảm thiểu tai nạn giao thông do học sinh lái xe máy điện, xe đạp điện, xe máy dưới 50cc gây ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và lực lượng chức năng, từ đó mới tạo ra ý thức chấp hành giao thông cho học sinh.
Bên cạnh đó, chế tài học sinh phải có bằng lái khi điều khiển xe máy điện, xe máy dưới 50cc tham gia giao thông, cũng là điều rất tốt để phụ huynh tin tưởng giao phương tiện cho con em.
Bản thân học sinh cũng sẽ ý thức được việc chấp hành luật lệ giao thông chính là hành động văn minh, bảo vệ chính bản thân và người khác.
Thiếu tá Chinh cho biết, trong khu vực nội thành có nhiều trường hợp học sinh lái xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, thiếu quan sát khi sang đường, đi hàng hai hàng ba... gây mất an toàn giao thông.
Thực tế, việc điều khiển xe máy điện, xe đạp điện có tay lái nhẹ, nên khi chuyển hướng, xử lý tình huống khó làm chủ tay lái.
"Chưa kể, hiện nay nhiều nơi bán xe máy điện, xe đạp điện tràn lan không rõ nguồn gốc cũng là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với người sử dụng", Thiếu tá Chinh nêu.
Thiếu tá Trần Quang Chinh chia sẻ thêm, nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức đến việc quán triệt khi giao phương tiện cho con em tham gia giao thông. Có những trường hợp họ vẫn cho rằng, giao cho con lái phương tiện là đúng.
Theo đó, khi con em họ bị lực lượng chức năng xử lý, phụ huynh tỏ ra khó chịu và nói: "Các chú xử lý như này, cháu nó sẽ đi muộn giờ học", hay "Nhà tôi làm gì có người, ai đưa cháu đi học được".
"Nếu người gây ra tai nạn nghiêm trọng chưa đủ tuổi thành niên, thì người giao phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm. Trong khi nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu quy định đó", Thiếu tá Trần Quang Chinh cho hay.
Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, việc đưa ra quy định xe máy điện, xe có động cơ dung tích xi lanh dưới 50 phân khối phải có giấy phép lái xe là không cần thiết. Điều này, làm tăng thêm thủ tục hành chính cấp phép xe.
"Thực tế tai nạn giao thông đến từ nhiều nguyên nhân, ý thức người tham gia giao thông là chính.
Từ năm 2008 chúng ta đã có Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định xử phải vi phạm hành chính điều chỉnh người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được điều khiển các loại xe có dung tích xi lanh trên 50cm.
Tuy nhiên tình trạng tan giờ học tại các cổng trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có thể dễ dàng quan sát thấy học sinh đã điều khiển xe có dung tích xi lanh trên 50cm chở hai chở ba, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng… “phạt cứ phạt, vi phạm cứ vi phạm”.
Điều này phản ánh ý thức của một bộ phận phụ huynh đã giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, mặc dù đã có chế tài hình sự, hành chính, bồi thường dân sự đối với người giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, song tình trạng vẫn tiếp diễn", luật sư Khuyên nhận định.
"Tôi đề xuất đưa kiến thức và các nội dung về giao thông đường bộ, lồng ghép vào môn giáo dục công dân như một phần bắt buộc. Qua đó, học sinh được giáo dục kiến thức an toàn khi tham gia giao thông, không cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc các em phải có giấy phép lái xe, phải tham gia sát hạch rồi thêm thủ tục hành chính cấp phép lái xe", luật sư Khuyên nêu quan điểm.
Ngoài ra, các phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc không giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, nhắc nhở con em chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Phụ huynh cũng phải nhận thức được rủi ro khi khi cho con em tham gia giao thông đường bộ có thể bị tai nạn, và phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu gây tai nạn cho người khác.
Đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cần kết hợp với nhà trường trong việc “nói không với việc để học sinh chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ độ tuổi điều khiển xe quá dung tích xi lanh”.
Chia sẻ về đề xuất trên, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Sĩ Sùa (chuyên gia giao thông) cho hay, theo các quy định hiện nay, người lái xe máy điện, xe máy dưới 50cc chưa cần phải có bằng lái. Vì vậy, ông đồng tình với việc cần phải có quy định cấp phép với đối tượng lái phương tiện trên, trong đó có đối tượng là học sinh.
Ông cho rằng, trước mắt cần phải tuyên truyền giáo dục cho học sinh, cũng như người dân. Theo đó, trong chương trình giáo dục pháp luật của các nhà trường cần tuyên truyền cho các em về kỹ năng tham gia giao thông.
"Đối với các em học sinh tiểu học, nhà trường cần cho các em biết kỹ năng về đi bộ qua đường, chỗ ngã ba, ngã tư.. với học trung học cơ sở là cách đi xe đạp an toàn và đến trung học phổ thông là lái xe máy điện, xe máy dưới 50cc.
Thông qua tuyên truyền với học sinh, người dân, sau đó, chúng ta tiến tới thực hiện cấp bằng lái là phù hợp", Giáo sư Từ Sĩ Sùa chia sẻ.
Link bài viết tham khảo:
1) https://vnexpress.net/ong-khuat-viet-hung-dieu-khien-xe-may-dien-cung-can-bang-lai