Ngành Kinh tế quốc tế: Cơ hội việc làm rộng mở và đa dạng hơn ngành truyền thống

31/03/2024 06:20
Khánh An

GDVN -Theo chia sẻ từ một số trường đại học đang đào tạo, những năm gần đây, Kinh tế quốc tế đang là ngành học hot khi thu hút được đông đảo thí sinh quan tâm, đăng ký.

Là một ngành học nghiên cứu chuyên sâu về các hoạt động kinh tế, Kinh tế quốc tế đang là một ngành học hot khi có cơ hội việc làm rộng mở cùng mức thu nhập cao, là nguồn nhân lực quan trọng đối với nhiều công ty, doanh nghiệp. Chính vì vậy, tại nhiều cơ sở giáo dục đại học học, ngành học này đang thu hút nhiều sinh viên đăng ký.

Ngành học có tỷ lệ chọi cao

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trí - Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, qua kết quả tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, Kinh tế quốc tế đang là ngành học nhận được nhiều sự quan tâm từ học sinh và phụ huynh với số hồ sơ đăng ký vào ngành liên tục tăng qua các năm với tỷ lệ chọi lên đến 1/7, 1/8.

Theo thầy Trí, trước đây, thí sinh chủ yếu quan tâm đến các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính, ngân hàng (các ngành học thuần về các kỹ năng) của khối kinh tế, tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các em thường có nhu cầu tìm hiểu về ngành học Kinh tế quốc tế bởi có nhiều thuận lợi hơn về cơ hội việc làm.

z5294042399441_06971882ea270c4d6bb61bf272d398d0.jpg
Sinh viên ngành Kinh tế quốc tế, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trong giờ học (Ảnh: NTCC).

Thầy Trí cho rằng, người làm các ngành nghề thiên về kỹ năng dần dần có thể bị thay thế bởi máy móc hay những phương thức khác, tuy nhiên, những ngành thiên về hướng suy luận như Kinh tế quốc tế lại không như vậy. Bởi, người làm Kinh tế quốc tế sẽ sử dụng những kỹ năng, kiến thức đã học dựa trên việc thăm dò, khảo sát thị trường,... để phân tích, đưa ra các chính sách giúp cho doanh nghiệp, đơn vị, quỹ đầu tư,... tham gia vào lĩnh vực có xu hướng trong tương lai, những thị trường có tính khả thi, mang lại lợi nhuận.

Chính vì vậy, đây là một bộ phận nhân lực quan trọng đối với hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay.

Bên cạnh đó, để thu hút người học và giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường thích ứng được yêu cầu thực tế của nơi sử dụng lao động, nhà trường và khoa cũng luôn chú trọng đến việc xây dựng chương trình đào tạo, có những thay đổi phù hợp như điều chỉnh nội dung của một số học phần qua những đợt đánh giá.

Hơn nữa, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học An Giang cũng được cung cấp kiến thức nhằm nắm vững về những vấn đề cốt lõi của kinh tế học; các kỹ năng về kinh doanh, kỹ năng đàm phán, quản trị học, marketing; các kiến thức về thương mại, giao thương quốc tế, xuất nhập khẩu, luật và chính sách liên quan đến kinh tế quốc tế.

Mặt khác, trước băn khoăn của nhiều phụ huynh và học sinh khi không biết nên chọn Kinh doanh quốc hay Kinh tế quốc tế cho phù hợp, cũng như phân biệt 2 ngành học này, thầy Trí thông tin, Kinh doanh quốc tế đào tạo chủ yếu cho người học về các kỹ năng liên quan đến kinh doanh như kỹ năng đàm phán, truyền thông, bán hàng,...

Trong khi đó, Kinh tế quốc tế lại thiên hướng đào tạo cho các em về nghiên cứu, phân tích các chính sách văn hóa, thị trường, ngoại thương, các kiến thức chuyên sâu về kinh tế học nên tất yếu các kiến thức được cung cấp cũng sẽ vĩ mô hơn so với Kinh doanh quốc tế. Do vậy, khi tham gia vào thị trường lao động, người học sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế sẽ chủ yếu làm các công việc liên quan đến nghiên cứu, phân tích chính sách, chiến lược kinh tế.

Với những thuận lợi như vậy, có thể nói rằng, vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế là rất rộng mở và đa dạng hơn so với nhiều ngành học về kinh tế, kinh doanh truyền thống.

Theo đó, các em có thể làm việc ở những công ty liên quan đến giao thương, chính sách, đầu tư quốc tế, các công ty đầu tư của nước ngoài; các quỹ đầu tư, công ty liên doanh, xuất nhập khẩu, logistics; những đơn vị nghiên cứu, tham mưu về chính sách (như các trường đại học, bộ, sở, ban, ngành có liên quan).

