Sau hội nghị GDĐT vùng, giáo dục Cần Thơ có nhiều chuyển biến dù vẫn còn bất cập

26/03/2024 06:27
Mộc Trà

GDVN-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, từ cuối năm 2022 đến năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 6 Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, qua đó góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra.

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào tháng 02/2023.

Tại hội nghị, đã có rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc được đưa ra trao đổi, bàn luận và cùng tìm giải pháp.

Từ sau hội nghị, giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục có chuyển biến tích cực.

z5271197060762_eb01f3f408995eed49dcdf15ad9db04d.jpg
Thầy Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. NVCC.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại trường lớp theo hướng dẫn của Bộ

Một trong những kết quả tích cực của ngành giáo dục và đào tạo thành phố là tỉ lệ huy động trẻ đến trường và kiên cố hóa trường lớp - một trong những tồn tại được chỉ ra trong hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, tỉ lệ huy động trẻ mầm non đến trường năm học 2022-2023 đạt và vượt chỉ tiêu thành phố giao: trẻ nhà trẻ đạt 51,99%; trẻ mẫu giáo đạt 99,30% (trong đó trẻ mẫu giáo 05 tuổi đạt 99,91%)

Tỉ lệ huy động đúng độ tuổi phổ thông đạt và vượt chỉ tiêu thành phố giao: tiểu học 100%; trung học cơ sở 95,71%; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2022-2023 được tuyển mới vào lớp 10 trung học phổ thông (số thực tế nhập học) năm học 2023-2024 là 87,94%.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất chủ trương nâng cấp, sửa chữa nhiều trường phổ thông trên địa bàn từ nguồn kinh phí dành cho sự nghiệp giáo dục, cụ thể:

Trong giai đoạn từ năm 2021-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố nâng cấp, xây dựng mới 05 dự án với tổng mức đầu tư trên 193,8 tỷ đồng, gồm: dự án Trường Trung học phổ thông Chuyên Lý Tự Trọng (trên 79,9 tỷ đồng), dự án Trường Dạy trẻ khuyết tật (trên 8,8 tỷ đồng), dự án Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tân Lộc (trên 39,9 tỷ đồng), dự án Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thới Thuận (trên 39,9 tỷ đồng), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (trên 24,9 tỷ đồng).

Tỉ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố các trường phổ thông trên địa bàn hiện đạt trên 99,84%, xóa được các phòng học tạm; hệ thống phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ và các công trình phụ trợ được quan tâm đầu tư; tỉ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia từng bước được nâng lên.

Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia tính lũy kế đến ngày 12/3/2024 là: 350/445 trường (đạt tỉ lệ 78,7%), trong đó: mầm non 125/172 trường (tỉ lệ 72,7%); tiểu học 148/166 trường (tỉ lệ 89,16%); trung học cơ sở 55/69 trường (tỉ lệ 79,7%); trung học phổ thông 22/38 trường (tỉ lệ 57,9%); tăng 1,15% so với năm qua. 100% trường học được kết nối mạng Internet và đều có website, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, bổ sung hằng năm, cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy - học.

Theo vị Giám đốc Sở, một trong những chuyển biến tích cực nữa là hiện tại, tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày ở một số địa phương trên địa bàn đảm bảo 100%.

Ngoài ra, hoạt động giáo dục trải nghiệm, tham quan thực tế hỗ trợ việc dạy và học được các cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện. Qua tiếp cận thực tiễn, học sinh liên hệ với kiến thức bài học, dùng kiến thức bài học lý giải các vấn đề thực tiễn và từ thực tiễn học sinh hiểu tính ứng dụng của kiến thức môn học; từ đó nảy sinh các ý tưởng sáng tạo. Hoạt động trải nghiệm còn giúp học sinh hoàn thiện những phẩm chất, năng lực chung theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, giúp học sinh mở rộng tri thức về lịch sử, văn hoá. Qua trải nghiệm thực tiễn, học sinh phát huy kỹ năng quan sát, thu thập, ghi nhận thông tin, tư liệu từ đời sống; biết chọn lọc thông tin để đúc kết thành bài thu hoạch phù hợp với mục tiêu bài học; hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức và tự quản lý cho học sinh; tạo cơ hội cho học sinh hiểu nhau, nâng cao tinh thần đoàn kết, phát triển các mối quan hệ bạn bè tốt đẹp.

