Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam bộ; triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (diễn ra vào tháng 4/2023).
Sau gần một năm diễn ra hội nghị, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai đã có một số chuyển biến tích cực.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trương Thị Kim Huệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã có những chia sẻ liên quan đến nội dung này.
Xã hội hóa giáo dục được tỉnh quan tâm đẩy mạnh
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, sau hội nghị, ngành đã có những bước chuyển biến cụ thể như: Mạng lưới trường lớp được củng cố, phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường.
Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng; chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên; đến thời điểm hiện tại, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia trong hệ thống các trường công lập ở bậc mầm non có 171 trường (trong đó có 08 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đạt tỉ lệ 78,44%; bậc tiểu học có 194 trường (trong đó có 20 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đạt tỉ lệ 69,78%; bậc trung học cơ sở có 136 trường (trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đạt tỉ lệ 76,84%; bậc trung học phổ thông có 32 trường (trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đạt tỉ lệ 64%.
Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (tính cả thí sinh tự do) của tỉnh năm 2023 đạt 97,10% (tăng 0,26% so với năm 2022); có 59 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia năm 2024 gồm 14 giải Nhì, 22 giải Ba và 23 giải Khuyến khích (so với năm 2023 tăng 24 giải bao gồm 12 giải Nhì và 12 giải Ba).
Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh; giai đoạn 2020-2023, mạng lưới trường lớp ngoài công lập không tăng, ổn định với quy mô 190 trường; quy mô học sinh ngoài công lập giảm ở bậc học mầm non (tỉ lệ giảm 12,7%), tăng ở bậc trung học phổ thông (tỉ lệ tăng 12,9%).
Xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh đã hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện đào tạo theo mô hình trường quốc tế, cấp bằng tú tài quốc tế (Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Quốc tế Bắc Mỹ); mô hình trường chất lượng cao tăng cường ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, học 2 buổi/ngày ở tất cả các khối lớp (Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Thái Bình Dương - Đồng Nai, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông song ngữ Lạc Hồng, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Á Châu...).
Mô hình công ty, xí nghiệp thực hiện xây dựng, đưa vào hoạt động trường mầm non để phục vụ con em công nhân của công ty đã bước đầu được thực hiện có hiệu quả với nhiều trường mầm non do Công ty, xí nghiệp thành lập như: Trường Mầm non Đông Phương - tại Khu công nghiệp Sông May, Trảng Bom, Trường Mầm non DonaStandard - tại Khu công nghiệp Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc do Tập đoàn Phong Thái đầu tư; Trường Mầm non Thái Quang - Biên Hòa do Công ty Taekwang Vina đầu tư; Trường Mầm non Những Bông hoa nhỏ - Biên Hòa do Công ty Pouchen đầu tư...
Bên cạnh các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, tỉnh Đồng Nai cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoài tỉnh, các nhà đầu tư vốn nước ngoài thực hiện đầu tư các dự án giáo dục trên địa bàn như: Tập đoàn Nguyễn Hoàng đầu tư Trường quốc tế Bắc Mỹ, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông; Công ty Cổ phần Kinderworld đầu tư khu giáo dục quốc tế Singapore tại Nhơn Trạch; các công ty có vốn nước ngoài đầu tư hệ thống trung tâm Anh ngữ.
Công tác xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục được quan tâm và đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Các nhà trường đã tích cực triển khai các phương pháp dạy học tích cực, các mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; giáo dục vùng sâu, vùng khó khăn được quan tâm phát triển. Bên cạnh đó, phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương, trật tự trong các nhà trường được giữ vững; công tác hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo của tỉnh được chú trọng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Còn nhiều thách thức trường lớp với việc tăng dân số cơ học
Về khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết, đó là không còn tình trạng học ca 3 trên địa bàn tỉnh.
“Tuy nhiên, với áp lực tăng dân số cơ học nhanh, mặc dù hệ thống cơ sở vật chất trường lớp phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đề ra các giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại” - bà Huệ cho hay.