Thầy Trí thông tin thêm, để nắm được tình hình việc làm của sinh viên ngành Kinh tế quốc tế, khoa đã thực hiện khảo sát với 3 mốc thời gian là 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng sau khi tốt nghiệp. Kết quả cho thấy, tỷ lệ này là tương đối cao với 50% số sinh viên có việc làm đúng ngành sau 3 tháng; 70-80% sau 6 tháng và trên 80% sau 12 tháng (số còn lại thường tự khởi nghiệp hoặc làm việc tại các công ty gia đình liên quan đến lĩnh vực kinh tế quốc tế).

Có “sân chơi” việc làm rộng mở

Cùng bày tỏ quan điểm về công tác tuyển sinh ngành học này, Tiến sĩ Đỗ Thị Hương - Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, Viện Thương mại và Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, Kinh tế quốc tế luôn nằm trong tốp những ngành học có điểm chuẩn đầu vào cao nhất của nhà trường với lượng thí sinh đăng ký vào rất đông hàng năm. Đơn cử như năm 2023, điểm chuẩn đầu vào ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân là 27,35 điểm.

Có thể thấy rằng, trước xu thế hội nhập hiện nay, Kinh tế quốc tế là ngành học rất quan trọng bởi nó đào tạo theo định hướng là tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức am hiểu về hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; quản lý nhà nước về các hoạt động kinh tế đối ngoại. Do vậy, công việc của người học sau khi tốt nghiệp ngành học này là rất phù hợp với xu thế và nhu cầu phát triển của xã hội.

DSC_3724 (Copy).jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Kinh tế quốc dân).

Cô Hương chia sẻ, kênh thông tin giúp ngành Kinh tế quốc tế của nhà trường có thể tuyển sinh tốt nhất chính là qua những đánh giá của các cựu sinh viên.

Nhìn chung, sinh viên ngành học này sau khi tốt nghiệp đều phát huy được tốt năng lực, kiến thức, kỹ năng đã được trau dồi để thực hiện các công việc đa dạng, đặc biệt là các công việc có liên quan đến hoạt động giao thương, hợp tác nước ngoài, các cơ quan quản lý về kinh tế có yếu tố nước ngoài; các công ty, doanh nghiệp liên quan đến quốc tế về đầu tư, công thương, du lịch,...; Trong đó, một số bạn có khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ hiện đang làm ở các tổ chức quốc tế, đại sứ quán của các nước ở Việt Nam.

Cùng chia sẻ thông tin về ngành học trên, Tiến sĩ Bùi Thúy Vân - Lãnh đạo khoa Kinh tế quốc tế (Học viện Chính sách và Phát triển) cho hay, Kinh tế quốc tế là một ngành học hot khi tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời cũng là nguồn lực lao động cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu và logistics quốc tế, đóng góp lớn cho GDP của đất nước.

Trước tiềm năng về đầu ra như vậy, ngành học Kinh tế quốc tế của nhà trường đã nhận được nhiều sự quan tâm của người học nên tất yếu cũng là một trong những ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất những năm gần đây (điểm chuẩn đầu vào năm 2023 là 24.8 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Bên cạnh đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học này của nhà trường có đến 98% có việc làm ngay sau khi ra trường, thậm chí ngay từ năm cuối khi đi thực tập các em đã được tuyển dụng vì “sân chơi” việc làm rất rộng mở ở cả khu vực nhà nước, tư nhân và môi trường quốc tế.

Cụ thể, sau khi tốt nghiệp ra trường, đối với khu vực nhà nước, các em có thể làm các công việc có liên quan đến chuyên ngành tại các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Ban quản lý các khu công nghiệp, Cảng biển và Logistic tại các địa phương; đối với khu vực tư nhân, các em có thể làm việc ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các công ty logistics, giao nhận quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, …

Hơn nữa, Kinh tế quốc tế còn là ngành học có lợi thế khi các em sau khi tốt nghiệp ra trường có thể chủ động tìm công việc đáp ứng cho nhu cầu của bản thân và của nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, theo cô Vân, mức thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế cũng tương đối cao, trung bình đạt khoảng 10 triệu trở lên khi làm việc ở các công ty, doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều bạn còn từ chối lời mời tuyển dụng của các doanh nghiệp bởi có thể khởi nghiệp với mức thu nhập cao hơn rất nhiều từ những kiến thức, kỹ năng đã được tích lũy trong quá trình học tập.

