PGS.TS Hoàng Hà và hành trình gần 40 năm gắn bó với phòng chống bệnh lao phổi

25/03/2024 06:25
Lưu Diễm

GDVN - Từng là Trung uý, Bác sĩ Quân y, PGS.TS Hoàng Hà tiếp tục gắn bó sự nghiệp giảng dạy với gần 40 năm trong lĩnh vực phòng chống bệnh lao phổi. 

Ngày Thế giới phòng, chống lao hàng năm là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng đối với bệnh lao, nhằm đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10-15 người khác. [1]

Nhân dịp này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Hoàng Hà - nguyên Trưởng Bộ môn Lao và bệnh Phổi, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên; Phó Chủ tịch Hiệp hội Cựu Chiến Binh, Đại học Thái Nguyên; Bác sĩ Chuyên khoa Hô hấp; Chủ tịch Chi hội Phổi Thái Nguyên.

Gần 40 năm gắn bó với công tác đào tạo phòng chống lao

Từng là Trung uý, Bác sĩ Quân y trong Quân đoàn 26, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Hoàng Hà có một niềm đam mê nồng cháy với ngành y. Sau khi xuất ngũ, từ năm 1986, thầy Hà bước vào đảm nhận vai trò là giảng viên và trở thành Trưởng Bộ môn Lao và bệnh Phổi, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên (2010 - 2020).

Từ năm 1983, thầy Hà tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ Nội Khoa tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Đến năm 2002, ông tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Y học Dự phòng, và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lao và Bệnh phổi năm 2009. Ông cũng chính thức nhận học hàm Phó Giáo sư vào năm 2014.

0b47f2097a96d6c88f87.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Hoàng Hà - Nguyên Trưởng Bộ môn Lao và bệnh Phổi, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên; Phó Chủ tịch Hiệp hội Cựu Chiến Binh, Đại học Thái Nguyên; Bác sĩ Chuyên khoa Hô hấp; Chủ tịch Chi hội Phổi Thái Nguyên. Ảnh: NVCC.

Gần 40 năm không ngừng nỗ lực, cống hiến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà vừa học vừa làm cũng như tham gia giảng dạy chuyên ngành hẹp này liên tục. Đồng thời, ông cũng có rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu phục vụ cho công cuộc đẩy lùi và giải quyết bệnh lao ở Việt Nam và trên thế giới như: "Phối hợp vật lý trị liệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện Đa khoa Yên Phong" đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ (2015); "Thực trạng hoạt động phát hiện lao tại Thái Nguyên giai đoạn 2011 – 2015" đăng trên Tạp chí Lao và Bệnh phổi (2016);...

Ông bày tỏ niềm tự hào và hạnh phúc khi được cùng cống hiến trên "con thuyền lớn" Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Bộ môn Lao và Bệnh phổi của nhà trường được thành lập từ năm 1968, qua các thế hệ như cố bác sĩ, thầy giáo Lê Đình Tư, nối tiếp là thầy Trần Quang Ân, thầy Hoàng Văn Hồng,... cho đến nay là cô Nguyễn Thị Lệ, thầy Hoàng Văn Lâm,... Trải qua 56 năm vượt muôn trùng khó khăn của chiến tranh, gian nan của những trận đại dịch, các thầy cô giảng viên, cán bộ đào tạo không ngừng nỗ lực để xây dựng, phát triển bộ môn này.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với công việc đặc biệt này, Phó Giáo sư Hoàng Hà cho hay: "Trong quá trình học tập, trau dồi và nghiên cứu, tôi may mắn được theo học các thầy cô đầu ngành, những giáo sư giảng dạy về ngành y vô cùng tâm huyết. Vì vậy, tôi hiểu rằng nghề thầy thuốc là nghề chữa bệnh cứu người, lương y không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm và có đức".

28770f95b80a14544d1b.jpg
Bộ môn Lao và Bệnh phổi của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên được thành lập từ năm 1968. Ảnh: NVCC.

Ông luôn tìm thấy niềm đam mê, nguồn nhiệt huyết trong công việc giảng dạy của mình, khơi dậy lòng say mê, tình yêu nghề và lòng trắc ẩn, tình yêu thương ở mỗi học trò. Chính vì vậy, không chỉ tham gia giảng dạy Bộ môn Lao và Bệnh phổi cho các đối tượng thuộc bậc đại học và sau đại học, Phó Giáo sư Hoàng Hà còn trực tiếp đào tạo các khóa học tại chỗ cho bác sĩ về chuyên ngành Lao, Bệnh phổi tại các bệnh viện do Sở Y tế của nhiều tỉnh, thành phố ký kết với nhà trường.

