Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, năm 2023, gần 1.000 trẻ dưới 18 tuổi thiệt mạng và 1.300 em bị thương do tai nạn giao thông. 80% nạn nhân thuộc độ tuổi 15-18 và tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.
Trước thực trạng trên, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/3 vừa qua, góp ý dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Khuất Việt Hùng (Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đề nghị bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy điện và xe dưới 50cc.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ, hiện nay, theo quy định tại Điều 60 luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cc; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cc trở lên.
Thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông điều khiển xe máy máy điện, xe máy dưới 50cc đến trường.
Đáng chú ý, trong số đó có không ít em vi phạm nhiều lỗi về Luật Giao thông đường bộ như không đội mũ bảo hiểm, lái xe chở trên xe ba người...gây nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông.
"Tôi đồng ý với quan điểm nên xem xét ban hành quy định về đào tạo, sát hạch, sử dụng xe gắn máy dung tích dưới 50cc. Bởi lẽ, hiện nay, khi tham gia lưu thông trên đường, các em học sinh còn chưa nhận thức, chưa nắm được các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Việc bổ sung quy định trên là cần thiết để nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện, nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông gây ra", Luật sư Hải nói.
Theo Luật sư, hiện nay, nhiều phụ huynh cho con em đi xe máy điện, xe máy dưới 50cc đến trường gây tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, căn cứ quy định tại Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, điều 74 của Luật hôn nhân gia đình 2014, cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên gây ra.
Cụ thể, đối với con chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại, cha, mẹ sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. (Trừ trường hợp con gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý).
Con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản riêng của mình. Nếu con gây thiệt hại không có tài sản thì cha, mẹ phải bồi thường. Nếu con gây thiệt hại có tài sản nhưng không đủ để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.
Để giảm thiểu tai nạn do người lái xe máy điện, xe máy dưới 50cc trước tiên cần sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, của nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là luật an toàn giao thông.
"Tôi cho rằng, hiện nay các nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền về luật giao thông đường bộ, có nhiều giờ học lý thuyết cũng như thực hành lồng ghép giúp các con có cái nhìn đa chiều, hiểu biết sâu sắc hơn, nắm vững hơn các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, như vậy cũng chưa đủ, ý thức của các bậc phụ huynh và sự giáo dục con cái trong gia đình cũng góp phần quan trọng không kém trong việc nâng cao ý thức của các con", Luật sư Nguyễn Thanh Hải nhận định.
Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, trước đây tại Nghị định 36 của Chính phủ năm 1995 có quy định, người điều khiển phương tiện xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 phải có giấy chứng nhận học tập luật lệ giao thông do ngành Giao thông vận tải cấp.
Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận trên, người lái xe máy dưới 50cc sẽ học tại các trung tâm đào tạo lái xe, mất khoảng vài buổi. Trong khoảng thời gian này, người học sẽ được học những nội dung cơ bản về luật giao thông như nhận diện biển báo giao thông, làn giao thông...
Đến khi Luật Giao thông 2008 được ban hành, nội dung cấp giấy chứng nhận học tập luật lệ giao thông cho người lái xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 không được đưa vào Luật.
Trước đề xuất cấp bằng lái cho người lái xe máy điện và lái xe máy dưới 50cm3, ông Thanh cho rằng, nên áp dụng lại Nghị định 36 năm 1995 của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận học tập luật lệ giao thông cho người lái xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, cũng như xe máy điện.
"Việc cấp giấy chứng nhận sẽ đỡ tốn kém tiền bạc và không mất thời gian như việc cấp giấy phép lái xe", chuyên gia giao thông nhận định.
Thực tế hiện nay, nhiều học sinh khi lái xe máy điện, xe máy dưới 50cm3 đi rất ẩu, lạng lách, đánh võng, gây tai nạn cho người khác. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng giao cho con em phương tiện phân khối lớn, đây là hành vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý, công khai, minh bạch.
"Về phía nhà trường, nếu cấm học sinh không cho học sinh đi xe máy điện, xe máy dưới 50cm3 đến trường cũng khó, vì nhà dân ở gần trường có thể sẽ cho gửi để kiếm thêm thu nhập", chuyên gia nhận định.