Cụ thể, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có: 919 trường (mầm non, phổ thông). Trong đó: cấp học mầm non 371 trường, cấp học tiểu học 286 trường, cấp học trung học cơ sở 185 trường, cấp học trung học phổ thông 77 trường. Tổng số lớp: 20.789 lớp (mầm non: 5.460 lớp, tiểu học: 8.251 lớp, trung học cơ sở: 4.968 lớp, trung học phổ thông: 2.110 lớp), tổng số học sinh: 734.706 học sinh (Mầm non: 132.907 trẻ, tiểu học: 298.962 học sinh, trung học cơ sở: 214.869 học sinh, trung học phổ thông: 87.968 học sinh). Mạng lưới trường học đã được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; trung bình mỗi phường xã đều có 2,2 trường mầm non, 1,7 trường tiểu học và 1,1 trường trung học cơ sở, mỗi huyện thành phố có 7 trường trung học phổ thông.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tăng dân số cơ học hằng năm khá nhanh và không đồng đều ở các khu vực; sự phát triển của các khu đô thị mới, khu công nghiệp và khu chế xuất làm tăng đột biến dân số cơ học khác với dự báo chỉ tiêu quy hoạch ban đầu của tỉnh.
Điều này dẫn đến khó khăn trong xác định nhu cầu quỹ đất cần đầu tư, tạo áp lực về cơ sở hạ tầng và chỗ học tại một số phường/xã có quá trình đô thị hóa cao, mật độ dân số tăng. Tại các phường/xã trên, mặc dù các địa phương đã tích cực tham mưu đầu tư xây mới trường lớp hằng năm nhưng vẫn không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số. Vì vậy, nhiều trường thiếu phòng học phải mượn tạm phòng học của cơ sở khác gần trường để dạy; một số trường phải sử dụng phòng chức năng làm phòng học nên chưa đảm bảo có đủ phòng chức năng theo quy định.
Để đảm bảo chỗ học cho học sinh, các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư trường lớp theo kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tại từng phường/xã căn cứ trên dự báo quy mô dân số cơ học phát sinh từng năm; thực hiện rà soát lại quỹ đất đang quản lý để đưa ra các giải pháp như di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên để xây dựng trường học. Đồng thời, bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện để các nhà đầu tư cho giáo dục nhất là qui mô phát triển cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, qua đó điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng” - nữ Giám đốc Sở thông tin thêm.
Kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 116 để đặt hàng đào tạo giáo viên
Hiện tại, tỉ lệ giáo viên/lớp của các trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tương đối đảm bảo: Mầm non từ 1,5 đến 2,2 giáo viên/lớp; tiểu học từ 1,2 đến 1,5 giáo viên/lớp; trung học cơ sở từ 1,6 đến 1,9 giáo viên/lớp; trung học phổ thông là 2,25 giáo viên/lớp, trường chuyên là 3,1 giáo viên/lớp, dân tộc nội trú là 2,4 giáo viên/lớp.
“Thiếu giáo viên không chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà còn là thực trạng chung trên phạm vi cả nước. Trong năm học 2023-2024, thực hiện chỉ đạo của Trung ương cũng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đẩy mạnh công tác tuyển dụng tuyển liên tục để đáp ứng cho đội ngũ giáo viên thiếu bù vào đội ngũ giáo viên nghỉ việc nghỉ hưu; đồng thời, với phương châm “tuyển đủ giáo viên theo biên chế giao, các trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện tuyển dụng liên tục, tuyển đến khi đủ giáo viên” - bà Trương Thị Kim Huệ cho biết.
Tuy nhiên, một số địa bàn vẫn còn tình trạng khó tuyển như: Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), Suối Nho (huyện Định Quán); cấp học mầm non khó tuyển giáo viên; một số môn khó tuyển như: Giáo dục thể chất, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng.
Đối với giáo viên các môn học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện đang thiếu giáo viên bộ môn Tin học ở bậc tiểu học, giáo viên các môn nghệ thuật.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có giáo viên Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
“Tuy nhiên, đây cũng không phải là vấn đề khó khăn vì đối với các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới cấp trung học cơ sở như: Khoa học tự nhiên (kiến thức bao gồm nội dung các môn Lý, Hóa, Sinh) và môn Lịch sử - Địa lý (kiến thức bao gồm kiến thức các môn học Lịch sử, Địa lý). Do đó, việc bố trí giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý trên nguồn giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa hiện có.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng theo quy định tại Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để nguồn giáo viên hiện có tham gia giảng dạy toàn bộ kiến thức của môn học mà không phải tách kiến thức của bộ môn.
Trong thời gian sắp tới, khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, tỉnh sẽ thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên.