Một số địa phương gặp khó khăn về quỹ đất cũng đã xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, đảm bảo quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường theo quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường trung học cơ sở...

Hiện nay, các quận huyện đang rà soát để sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 826/BGDĐT-CSVC ngày 29/02/2024, đảm bảo tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi và cơ hội học tập cho mọi người vừa học vừa làm, học liên tục, học suốt đời, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; bảo đảm xóa mù chữ bền vững, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đào tạo giáo viên tích hợp, giúp giải quyết dứt điểm tình trạng “chắp vá

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề đảm bảo số lượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tuyển dụng viên chức hoặc hợp đồng giáo viên theo quy định.

z5271346874621_725e24d31d96f782e178153a64bd0abd.jpg
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề đảm bảo số lượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Sở GD&ĐT Cần Thơ cung cấp.

Cụ thể, về tỉ lệ giáo viên/lớp: mầm non (1,97); tiểu học (1,40); trung học cơ sở (1,87) và trung học phổ thông (2,15).

Tình hình tuyển dụng viên chức năm học 2023-2024 của ngành giáo dục và đào tạo thành phố cụ thể như sau:

Tại các quận, huyện: Tính đến thời điểm tháng 02/2024, có 06 quận huyện đã hoàn tất quá trình tuyển dụng, tuyển được 225 viên chức, trong đó có 183 giáo viên và 42 nhân viên. Số giáo viên, nhân viên còn thiếu so với đầu năm là 395 (gồm 316 giáo viên và 79 nhân viên).

Tại các đơn vị trực thuộc Sở, năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng cho 19 đơn vị với tổng chỉ tiêu 116 người. Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã tuyển được 37 người, còn thiếu 87 giáo viên và 12 nhân viên.

“Nhìn chung, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra ở tất cả các cấp học, bậc học; ở cấp tiểu học, nhiều nhất là giáo viên giảng dạy các môn cơ bản, tiếp đến là giáo viên môn Tin học, môn Tiếng Anh, môn Âm nhạc.

Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, ngoài các môn chưa có giáo viên có chuyên ngành đào tạo đúng với môn học (môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và Giáo dục địa phương ở cấp trung học phổ thông); số lượng giáo viên thiếu nhiều tập trung ở các môn Âm nhạc và Mỹ thuật” - vị Giám đốc Sở thông tin thêm.

Năm 2024, đã có thêm một số trường đại học đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý.

Trước diễn biến này, thầy Trần Thanh Bình đánh giá: “Việc các trường đại học mở ngành đào tạo giáo viên ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là rất cần thiết, giúp giải quyết khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; giúp các cơ sở giáo dục chủ động trong việc bố trí, phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giải quyết dứt điểm tình trạng “chắp vá” trong phân công giáo viên giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đối với cấp trung học cơ sở (hiện tại, một môn học phải phân công từ 2 đến 3 giáo viên phụ trách, vì các trường đại học chưa đào tạo giáo viên ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý).

Hiện nay, thành phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 18/11/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về “triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành phố Cần Thơ đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”.

Do đó, năm nay, thành phố Cần Thơ chưa triển khai thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu thành phố sớm triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP”.

Còn khó khăn trong công tác chuyển đổi số

Về công tác chuyển đổi số, ngành giáo dục và đào tạo thành phố cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành - đây là nền tảng để triển khai các dịch vụ có liên quan nhằm thúc đẩy công tác chuyển đổi số; xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Hiện tại, đang thực hiện các thủ tục tích hợp vào trung tâm dữ liệu dùng chung của thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức trực tuyến; tổ chức cho 100% học sinh đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông bằng hình thức trực tuyến.