Được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm nghề của mình, Phó Giáo sư Hoàng Hà cho biết, năm 2007, nhà trường xây dựng và tổ chức dự án nâng cao vị thế cơ sở bệnh viện Phổi ở các tỉnh phía Bắc nhằm mở ra những khoá học đào tạo bác sĩ chuyên môn về chuyên ngành Lao. Trong giai đoạn đó, các địa phương như Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Yên Bái,... đang phải đối mặt khó khăn vì bệnh lao, phổi trên diện rộng; bởi còn nhiều nguồn truyền nhiễm do vi khuẩn lây lan nguy hiểm tới con người.

Vì vậy, Phó Giáo sư Hoàng Hà quyết định tham gia cùng nhà trường dự án đào tạo lý thuyết, thực hành, hướng dẫn sử dụng cơ sở vật chất, ứng dụng kỹ thuật tại bệnh viện thực hành ở Sơn La.

Tham gia xuyên suốt trong vòng 3 năm, ông không quản ngại xa xôi, liên tục di chuyển giữa Thái Nguyên và Sơn La, hết lòng với công việc. Phó Giáo sư Hoàng Hà luôn tâm niệm mong muốn bản thân có thể góp công sức vào công cuộc đẩy lùi bệnh lao.

Ngay từ khi khởi động chương trình đào tạo chuyên ngành về Lao và Bệnh phổi, ông cùng đồng nghiệp trực tiếp lên Sơn La để gặp gỡ, trao đổi với học viên cũng như tạo điều kiện thuận lợi để cùng chung tay phối hợp phòng, chống căn bệnh truyền nhiễm này. Bên cạnh một số tuần giảng dạy bằng phương thức trực tuyến, kết hợp công nghệ thông tin vào ngành y, Phó Giáo sư Hoàng Hà được phân công trực tiếp đi tới vùng sâu, vùng xa để giảng dạy.

"Vào khoảng thời gian đó, lịch trình của giảng viên được sắp xếp rất dày đặc. Trong những tuần đầu, tôi giảng dạy liên tiếp 5,6 buổi trên Sơn La, tuy nhiên theo lịch, cũng có những hôm tôi chỉ lên đây để giảng 1 buổi cho học viên.

Cứ đến 20 giờ, sau khi tranh thủ ăn bữa cơm tối với gia đình, tôi lại ra bến xe và di chuyển đến Sơn La. Tới 7 giờ sáng hôm sau, tôi lên lớp để giảng dạy cho đến buổi chiều. Vào 8 giờ tối, tôi lại tiếp tục bắt xe, đi ngược trở về Thái Nguyên đến khoảng 6 giờ sáng, để kịp cho sớm hôm sau có thể tiến hành họp giao ban, trực văn phòng bộ môn và lên lớp giảng dạy được như bình thường. Bởi lẽ, Bộ môn có những giai đoạn còn đang thiếu hụt về nhân lực đào tạo.

Quả thật, những học viên chính là nguồn động lực đặc biệt cho tôi nỗ lực gắn bó với công việc này. Có rất nhiều người học đến từ các huyện cách xa đến hàng trăm cây số, nhưng luôn sẵn sàng, say sưa tiếp thu kiến thức, trau dồi chuyên môn phòng chống, chữa bệnh cho mọi người. Điều đó khiến tôi thấy xúc động, thấy công việc của mình ý nghĩa biết bao", thầy Hà bày tỏ.

a28e5fb629288576dc39.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Hoàng Hà nghiên cứu về kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn lao. Ảnh: NVCC.

Sự nỗ lực của Phó Giáo sư Hoàng Hà cùng với nhà trường đã được thể hiện và minh chứng qua kết quả nghiệm thu của dự án. Các đơn vị đối tác đầu tư đánh giá cao về dự án này.

Chia sẻ về điểm đặc thù của các y, bác sĩ làm việc trong lĩnh vực lao và bệnh phổi trên cả nước, ông cho rằng, đội ngũ dành rất nhiều những tình cảm tri ân, cảm thông sâu sắc với nhau, gắn bó mật thiết qua những hội nghị khoa học, cuộc họp giao ban, tổng kết liên ngành,... Bởi lẽ, họ có cùng một mục tiêu, một đích đến giống nhau là chung tay ngăn chặn, phòng chống và đẩy lùi bệnh lao, phổi.

Triết lý nhân văn tích cực đó chính là sợi dây vô hình kết nối giữa ông với các đồng nghiệp. Điều này còn lan tỏa tới cả học viên, sinh viên, người bệnh, và trên hết, để cộng đồng cùng hướng đến một thế giới không còn bệnh lao.

Hướng đến mục tiêu "thanh toán" bệnh lao, phổi

Theo Phó Giáo sư Hoàng Hà, trải qua 142 năm (kể từ năm 1882), Robert Koch - bác sĩ, nhà sinh vật học người Đức đã tìm ra vi khuẩn lao. Mặc dù con người đã có nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc phòng chống bệnh lao, nhưng mỗi năm, căn bệnh này vẫn đang là đại dịch cướp đi vài triệu sinh mạng con người trên toàn cầu.