Về khó khăn, vướng mắc trong triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên mà địa phương cần đề xuất tháo gỡ: Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP theo hướng phân rõ trách nhiệm trong công tác bồi hoàn kinh phí của các đối tượng sinh viên hưởng chính sách, sinh viên hưởng chính sách tốt nghiệp chưa có việc làm và sinh viên hưởng chính sách đã được tuyển dụng làm giáo viên; về nơi công tác sau tốt nghiệp của sinh viên hưởng chính sách…
Đồng thời, rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thực hiện” - nữ Giám đốc Sở bày tỏ.
“Ngoài ra, có thể nói khó khăn lớn nhất của tôi trăn trở là mức lương của đội ngũ nhân viên trường học (như kế toán, văn thư, thiết bị - thí nghiệm, y tế...) rất thấp. Có phụ cấp thì phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại chỉ 0,1 đến 0,2 mức lương cơ sở. Mặc dù, theo một số cơ quan báo chí đưa tin “Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện chế độ này từ khi cải cách tiền lương từ 01/7/2024, hy vọng với sự quyết liệt của Bộ Nội vụ, nhân viên trường học từ 01/7 tới sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi 25%, sau khi hết tập sự sẽ được hưởng lương bậc 2 để họ có thêm phần kinh phí trang trải cuộc sống, gắn bó với nghề”, nhưng hiện nay, đội ngũ nhân viên này chưa biết đề xuất có được chấp thuận hay không. Do nhu cầu cuộc sống nên một số đã nghỉ việc, chuyển việc và các nhà trường rất khó tuyển dụng nhân viên trường học” - nữ Giám đốc Sở tâm tư.
Thời gian tới, đưa vào triển khai thí điểm lớp học Google, AI Robotic
Về việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trong thời gian vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh có số lượng trường lớp, học sinh khá lớn nên áp lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, máy tính phục vụ việc tổ chức dạy học môn tin học đòi hỏi phải đầu tư nguồn kinh phí là khá nhiều.
Công nghệ ngày càng phát triển, nên đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt việc tổ chức dạy và học, quản trị nhà trường.
Vì vậy, trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư cơ sở dữ liệu ngành, các hệ sinh thái trong giáo dục như tuyển sinh đầu cấp, học bạ điện tử, số hoá các hồ sơ sổ sách, kho học liệu số, nền tảng tổ chức dạy học, giao việc trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thư viện điện tử phục vụ cho giáo viên, học sinh các cơ sở giáo dục.
Tiếp tục tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo các kiến thức nâng cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục. Tiếp tục triển khai chương trình dạy học chương trình tin học quốc tế ở những cơ sở giáo dục có đủ điều kiện. Đưa vào triển khai thí điểm lớp học Google, AI Robotic ở những cơ sở giáo dục có đủ điều kiện. Đưa vào triển khai học bạ điện tử ở các trường tiểu học.
Triển khai đạt hiệu quả các tiêu chí tại Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đặc biệt nâng số lượng cơ sở giáo dục đạt mức 3 về chuyển đổi số.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Để giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai cũng như giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam bộ phát triển và tiếp tục có những chuyển biến tích cực, trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và các địa phương trong quản lý và phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị trường học, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện đại hóa các công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý cơ sở giáo dục và đào tạo; tập trung quản lý chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Ba là, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới cơ chế chính sách đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, nhất là công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, công nhân trong các khu công nghiệp và khu chế xuất. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bốn là, ưu tiên dành quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đạt chuẩn đảm bảo xu thế hội nhập quốc tế và hiện đại. Tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ dạy học nhất là ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; phát triển, nâng cao chất lượng trường học đạt chuẩn quốc gia, trường học có dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Về giáo dục đại học, các trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã có nhiều điểm sáng: Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 2 làng đại học tại huyện Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh. Thời gian qua, nhiều trường đại học ngoài tỉnh cũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, đặt vấn đề về việc mở phân hiệu, cơ sở.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng đang có kế hoạch mở trường nghề tại Đồng Nai. Cùng với đó, các trường đại học trong tỉnh đều đã có kế hoạch mở rộng quy mô đào tạo. Với nguồn lực được tăng cường cả về nhân lực, trang thiết bị và hệ thống công nghệ số, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp và triển khai hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học.
Qua đó, thúc đẩy các hoạt động của trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương và khu vực.