Thầy và trò đang bội thực với quá nhiều cuộc thi

13/04/2024 06:34
Thuận Phương

GDVN - Đã có tình trạng thầy cô bỏ lớp, học sinh bỏ tiết để tập trung cho các cuộc thi nhằm lấy thành tích.

Thay đổi chương trình và sách giáo khoa đã bước sang năm thứ tư. Đối với giáo viên, nhiều kiến thức cũng như cách dạy hoàn toàn mới so với chương trình cũ trước đây. Để theo kịp sự đổi mới, bắt kịp với chương trình, các thầy cô luôn phải trong tình trạng vừa dạy và vừa học.

Không chỉ tự mình học, nghiên cứu ở nhà sau mỗi giờ lên lớp, thầy cô còn cần học tập trung chuyên môn qua các buổi tập huấn, ngoại khóa…

Các giáo viên dạy các môn tích hợp nếu dạy môn trái chuyên môn thì sự đầu tư cho từng bài giảng, từng tiết dạy đã chiếm hết thời gian ở nhà của các thầy cô.

Tuy nhiên, thực tế, ngoài áp lực về đổi mới, giáo viên hiện đang phải tốn không ít thời gian, tâm sức với hàng chục cuộc thi trong và ngoài ngành giáo dục tổ chức. Đáng nói, không ít cuộc thi với thầy cô, học trò yêu cầu 100% tham gia.

gdvn-thi-ioe-1806-1.jpg
Học sinh tham gia một cuộc thi trực tuyến.

Những cuộc thi của thầy

Có thể kể đến 2 cuộc thi về chuyên môn được tổ chức cố định hàng năm là thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Nói là 2 cuộc thi nhưng có giáo viên đã phải tham gia từ 3 đến 4 cuộc thi trong một năm học. Do vừa thi xong cuộc thi cấp trường lại tiếp tục tham gia cuộc thi cấp huyện, thành phố.

Ngoài những cuộc thi về chuyên môn, có hàng chục cuộc thi trực tuyến từ nhiều cơ quan ban ngành khác tổ chức. Theo thống kê của người viết, một giáo viên bậc phổ thông, từ đầu năm học đến nay, giáo viên đã phải tham gia đến chục cuộc thi cả trực tiếp và trực tuyến. Đơn cử như một số cuộc thi trực tuyến như: Tìm hiểu về Cải cách hành chính; Tìm hiểu pháp luật; Tìm hiểu về biển đảo; An toàn giao thông; Cuộc thi Gửi niềm tin, trao kỳ vọng; Cuộc thi Công nhân viên chức, lao động tìm hiểu Luật phòng, chống ma túy…

Những cuộc thi của trò

Còn với học sinh, một năm cũng có hàng chục cuộc thi đổ bộ về trường. Đầu tiên phải kể đến cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, rồi cấp tỉnh. Để tham dự vào những cuộc thi này, nhiều học sinh đã phải học đêm, học ngày, học quên ăn, quên ngủ.

"Những ngày ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi quả là quá áp lực đối với con. Mỗi ngày con chỉ ngủ được vài tiếng", một học sinh giỏi lớp 10 một trường trung học phổ thông chia sẻ.

Những học sinh tiểu học thì có vô số cuộc thi như Trạng nguyên tiếng Việt; Cuộc thi “Nét cọ tuổi thơ”; Cuộc thi “Vẽ tranh ngôi nhà mơ ước"; Kể chuyện theo sách; Cuộc thi “Viết, vẽ về hành trình mùa xuân lên rừng, xuống biển”; Cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh”; “Mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi là một hướng dẫn viên du lịch – Tour guire”; Cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới”; Cuộc thi nhảy đồng diễn Flashmob "Cùng Kun khỏe mạnh mỗi ngày"; Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện...

