Thực hiện kế hoạch năm học 2023 – 2024, sáng ngày 31/3/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Dạy – học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”, đồng thời ra mắt "Kênh hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc của Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Chương trình được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự chương trình, có sự góp mặt của Ông Đặng Hiệp Giang - đại diện Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên; ông Trịnh Đình Hải – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; bà Phan Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn; Đặng Trần Xuân – Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội;
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội, có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiến sĩ Lê Xuân Tình – Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, có Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Long – Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; cùng các thầy/cô giáo trong Ban giám hiệu, cán bộ các phòng, ban chức năng của đơn vị.
Hội thảo còn có sự hiện diện của nhiều cán bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, và các Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu, giáo viên các trường đại học, trường phổ thông của các địa phương trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Long – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức hội thảo bày tỏ niềm vui mừng khi chương trình nhận được sự ủng hộ, quan tâm của gần 5000 giáo viên, gần 1000 trường đại học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đến từ 46 tỉnh, thành trong cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Long cho biết: “Trong suốt thời gian vừa qua, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện hoạt động hỗ trợ cộng đồng cho nhiều cơ sở trên toàn quốc.
Từ những hoạt động này, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm; đồng thời, tập thể lãnh đạo nhà trường, ban giám hiệu có mong muốn xây dựng một kênh hỗ trợ chuyên sâu hơn nữa giúp giáo viên, học sinh trong cả nước có thể kết nối, trao đổi và cung cấp được nhiều thông tin nhanh nhất, chính xác nhất về việc dạy và học ngoại ngữ.
Trên cơ sở những mong muốn đó, Trường Đại học Ngoại ngữ đã đề xuất và được sự đồng ý của Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập "Kênh hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc của Đại học Quốc gia Hà Nội” (gọi tắt là ULIS CONNECT).
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành tổ chức Hội thảo “Dạy – học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018” nhằm đáp ứng tình hình dạy và học trong thời kỳ mới”.
Chương trình được chia làm hai phần. Phần thứ nhất, là lễ ra mắt "Kênh hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc của Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Đây là kênh thông tin chính thức do Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Trường Đại học Ngoại ngữ xây dựng nhằm kết nối giáo viên ngoại ngữ bậc phổ thông trên toàn quốc với các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và các cơ sở giáo dục ngoại ngữ.
Từ đó, tạo cơ hội cho các thầy cô được chia sẻ thông tin, tiếp cận nguồn tài liệu tin cậy, tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ để cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông tại Việt Nam.
Và phần thứ 2 là Hội thảo “Dạy – học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”.
Trong khuôn khổ của hội thảo, có 5 báo cáo được trình bày, cụ thể:
STT |
Tên báo cáo |
Diễn giả |
1 |
Hướng tới tuyển sinh từ năm 2025: kiểm tra đánh giá Ngoại ngữ có gì khác? |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Chi và Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm Khảo thí, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội |
2 |
Xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá định kỳ môn Ngữ văn cấp Trung học phổ thông |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền, Khoa Sư phạm – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội |
3 |
Dạy học bộ môn Toán cấp Trung học phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ,Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội |
4 |
Ứng dụng AI trong dạy học và kiểm tra – đánh giá môn Ngoại ngữ |
Thạc sĩ Khoa Anh Việt và Thạc sĩ Khương Quỳnh Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội |
5 |
Thiết kế và triển khai các hoạt động học tập trải nghiệm liên môn góp phần phát triển năng lực toàn diện cho người học – Kinh nghiệm từ trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ |
Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo và Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Tú, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội |
Phát biểu tại chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực của tập thể ban lãnh đạo, và các thầy/cô giáo Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thúc đẩy xây dựng "Kênh hỗ trợ giáo dục Ngoại ngữ bậc phổ thông trên toàn quốc của Đại học Quốc gia Hà Nội” và tổ chức hội thảo ngày hôm nay.
“Tôi hy vọng sau chương trình ngày hôm nay, thông qua các tham luận, sẽ có nhiều ý kiến chia sẻ bổ ích giúp cải thiện tình hình dạy và học môn ngoại ngữ ở bậc trung học phổ thông ngày càng hiệu quả, đặc biệt là áp dụng để đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện về phẩm chất năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cũng hy vọng Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ vận hành "Kênh hỗ trợ giáo dục Ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc của Đại học Quốc gia Hà Nội” hiệu quả, đáp ứng sứ mệnh của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung trong việc lan tỏa những thành tựu nghiên cứu khoa học đến với toàn hệ thống giáo dục ở Việt Nam.
Với các chủ đề đa dạng tại hội thảo, đặc biệt liên quan tới các bộ môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở các môn học và ứng dụng công cụ AI trong dạy học và kiểm tra - đánh giá, các thầy cô giáo ở các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trên cả nước đã có thêm cách tiếp cận trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn của mình. Ban Tổ chức Hội thảo cũng kỳ vọng sẽ tạo sự kết nối và giao lưu nhiều hơn nữa trong cộng đồng giáo viên Việt Nam.