Trước băn khoăn của một số người học khi lo lắng rằng nếu bị hạn chế về ngoại ngữ có thể tham gia học ngành Kinh tế quốc tế được không, cô Vân bày tỏ, để vào được ngành học này, các em không nhất thiết phải quá giỏi về ngoại ngữ mà chỉ cần đáp ứng được điểm chuẩn đầu vào và các yêu cầu theo quy định. Bởi, trong quá trình học, sinh viên đã được cung cấp kiến thức từ các học phần cũng như các lớp học bổ trợ tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu có khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ nổi trội, tất nhiên cơ hội việc làm của các em cũng phát triển và có mức thu nhập tốt hơn.

Cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn từ phía doanh nghiệp

Về công tác đào tạo, Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngành có thuận lợi khi có khoảng 40% số giảng viên là thạc sỹ, tiến sỹ tốt nghiệp từ nước ngoài nên đảm bảo được việc tiếp cận kiến thức mới và tiệm cận với quốc tế cho người học.

Không những vậy, các học phần đều được khoa và nhà trường thiết kế có phần thực hành từ những phần mềm thực tế ảo khi học tập tại trường đến đi học tập, tham quan trực tiếp các doanh nghiệp. Vậy nên, các đơn vị sử dụng lao động khi tiếp nhận sinh viên của khoa hầu như không phải đào tạo lại.

Hinh 2.jpg
Sinh viên khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Chính sách và phát triển thực hành học phần Đàm phán kinh tế quốc tế (Ảnh: Website nhà trường).

Cũng theo thầy Trí, mặc dù sinh viên ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học An Giang có lợi thế khi nhà trường có vị trí gần với Cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Thới, giúp các em thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu về thương mại quốc tế. Tuy nhiên, để tham gia các hoạt động kinh tế một cách đầy đủ, các em vẫn bị hạn chế hơn so với sinh viên ở các thành phố lớn.

Trong khi đó, để tạo thuận lợi cho người học, Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, Viện Thương mại và Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong chương trình đào tạo, ngoài những học phần chuyên môn sâu về kinh tế và quản lý, hoạt động kinh tế có yếu tố nước ngoài, các em sinh viên của ngành học này còn được trang bị các môn học có liên quan đến nghiệp vụ và quản trị doanh nghiệp; các học phần phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp; xây dựng chương trình đào tạo có tính tương thích với một số trường đại học có kinh nghiệm và phù hợp với xu thế về đào tạo ngành Kinh tế quốc tế ở nước ngoài như Mỹ, Úc, Anh. Từ đó nhằm gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Không những vậy, giảng viên của ngành học còn luôn tích cực hỗ trợ, tạo cơ hội đi thực hành, thực tập, giới thiệu việc làm cho sinh viên thông qua sự kết nối với mạng lưới cựu sinh viên, các doanh nghiệp hợp tác.

Bên cạnh đó, cô Hương cho biết thêm, công tác đào tạo của ngành Kinh tế quốc tế còn có thuận lợi khi phần lớn đội ngũ giảng viên giảng dạy đều được đào tạo từ nước ngoài nên có khả năng rất tốt trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và tham gia nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với mong muốn giúp cho ngành học Kinh tế quốc tế ngày càng phát triển tốt hơn nữa, cô Hương cho rằng, cần tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên được học tập, nghiên cứu, tiếp xúc thực tế qua việc tăng kinh phí đi thực tiễn cho cả giảng viên thầy cô và sinh viên (hiện nhà trường đã có sự hỗ trợ về kinh phí này nhưng mức đầu tư còn hạn chế).

Còn theo lãnh đạo khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Chính sách và Phát triển, đối với công tác đào tạo, do đây là ngành học có tính chất quốc tế nên đòi hỏi việc tuyển dụng được đội ngũ giảng viên chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đào tạo cũng ngày càng tăng như nhu cầu tuyển dụng giảng viên phải có trình độ tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Thế nhưng, để tìm và có được nguồn lực này không phải dễ dàng. Chính vì vậy, hiện khoa cũng đang tích cực khuyến khích các thầy cô trong khoa đi học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài,...

Mặt khác, cô Vân cho biết thêm, khó khăn trong công tác đào tạo của khoa là không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chia sẻ, dành thời gian hỗ trợ cho các em. Vậy nên, cô Vân mong rằng, ngoài việc thực hiện mục tiêu phát triển, gia tăng doanh thu, các doanh nghiệp nên có trách nhiệm đào tạo cho xã hội, đóng góp cho giáo dục, tạo điều kiện hơn cho các em trong những giai đoạn đi kiến tập, thực tập và tìm việc làm.

Hiện, để tạo thuận lợi cho sinh viên, một số giảng viên trong khoa còn tự thành lập các công ty, doanh nghiệp về lĩnh vực kinh tế quốc tế để qua đó tự trau dồi, cập nhật thêm kiến thức và là nơi cho các em đến thực hành, thực tập.

Khánh An