100% giáo viên, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục đều có hồ sơ số; sử dụng phiếu liên lạc điện tử; 100% cơ sở giáo dục đều triển khai thu không dùng tiền mặt; triển khai thí điểm thư viện điện tử, kiểm định chất lượng giáo dục

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra một số khó khăn cần tháo gỡ: “Hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong ngành giáo dục chưa đồng bộ; đường truyền Internet chưa thực sự ổn định; tính đồng bộ của hệ thống đôi lúc chưa được bảo đảm; việc lưu trữ dữ liệu còn phân tán trên các thiết bị, hệ thống khác nhau.

Nhân lực về công nghệ thông tin chưa đồng đều, còn giáo viên lớn tuổi ngại tiếp cận (hoặc tiếp cận chưa hiệu quả) việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý nhà trường. Tính chủ động, linh hoạt của một số cán bộ quản lý, giáo viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chuyển đổi số chưa cao.

Số phòng học được trang bị thiết bị thông minh còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và thực hiện kế hoạch Chuyển đổi số, giáo dục thông minh.

Phần mềm được sử dụng chưa đồng bộ; tính bảo mật chưa được bảo đảm; thiếu tính liên kết giữa các phần mềm, giữa các đơn vị cùng cấp, các cấp (do chưa có quy định về chuẩn kết nối, liên thông trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng,…); chưa đáp ứng yêu cầu về “hồ sơ, học bạ số”; việc ứng dụng các phần mềm trong dạy học, quản lý nhà trường của một số cán bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị chưa hiệu quả;

Công tác tham mưu về xây dựng và triển khai thực hiện Chuyển đổi số ở một số cơ sở giáo dục còn chậm; việc am hiểu về Chuyển đổi số, về giáo dục thông minh của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế.

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực giáo dục thông minh bố trí chưa kịp thời”.

z5271197404150_9c059e13f20ba5c1e557f590a712e261.jpg
Các sản phẩm sáng tạo của học sinh. Ảnh: Sở GD&ĐT Cần Thơ cung cấp.

Một số định hướng thời gian tới của ngành giáo dục và đào tạo thành phố được đề cập đó là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục và các kết quả ứng dụng công nghệ thông tin đã đạt được

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Lựa chọn nội dung và tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên đề kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh. Nội dung bồi dưỡng gắn với nhu cầu thực tiễn về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nhà trường.

Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và công tác thống kê trong giáo dục. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành kết nối với hệ thống phần mềm quản trị nhà trường để triển khai sử dụng các sổ điện tử gồm: sổ theo dõi kết quả đánh giá học tập và rèn luyện của học sinh, học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử và các sổ điện tử khác phù hợp với điều kiện và yêu cầu của nhà trường.

Thường xuyên rà soát và có kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì, nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, dạy môn Tin học, dạy học trực tuyến và làm việc trực tuyến; đảm bảo kết nối Internet tới nhà trường.

Tổ chức thí điểm và triển khai nhân rộng học bạ số ở cấp tiểu học các cấp tiếp theo.

Kiến nghị sớm hướng dẫn in ấn tài liệu Giáo dục địa phương

Từ những khó khăn còn tồn tại trong thực tiễn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị: “Kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc tổ chức in ấn tài liệu Giáo dục địa phương. Lý do: tài liệu Giáo dục địa phương hiện nay của thành phố tuy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phê duyệt nhưng giáo viên chỉ được phép sử dụng bản mềm tài liệu Giáo dục địa phương (file.pdf) đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch bài dạy.

Kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố: Bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Đề án phát triển thành phố Cần Thơ thành đô thị thông minh đối với lĩnh vực giáo dục thông minh”.

Mộc Trà