Ông cho biết các nhà sử học đã từng nhận định rằng, cuộc chiến với bệnh lao là một trong những cuộc chiến dai dẳng và khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Đây không chỉ là cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan và tấn công của vi khuẩn, mà còn là cuộc chiến vượt qua chính bản thân mình, giữ vững vàng tâm thế của một bác sĩ trên mặt trận phòng chống lao.

Thế giới từng chứng kiến và trải qua các trận đại dịch nguy hiểm như HIV/AIDS, COVID-19,... Bệnh lao cũng là một trong những đại dịch nguy hiểm và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống con người, chúng ta cần kiểm soát và phòng chống quyết liệt.

Trên thế giới, bệnh lao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người nhiễm HIV. Khi bệnh nhân nhiễm cả HIV và bệnh lao thì sẽ được gọi là đồng nhiễm HIV và lao. Điều này tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm, gây tổn thương lớn tới sức khoẻ con người.

Phó Giáo sư Hoàng Hà nêu thông tin: Năm 2023, Việt Nam có 106.086 trường hợp mắc lao, và là nước đứng thứ 11 trên 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới.

30f3e032-29b1-4f8a-8847-7715d461b82c.jpeg
Phó Giáo sư Hoàng Hà tham gia Hội nghị Khoa học Bệnh phổi Toàn quốc VILA năm 2023. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Hoàng Hà đánh giá, lao phổi là một căn bệnh dai dẳng, khó kiểm soát và tạo gánh nặng lớn cho xã hội. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lao là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường gây bệnh ở phổi. Bệnh lan truyền từ người sang người thông qua các giọt bắn ra từ cổ họng và phổi của người bệnh.

Để hoàn toàn đẩy lùi và "thanh toán" được bệnh lao, chúng ta rất cần tinh thần chủ động của cộng đồng, sự đồng lòng của xã hội và huy động nhiều nguồn lực trên cả thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh lao phổi vẫn là gánh nặng lớn ở một số quốc gia, nhất là tại các đất nước đang phát triển.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này thường gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với các gia đình bị ảnh hưởng, làm giảm thu nhập hàng năm của họ xuống trung bình 50% và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có.

Mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới mang tên "Chấm dứt bệnh lao" có tham vọng tiến tới giảm 95% số ca tử vong và 90% ca bệnh lao trước năm 2035. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch mới, WHO kêu gọi Chính phủ các nước trên thế giới nhanh chóng áp dụng những chính sách năng động để hỗ trợ các chương trình phòng và chống lao, từng bước thanh toán căn bệnh nguy hiểm này. [2]

"Tuy nhiên, nếu chúng ta không có sự vận động hiệu quả từ các nguồn lực xã hội, kiểm soát một cách toàn diện, kết hợp với ý chí nỗ lực của truyền thông; thì mục tiêu hướng tới năm 2035 thanh toán bệnh lao phổi có thể chưa khả thi và khó lòng đạt được", Phó Giáo sư Hoàng Hà đánh giá.

1d9bdc2db1b31ded44a2.jpg
Phó Giáo sư Hoàng Hà thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân lao. Ảnh: NVCC.

Mặt khác, một bộ phận bệnh nhân không may bị mắc bệnh lao phổi là những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội, có thu nhập thấp. Theo Phó Giáo sư Hoàng Hà, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới bộ phận bệnh nhân này cũng như nhóm người già, trẻ nhỏ, người vô gia cư hay các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh nghĩa vụ của người thầy thuốc cần có sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân bởi những người bệnh luôn có tâm lý mong muốn được giao lưu, chia sẻ và nhận được sự đồng cảm. Đây chính là "liều thuốc" tinh thần quý báu mà lương y, bác sĩ có thể giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân.

Bên cạnh đó, bác sĩ về lĩnh vực bệnh lao không chỉ chữa trị cho bệnh nhân, mà chính họ cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh này với nhiều chủng khác nhau. Có giảng viên, bác sĩ bị mắc bệnh lao khá nặng nề, nhưng nhờ có phác đồ điều trị tốt, cách thức chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ khoa học, kỹ lưỡng nên đã phục hồi nhanh chóng.

Do vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà cho biết, khi giảng dạy và đào tạo sinh viên Bộ môn Lao và Bệnh phổi, ông còn trang bị cho người học những hiểu biết, những kiến thức về công tác bảo hộ, trang bị quần áo, khẩu trang, thời gian thăm khám bệnh hiệu quả, giảm thiểu trường hợp lây lan, nâng cao thể trạng sức khoẻ và cách thức phòng chống bệnh kỹ lưỡng.