Thậm chí có cuộc thi sáng tạo, nếu trường không có sản phẩm nộp sẽ bị cấp trên nhắc nhở nên nhà trường luôn yêu cầu các tổ chuyên môn, các lớp nộp sản phẩm trong khi học sinh lại không có hào hứng tham gia vì yêu cầu quá khó.

Không ít cuộc thi chồng chéo nội dung

Các cuộc thi của giáo viên và học sinh cứ liên tục dội về, cuộc thi này vừa triển khai được vài ngày, cuộc thi khác lại bắt đầu khởi động.

Không ít cuộc thi là dành cho học sinh nhưng giáo viên vẫn phải đóng vai trò chủ đạo từ lên ý tưởng, hướng dẫn, tập dượt hết ngày này đến ngày khác. Cùng với đó, thầy cô cần kiểm tra liên tục và nhắc nhở các em mỗi ngày. Nhiều cuộc thi chồng chéo nhau về đề tài. Cũng là vẽ, hết vẽ theo ý tưởng trẻ thơ rồi vẽ về ngôi nhà mơ ước.

Hay như về tiếng Anh, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trường học được chỉ đạo tham gia 3 cuộc thi như Cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh”; Cuộc thi Mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi là một hướng dẫn viên du lịch – Tour guire”; Cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới”.

Điểm chung của cả 3 cuộc thi này, đều có phần quay clip giới thiệu về phong cảnh, ẩm thực nổi tiếng, phong tục tập quán của quê hương để giới thiệu tới mọi người.

Thông thường, đã không tham gia thi thì thôi, trường tham gia cần phải đầu tư kỹ càng vì tham gia cho có hoặc không tham gia sẽ bị cấp trên nhắc nhở.

Trường, lớp, thầy trò đầu tư nghiêm túc thì cần thời gian chuẩn bị, luyện tập. Thực tế, không phải học sinh nào cũng đủ tự tin để đứng thuyết trình lưu loát. Vì vậy, có nơi xuất hiện tình trạng thầy cô giáo bỏ lớp, học sinh bỏ tiết học chỉ để tập trung cho việc “đem chuông đi đánh xứ người”.

Một giáo viên tiếng Anh chia sẻ: “Để học sinh nói bằng tiếng Anh và quay clip không đơn giản chút nào. Giáo viên phải viết lời, hướng dẫn các em tập nói, tập diễn rồi dẫn đi quay clip ròng rã nhiều ngày. Thầy cô phải đầu tư không ít thời gian, công sức để dựng clip và chạy chữ. Học sinh cũng phải miệt mài học”.

Có trường còn tạo điều kiện cho học sinh tham dự các cuộc thi được miễn kiểm tra bài cũ để đầu tư thời gian cho cuộc thi.

Người viết rất tâm đắc với ý kiến của lãnh đạo ngành giáo dục tại buổi gặp gỡ nhà giáo trong năm 2023. Theo lãnh đạo ngành giáo dục, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những văn bản chỉ đạo, thống nhất số lượng, danh mục các cuộc thi do ngành Giáo dục tổ chức trong năm học.

“Các cuộc thi do các đơn vị, tổ chức, bộ, ngành, đoàn thể khác cũng rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi cũng mong lãnh đạo các địa phương cũng như lãnh đạo các cơ sở giáo dục cân nhắc quyết định việc có tham gia hay không. Với danh mục cuộc thi do Bộ GD&ĐT ban hành thống nhất cả nước, các cơ sở giáo dục cần phải tham gia.

Song, với rất nhiều các cuộc thi khác, tôi đề nghị nếu không phải là bắt buộc, các trường có quyền lựa chọn. Các địa phương cũng cần có ý kiến sao cho không chồng chéo các cuộc thi, gây khổ sở cho các giáo viên và học sinh”, lãnh đạo ngành giáo dục chia sẻ [1]

Tài liệu tham khảo

[1] https://baophapluat.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-doi-thoai-giao-vien-ca-nuoc-se-loc-bot-cac-cuoc-thi-it-y-nghia-post484644.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương