PGS.Lê Đắc Nhường: 100% sinh viên ngành CNTT có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp

06/04/2024 06:19
LÃ TIẾN

GDVN - Khoa Công nghệ thông tin hàng năm tuyển khoảng 300 sinh viên, điểm chuẩn xét tuyển vào khoa luôn cao nhất khối kinh tế kỹ thuật Trường Đại học Hải Phòng.

Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Hải Phòng với truyền thống 23 năm xây dựng và phát triển (2001-2024) đang từng bước khẳng định và giữ vững vị thế một ngành mũi nhọn trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng.

Khoa Công nghệ thông tin có đội ngũ giảng viên chuyên ngành giàu kinh nghiệm với 1 Phó giáo sư, 6 Tiến sĩ và 27 Thạc sĩ. Hiện nay, khoa đang triển khai đào tạo khoảng 1.000 sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin.

khoa-cntt.jpg
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh: ĐN)

Về cơ sở vật chất, Khoa Công nghệ thông tin hiện có 3 Phòng thực hành: Phòng thực hành gia công Công nghệ phần mềm; Phòng thực hành An ninh, An toàn thông tin; Phòng thực hành Tin học cơ sở; Khoa có 01 Lab nghiên cứu ICS (Tính toán và bảo mật thông minh).

Năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Công nghệ thông tin là 302 với 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng theo qui chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Hà Nội; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả học bạ Trung học phổ thông theo 2 phương án (Kết quả học tập năm lớp 12. Điểm trung bình môn năm lớp 11 và Điểm học kỳ 1 lớp 12).

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đắc Nhường – Trưởng khoa Công nghệ thông tin, chương trình đào tạo của Khoa Công nghệ thông tin đã được Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cấp chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng ngày 14/02/2023.

Chương trình được xây dựng định hướng thực hành, ứng dụng theo quy trình CDIO (Conceive/Hình thành ý tưởng – Design/Thiết kế – Implement/Triển khai – Operate/Vận hành) giúp sinh viên nắm bắt đầy đủ các kiến thức ngành/chuyên ngành và kỹ năng liên quan như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng quản lý thời gian,...

Đây là những kỹ năng hết sức quan trọng nhằm giúp sinh viên phát huy tối đa những khả năng, tố chất mà một người IT cần phải có.

Đặc biệt, sinh viên theo học ngành Công nghệ thông tin tại trường sẽ được học và thực hiện các project thực tế, các học phần chuyên ngành đều được đánh giá thi trên máy tính, báo cáo bài tập lớn.

GDVN_khoa-cntt-dhhp-1.jpg
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin thực tế định hướng nghề nghiệp tại LGLG Display Hải Phòng (Ảnh: ĐN)

Bên cạnh đó, sinh viên còn được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin như: VNPT IT Khu vực 3, Mobiphone KV 5, LG Display khối thuật toán, FPT Education, MMG Global,…

Sinh viên của Khoa Công nghệ thông tin còn được trải nghiệm qua các Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới (Microsoft Office Specialist World Championship - MOSWC), Olympic Tin học sinh viên và SV-Startup.

Năm 2024, sau khi trải qua những giờ thi căng thẳng và đầy kịch tính, sinh viên Phạm Quang Vinh, Lớp Công nghệ thông tin 1.K24 đã xuất sắc đạt 1000/1000 điểm nội dung Microsoft Powerpoint 2019.

Với thành tích này, sinh viên Phạm Quang Vinh đã xuất sắc vượt qua hơn 2.100 thí sinh được tuyển chọn từ 240 đội tuyển trên cả nước và giành quyền tham dự Vòng chung kết Quốc gia.

Ngoài ra, nhiều sinh viên của Khoa Công nghệ thông tin đã vinh dự được nhận học bổng tài trợ của Tổ chức Word Vision International tại Việt Nam, học bổng Woonjung, học bổng của công ty LG, MMG Global…

GDVN_khoa-cntt-dhhp-3.jpg
Sinh viên của Khoa Công nghệ thông tin còn được trải nghiệm qua các Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng (Ảnh: ĐN)

Phó giáo sư Lê Đắc Nhường cho biết, sinh viên khi học ngành Công nghệ thông tin ra trường có thể làm việc với các vị trí như:

Lập trình viên là người viết mã và phát triển phần mềm, ứng dụng hoặc website.

Kỹ sư phần mềm tham gia vào việc phát triển phần mềm từ giai đoạn lên ý tưởng đến triển khai. Công việc của kỹ sư phần mềm bao gồm thu thập yêu cầu khách hàng, phân tích yêu cầu, thiết kế hệ thống, lập trình, kiểm thử và triển khai phần mềm.

Quản trị hệ thống: bao gồm cài đặt, cấu hình, giám sát và bảo trì hệ thống mạng máy tính, hệ điều hành, ứng dụng và các công nghệ liên quan.

Chuyên gia bảo mật đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin và hệ thống mạng.

Giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin tại những cơ sở đào tạo.

Công việc trong các tổ chức hành chính, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và đào tạo, sử dụng Tin học để thực hiện công việc.

khoa-cntt-dhhp.jpg
Thông tin tuyển sinh của Khoa Công nghệ thông tin trong năm 2024 (Ảnh: ĐN)

“Với kiến thức và kỹ năng được trang bị khi học tập 4 năm tại Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Hải Phòng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 94% trong 6 tháng sau tốt nghiệp và gần 100% sau tốt nghiệp 12 tháng.

Với triết lý “Truyền đạt kiến thức vững chắc để sinh viên vào đời vững vàng!” và phương châm “You can do IT, we are ready to accompany”, Khoa Công nghệ thông tin luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bạn sinh viên đam mê công nghệ và IT”, Phó giáo sư Lê Đắc Nhường nhấn mạnh.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ các doanh nghiệp và cơ quan sự nghiệp tại thành phố Hải Phòng, Khoa Công nghệ thông tin đang triển khai xây dựng và phát triển nhiều chương trình đào tạo mới như: Thiết kế game và Multimedia, Thiết kế vi mạch và bán dẫn.

Phó giáo sư Lê Đắc Nhường cho biết thêm: “Ngày 29/3/2024, Trường Đại học Hải Phòng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng và Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng trong xây dựng phát triển chương trình đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn.

Tại buổi lễ, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho Trường Đại học Hải Phòng”.

LÃ TIẾN