Nâng cao chất lượng đào tạo và phòng chống lao, bệnh phổi

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư Hoàng Hà nêu thông tin, ở một số quốc gia hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học không đào tạo chuyên ngành này. Song, về chiến lược đào tạo, Việt Nam vẫn giảng dạy chuyên ngành này theo định hướng của Bộ Y tế. Bởi lẽ, chuyên ngành học này có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống.

Thực tế cho thấy, nhu cầu của các cơ sở đào tạo tuyển sinh người học ở bậc đại học và sau đại học rất nhiều. Tại các bệnh viện trên cả nước, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, cơ sở khám chữa bệnh cũng liên tục nâng cao chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ về bệnh lao phổi.

Trong khi đó, những giảng viên cơ hữu vừa thực hiện giảng dạy trên trường, vừa khám chữa bệnh theo ca kíp bác sĩ trong bệnh viện thì tương đối vất vả và khá eo hẹp về thời gian. Vì vậy, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên luôn khuyến khích, ủng hộ và mời các thầy cô chuyên ngành này về cùng làm việc với nhà trường.

a0c6bd89dc1770492906.jpg
Phó Giáo sư Hoàng Hà hội chẩn với các bác sĩ X-quang chẩn đoán lao. Ảnh: NVCC.

Về chất lượng đào tạo, Phó Giáo sư Hoàng Hà cho biết, các giảng viên, cán bộ công tác ở Đại học Thái Nguyên được hỗ trợ nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, bệnh viện thực hành tạo thuận lợi cho quá trình học tập và nghiên cứu.

Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, người học còn có thể tìm hiểu kiến thức qua video, thực tế ảo. Có thể nói, chất lượng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm của Đại học Thái Nguyên không có sự chênh lệch đáng kể khi so với các bệnh viện trung ương hay bệnh viện tại thành phố lớn.

Cùng với hướng đổi mới giáo dục của nhà trường, bộ môn đã đẩy mạnh phương thức đào tạo Elearning, học liệu điện tử, sách điện tử, sách audio,... theo sự phát triển của Internet và công nghiệp hoá 4.0. Đây là bộ môn sớm nhất trong nhà trường có chương trình đào tạo trực tuyến hoàn chỉnh.

Trong tương lai gần, thầy Hà hi vọng chất lượng đào tạo có thể đạt đến đỉnh cao của "tam giác tự chủ". Đó là tự chủ đào tạo, tự chủ bệnh viện và tự chủ người học.

Hầu hết các giảng viên vừa tham gia đào tạo, giảng dạy ở nhà trường, đồng thời vừa tham gia điều trị bệnh lao trực tiếp ở các bệnh viện.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh lao ngày càng giảm thiểu ít đi là một dấu hiệu tốt, tuy nhiên nhiều bệnh viện chưa đáp ứng kịp nhu cầu chữa trị bệnh phổi. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các bệnh viện đang dần bước vào tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn, công tác đầu tư cho nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chủ yếu phụ thuộc vào cách thức tổ chức, quản lý của mỗi bệnh viện.

Theo Phó Giáo sư Hoàng Hà, ban lãnh đạo của mỗi cơ sở bệnh viện nên chủ động xây dựng lộ trình, định hướng cụ thể, rõ ràng, như quy hoạch tối ưu biên chế, tăng cường phòng khám dịch vụ,...

Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng cần thiết nữa là cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, công tác điều trị và phòng chống bệnh lao.

d0c3185172cfde9187de.jpg
Phó Giáo sư Hoàng Hà thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân lao. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, Phó Giáo sư Hoàng Hà cũng cho rằng, công cuộc "thanh toán" bệnh lao không phải là công việc chỉ trong một sớm một chiều. Mỗi cơ sở giáo dục đào tạo cần liên tục củng cố hệ thống kiến thức, cập nhật nội dung chương trình chuyên sâu, xây dựng tầm nhìn chiến lược dài hạn và giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Cũng nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao, Phó Giáo sư Hoàng Hà khẳng định, đây chính là thời cơ để chúng ta củng cố sự đồng lòng, cùng kêu gọi, vận động, động viên mọi người tham gia chung tay, chung sức đẩy lùi bệnh lao, từ đó mang đến niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc cho mọi nhà.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tytphuongphutrung.medinet.gov.vn/truyen-thong-va-giao-duc-suc-khoe/huong-ung-ngay-the-gioi-phong-chong-lao-243-c8163-145030.aspx#:~:text=Ng%C3%A0y%20Th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi%20ph%C3%B2ng%2C%20ch%E1%BB%91ng%20lao%20(24%20th%C3%A1ng%203),b%E1%BB%87nh%20lao%20tr%C3%AAn%20to%C3%A0n%20c%E1%BA%A7u.

[2] https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/huong-toi-muc-tieu-xoa-bo-hoan-toan-benh-lao-vao-nam-2035-295871.html

Lưu Diễm